Lần này cũng vậy, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội XIII, họ cũng hùa nhau “bình luận” và đưa ra những “phát kiến dân chủ” cho nội dung dự thảo các văn kiện trình đại hội.
Tại sao những “nhà dân chủ” lại mất nhiều công sức và thời giờ đến vậy để nêu lên và đề xuất những “phát kiến dân chủ” đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó thực chất chỉ là lời lẽ của những người cố tình khoác lên mình cái vỏ bọc gọi là “dân chủ” mà thôi. Bản chất của những “nhà dân chủ” này được thể hiện ở những vấn đề sau:
1. Họ mượn cớ bàn luận về nội dung văn kiện đại hội chỉ để chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân của các nước trên thế giới và ở Việt Nam đều biết rằng, việc hoạch định đường lối chính trị để dân tộc mình phát triển đi lên trong từng giai đoạn là khó khăn nhất so với việc hoạch định mọi đường lối khác. Vì vậy, các đảng cầm quyền ở các nước luôn đầu tư nhiều công sức cho việc xây dựng đường lối chính trị của nước mình trong giai đoạn tiếp theo để được công dân hoặc cử tri đồng tình, ủng hộ với tỷ lệ cao nhất. Cùng vì lý do này, khi người đại diện của Đảng Cộng sản Việt Nam họp báo và nêu lên những vấn đề mới trong nội dung dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII, thì các “nhà dân chủ” bắt đầu bám riết vào đó để “thọc mạch”, “soi mói”. Họ cho rằng: “3 đến 4 vấn đề mới mà dự thảo đưa ra không có gì gọi là “tư duy đột phá” và chỉ là “sự tuyên truyền của Đảng”. Họ còn đưa ra tiêu chí về “tư duy đột phá”-tư duy ở trình độ cao, ít nhất là cao hơn hẳn tư duy thông thường 4-5 bậc (thông thường, kinh nghiệm, logic, tổng hợp)…
Bị cáo Phạm Văn Điệp (sinh năm 1965), trú tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo quy định tại điểm a và b, khoản 1, điều 117 Bộ luật hình sự. Ảnh minh họa/TTXVN.
Với lập trường chính trị dường như đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, họ lớn tiếng phủ nhận đường lối chính trị của Đảng là điều có thể dự đoán được. Thực tế, Đảng cũng không ép buộc họ phải theo ý của Đảng, đó chính là biểu hiện của tự do dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng đã “đăng đàn” về sự phủ nhận thì phải có lý lẽ thuyết phục và đề xuất được cái gì mới hơn, hay hơn, đúng với cái gọi là “tư duy đột phá” như họ nói thì mới thuyết phục được Đảng Cộng sản Việt Nam và công luận về việc đổi mới tư duy chính trị để xây dựng đất nước. Vậy nội dung chủ đạo cái gọi là “tư duy đột phá” của họ nêu lên là gì? Đó là, họ đòi Đảng phải thay đổi “định hướng xã hội chủ nghĩa”, “đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa, xã hội thực hiện đa nguyên chính trị mà không có đảng cộng sản tham gia thì mới tìm thấy dân chủ”…
Xem ra đây đúng là cái lý của các “chú Cuội”. Tiếc thay thực tiễn trên thế giới này đang diễn ra trái với mong mỏi của họ. Đó là, ở nhiều nước được coi là dân chủ, đa nguyên chính trị trên thế giới, nhưng thực chất chỉ có một hoặc hai đảng thay nhau cầm quyền và quyết định đường lối chính trị của đất nước. Hơn nữa, cái thực thể “chính trị đa nguyên” bấy lâu nay ở một số nước đã nhiều lần bị thế giới “nghi ngờ” và bị chính một bộ phận không nhỏ người dân của nước đó tẩy chay vì sự “đa nguyên nửa vời”, tiếng là có nhiều đảng tham gia lãnh đạo chính trị, nhưng thực chất chỉ có một, hoặc hai đảng thay nhau lãnh đạo mà thôi. Và thực tế là “thiên đường” của chủ nghĩa tư bản, của chủ nghĩa đa nguyên thì chưa thấy, nhưng cái hố ngăn cách xã hội do phân hóa giàu nghèo rõ ràng ngày càng rộng; sự phân biệt đối xử, kỳ thị giữa các dân tộc, màu da… đã ngày càng lộ rõ, khiến cho xã hội bất bình, náo loạn, mất an ninh trật tự, quyền con người bị đe dọa.
