Anh Nguyễn Thoại Tân, đoàn viên Chi đoàn Ấp 5, xã An Trường. Đây là một trong những mô hình kinh tế của ĐVTN xã An Trường mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Hiện nay trên địa bàn xã An Trường có rất nhiều mô hình kinh tế của thanh niên mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng nấm bào ngư của đoàn viên Mai Trường Giang ở Ấp 6; mô hình nuôi ếch kết hợp nuôi cá rô của đoàn viên Lê Văn Quân ở Ấp 4… Trong đó, mô hình nuôi dế thương phẩm của đoàn viên Nguyễn Thoại Tân có thể nói là mô hình “độc, lạ” nhưng hiệu quả cao.
Vốn là một thanh niên nông thôn nên anh Thoại Tân cũng thực hiện nhiều mô hình kinh tế như nuôi bò sinh sản, nuôi rắn mối… nhưng hiệu quả không cao. Đến năm 2017, tình cờ anh Tân học được mô hình nuôi dế trên mạng internet và qua tìm hiểu anh nhận thấy có thể thực hiện được với điều kiện của gia đình và quyết tâm đeo đuổi nghề nuôi dế (dù cho có nhiều ý kiến trái chiều). Ban đầu, do học cách nuôi dế qua mạng internet và chưa có kinh nghiệm trong việc ấp trứng dế nên anh Tân không thành công với mô hình “độc, lạ” này. Không nản chí, anh tìm đến các cơ sở bán giống tại tỉnh Long An, tiếp tục mua trứng về ủ và đạt hiệu quả. Anh Tân suy nghĩ: “Bản thân từng là một cán bộ đoàn nên muốn tìm một mô hình kinh tế mới mà địa phương chưa có để thử nghiệm. Với mô hình mới sẽ ít “đối thủ” cạnh tranh hơn”. Tuy nhiên, do mô hình mới nên anh Tân cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên, không chỉ dùng làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, cá cảnh hay làm mồi câu cho một số ngư dân. Hiện nay, con người đã chế biến một số món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng từ dế như: dế chiên nước mắm, bánh xèo, xào, chiên bột… từ đó, mô hình nuôi dế thương phẩm của anh Tân càng đạt hiệu quả hơn. Chi phí ban đầu cho mỗi chuồng dế (02m2/chuồng) khoảng 300.000 đồng (khung sắt và bạt cao su để làm chuồng) và trứng dế để ủ cho một chuồng có giá 200.000 đồng, sau một tháng chăm sóc có thể xuất bán. Thức ăn cho dế là loại thức ăn dùng cho chim cút có thể cho dế ăn kèm thêm các loại rau: muống, lang, đọt mì, cỏ… mỗi ngày cho dế ăn 02 lần (sáng, chiều). Dế nuôi tự nhiên, sạch, ít bệnh, chỉ hao hụt chút ít. Để dế phát triển tốt, chuồng dế cần phải đảm bảo khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt bằng cách dùng lá chuối khô hoặc vĩ đựng trứng gà.
Đối với dế nuôi để làm thức ăn cho cá cảnh, chỉ cần nuôi từ 28 – 30 ngày là xuất bán, riêng dế thịt thương phẩm thì mất khoảng 35 – 40 ngày là thu hoạch. Theo kinh nghiệm hơn 02 năm nuôi dế của anh Tân, không nên nuôi dế quá lâu bởi tuổi thọ của loại dế chỉ trong vòng 03 tháng trở lại, quá thời gian đó dế tự chết vì quá già. Do đó, ở mỗi lứa dế xuất bán anh chọn những con dế tốt (to, đều) để làm dế giống. Từ 03 chuồng dế ban đầu, đến nay gia đình anh Nguyễn Thoại Tân đã có 50 chuồng dế thương phẩm theo hình thức xoay vòng, mỗi ngày cung cấp từ 10kg dế thương phẩm trở lên cho các cơ sở kinh doanh chim, cá cảnh trong và ngoài huyện. Với giá bán 90.000 đồng/kg dế thương phẩm, gia đình anh Tân thu nhập khoảng 07 – 08 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
Anh Nguyễn Thoại Tân cho dế ăn.
Theo anh Nguyễn Thoại Tân, nghề nuôi dế rất dễ thực hiện không cần nhiều vốn, thích hợp cho những thanh niên nông thôn. Hiện tại, với vai trò là Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, anh Nguyễn Thoại Tân luôn sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật cũng như cung cấp giống cho những ai muốn lập nghiệp với nghề “độc, lạ” này.
Tin bài- Huyện đoàn Càng Long