Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Thầy cô giáo vượt khó khăn tới tận thôn buôn giao bài tập cho học sinh

Rất nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học trực tuyến vì vậy, các thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn đến tận nhà học sinh để giao bài tập.

Từ chiều hôm trước, cô giáo Vũ Thị Nhung (trường tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea Mdoh huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) đã mang bài tập soạn sẵn đến tiệm photo để in tài liệu cho học sinh.
 

Cô giáo Nhung tới tận nhà học sinh giao bài tập cho học sinh

 
Sáng sớm hôm sau, cô Nhung cùng chồng là thầy giáo Mai Văn Chuyền (trường THCS Ngô Mây, xã Ea Mdoh) di chuyển trên các con đường của xã vào tận thôn buôn để giao bài tập cho học sinh.
Lớp cô Nhung dạy có 28 em học lớp 1, hầu hết các em đều thuộc dân tộc thiểu số ít người. Địa bàn các em sinh sống thậm chí chưa có điện lưới chứ chưa nói đến việc có Interner để thuận lợi việc học. Lo lắng các em sẽ quên mất con chữ trong suốt thời gian nghỉ học, cô phải đến tận nhà để giao bài tập, động viên các em và nhờ phụ huynh kèm cặp các em trong thời gian này.
 

 
“Nhà các em ở rải rác nhau nên để tới tận nhà từng em cũng mất không ít thời gian. Có em khi cô giáo tới nhà đã nhảy reo lên vui sướng và rất nhớ cô nhưng cũng có những em do nghỉ lâu ngày lại quên mất cô giáo, quên mất con chữ nên cô lại phải chỉ lại từ đầu”, cô Nhung tâm sự.
Sau khi phát bài tập và hướng dẫn bài, vài ngày sau cô giáo lại làm chuyến đi quay trở lại thu bài cho các em. Công việc thêm phần gian nan nhưng đó không phải điều cô Nhưng lo lắng nhất mà lo các em quên hết con chữ và nản việc học.
.

Tại vùng sâu vùng xa, việc học tập của học sinh chưa được chú trọng nên thầy cô phải tích cực tuyên truyền.

 
“Các em đang học lớp 1 mới vừa mới biết chữ, thời gian nghỉ dài nhiều em quên sạch mặt chữ nên cô giáo sẽ vất vả và phải kiên trì. Trong thời gian nghỉ dịch này, chúng tôi sẽ cố gắng duy trì việc giao bài cho các em để các em không quên mặt chữ và sẽ thuận lợi khi được quay trở lại trường học tập”, cô Nhung nói thêm.
Em Trịnh Quốc Nông (lớp 1A, trường Tiểu học Bùi Thị Xuân) cho biết, suốt thời gian dài nghỉ học em rất nhớ thầy cô, bạn bè nên khi cô giáo đến nhà giao bài tập, em rất vui khi gặp lại cô giáo và hứa với cô giáo sẽ làm bài tập đầy đủ.
Thầy giáo Mai Văn Chuyền chia sẻ, do các em ở vùng sâu vùng xa, kinh tế gia đình còn khó khăn nên việc học tập của con em ít được chú trọng. Bên cạnh đó, ý thức tự học của các em chưa cao nên rất cần sự giúp đỡ từ giáo viên, bố mẹ để các em tham gia việc học trong thời gian nghỉ này.
“Các em ở các thôn buôn chưa có điều kiện học trực tuyến như các bạn ở thành phố, ngày nghỉ các em còn phải theo bố mẹ lên nương rẫy, đi chăn bò thuê, đời sống vất vả. Việc tuyên truyền, động viên cho các em trong việc học là rất cần thiết. Những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn được thầy cô kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ cho các em những suất quà trong thời gian này”, thầy Chuyền chia sẻ.
 

Thầy Chuyền trực tiếp trao quà cho các em học sinh khó khăn

 
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh vẫn không chú trọng việc học hành của con em mình nên nhiều giáo viên lo lắng việc nghỉ học quá lâu dẫn đến việc các em lười quay trở lại trường học nên ngay từ bây giờ thầy cô giáo luôn phải sát cánh để bảo ban việc học cho các em.
Thầy Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản (huyện Cư M’gar) cũng tranh thủ đến nhà một số học sinh để kiểm tra, nắm tình hình tự học của các em. Theo thầy Tuấn, giáo viên của trường được phân công đến tận nhà giao bài cho học sinh và để theo dõi việc triển khai giao bài tập về nhà cho học sinh đạt hiệu quả, thầy luôn theo dõi số lượng đề bài phát ra, thu về mỗi tuần để có đánh giá chung về các học sinh.
Thầy cô giáo vượt khó khăn tới tận thôn buôn giao bài tập cho học sinh – Ảnh 5.
Ông Phạm Đăng Khoa –  Giám đốc Sở GD&ĐT Đăk Lăk cho biết, trên địa bàn tỉnh, việc học trực tuyến và học trên truyền hình đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa rất khó để tiếp cận nên các giáo viên sẽ đến tận nhà giao bài trực tiếp cho học sinh, nhất là với cấp tiểu học.
“Việc giáo viên tới nhà giao bài, hướng dẫn cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa là hình thức phù hợp, sáng tạo thể hiện tinh thần trách nhiệm của quý thầy cô. Để làm được việc này, các giáo viên phải rất vả, đi đến buôn làng xa xôi, hẻo lánh để hướng dẫn cho từng em. Đây là sự cố gắng rất lớn của các giáo viên, Sở rất hoan nghênh cách tổ chức này để giúp việc học cho các em”, ông Khoa cho hay.
 

Theo Dân trí