Thực tế là như thế, nhưng với tâm địa đen tối và bản chất cơ hội, dối trá, những “nhà dân chủ” vẫn cố tình tung hỏa mù hòng lừa phỉnh một số người nhẹ dạ cả tin. Thế nên họ không ngừng tâng bốc phong trào dân chủ kiểu phương Tây; cố hữu tư tưởng, mục tiêu, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thay đổi chế độ và hướng lái người dân Việt Nam đi tới “xã hội dân chủ” kiểu phương Tây mà thiên hạ thừa biết đó chỉ là cái “bánh vẽ” không hơn không kém. Vì thế có thể gọi họ là những “nhà dân chủ cuội”.
2. Về vấn đề bầu cử trong Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, các “nhà dân chủ cuội” cho rằng cần phải “dân cử, dân bầu”, chứ không thể là “đảng cử, đảng bầu” hay “đảng cử, dân bầu”… Thực tế trên thế giới hiện nay, có nhiều nước phương Tây, việc bầu cử tưởng như rất dân chủ, thế nhưng thực chất dân chủ chỉ là cái vỏ, là phần nổi của tảng băng chìm. Có những nước đã bày ra đủ thứ luật lệ để ngăn chặn cơ hội thắng cử của các đảng có tư tưởng đối lập với đảng, hoặc các đảng cầm quyền. Sự việc này còn tiến xa và nguy hiểm đến mức những đối thủ tiềm năng có nguy cơ bị “thanh toán” trước khi thắng cử. Điều này từng xảy ra ở nhiều nước có nền dân chủ kiểu phương Tây. Thực tế đó chắc chắn các “nhà dân chủ cuội” có biết, nhưng họ luôn cố tình lấp liếm, che đậy.
Về phương pháp bầu cử, các “nhà dân chủ cuội” khuyên Đảng ta nên học theo nước này, nước kia và lấy Hoa Kỳ là “hình mẫu”, nghĩa là để cho “dân trực tiếp bầu Tổng Bí thư” của Đảng, như kiểu cử tri Hoa Kỳ bầu tổng thống. Nhưng từ trước đến nay, theo pháp luật của Hoa Kỳ thì bất cứ ứng cử viên tổng thống nào cũng phải được đảng của mình lựa chọn, đề cử và bầu ra để trở thành ứng cử viên tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các ứng cử viên tổng thống sẽ được cử tri, đúng hơn là đại cử tri, bầu chọn làm tổng thống. Như vậy có thể hiểu, hiện tượng “đảng cử, rồi đảng bầu”, sau đến “đảng cử rồi dân bầu” cũng là một nguyên tắc phổ thông trong bầu cử ở các nước phương Tây, mà điển hình là Hoa Kỳ. Vì vậy, các “nhà dân chủ cuội” cố tình chê bai, bài xích Đảng Cộng sản Việt Nam “không để cho dân được bầu Tổng Bí thư” và xuyên tạc cơ chế đảng đề cử để nhân dân bầu ra bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước (bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp) của mình, chứng tỏ họ thiếu hiểu biết về nguyên tắc và phi thực tế.
3. Với bản chất, tâm địa hẹp hòi nên các “nhà dân chủ cuội” luôn lo sợ, cố tình dè bỉu, xuyên tạc sự thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Khi chứng kiến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1980-1990, nhiều người đã không khỏi hoang mang, lo lắng. Lúc đó, những “nhà dân chủ cuội” có lẽ là người vui mừng nhất và họ “tiên đoán” chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sớm hay muộn cũng sẽ sụp đổ theo. Nhưng ngược lại, dưới sự chèo lái của Đảng Cộng sản Việt Nam, con tàu cách mạng Việt Nam không những vượt qua sóng cả mà còn vươn lên mạnh mẽ. CNXH ở Việt Nam đã đứng vững giữa muôn vàn khó khăn, đã phát triển một cách đĩnh đạc, kỳ diệu hơn bao giờ hết. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là: Chưa bao giờ chúng ta có một cơ đồ như ngày hôm nay. Việt Nam hiện nay đang là đối tác, là bạn bè của gần 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều quốc gia hùng cường, nhiều nước lớn trên thế giới muốn nâng cấp mối quan hệ, hợp tác với nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đó là thực tế không thể phủ nhận.
Vấn đề là tại sao Việt Nam lại đứng vững và phát triển như vậy? Chỉ có một câu trả lời duy nhất đối với các “nhà dân chủ cuội” rằng, chỉ có họ mới cố tình quên truyền thống anh dũng quật cường và tư duy sáng tạo của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhưng người không quên vấn đề này là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã tiếp nối, phát huy cao độ truyền thống quý báu của dân tộc trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Trong sự nghiệp lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đem lại giá trị đích thực về quyền dân tộc tự quyết, quyền con người cho nhân dân và dân tộc Việt Nam. Đảng đang ngày càng làm cho dân giàu, nước mạnh, phát triển hùng cường, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề về hòa bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, Đảng Cộng sản được nhân dân Việt Nam tin cậy, yêu mến và ủy thác vai trò là lực lượng chính trị lãnh đạo xã hội, định ra chủ trương, đường lối, đưa dân tộc Việt Nam không ngừng phát triển. Bằng uy tín, trí tuệ và bản lĩnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo được niềm tin đối với nhân dân và bạn bè trên thế giới.
Thực tế ngày nay cho thấy, lý tưởng cộng sản trên thế giới không những không mất đi mà còn tiếp tục hiển hiện một cách quang minh từ chính những thành công mang tầm thời đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và các đảng cộng sản khác ở những năm đầu thế kỷ 21 này. Các “nhà dân chủ cuội” đang thấy rõ sự tồn tại mãnh liệt và sinh động đó, nhưng họ vẫn cố tình lập lờ, không chịu thừa nhận thực tế, không chịu thừa nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Đó là vì trong họ luôn tồn tại dai dẳng một tư tưởng thù nghịch, hoặc tồn tại sự ảo tưởng phi thực tế mà căn nguyên sâu xa của nó là sự cơ hội về chính trị, chỉ muốn Việt Nam mất ổn định để “đục nước béo cò”. Về lâu dài, họ ảo tưởng rằng “cứ tuyên truyền, cứ xuyên tạc kiểu “mưa dầm thấm lâu”, thế nào cũng có người nghe, người theo”. Về ngắn hạn thì họ cố tình xuyên tạc, bịa đặt trắng trợn, đổi trắng, thay đen trong cách lập luận, hòng câu view, câu like để… kiếm sống trên mạng. Tất cả những trò bịp bợm chính trị đó của các “nhà dân chủ cuội” không thể qua mắt những người có hiểu biết, có kinh nghiệm, có thông tin, không thể phỉnh phờ được nhân dân Việt Nam.
Đến đây có thể nói, các “nhà dân chủ cuội” đang lo sợ những thành tựu của CNXH ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ là luồng sáng soi rõ tâm can đen tối của họ. Còn những cái gọi là “tư duy đột phá”, những “phát kiến”, “đóng góp” cho Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những “nhà dân chủ cuội” thực chất không có gì gọi là khoa học, là đột phá, đó chỉ là những cái cớ để họ chống phá, hòng hạ thấp uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, chống phá sự vươn lên của CNXH trên thế giới mà thôi. Thế nên, những lý lẽ mà họ đưa ra không thuyết phục và không thể nào tin được.
NGUYỄN VĂN QUANG/QĐND
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh