Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Kỷ niệm 109 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2020) Võ Nguyên Giáp: “Văn lo việc nước văn thành võ, Võ thấu lòng dân võ hóa văn”

Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-4/10/2013), còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà chỉ huy quân sự và chính trị gia Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng là người chỉ huy đầu tiên Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được chính phủ Việt Nam đánh giá là “người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Ông là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương(1946-1954) đánh bại Thực dân Pháp,Chiến tranh Việt Nam (1960-1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước. Có thể nói Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ, là tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

1. Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911 ở làng An Xá,  Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho yêu nước. Học xong lớp 3, Võ Nguyên Giáp phải xuống thị xã Đồng Hới học tiếp. Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Trong 2 năm học, ông luôn đứng đầu lớp trừ 1 tháng bị rớt xuống hạng nhì. Trong thời gian này, Võ Nguyên Giáp có vài lần đến thăm nhà yêu nước Phan Bội Châu để nghe thuyết giảng về lý tưởng Cách mạng.

Năm 1927, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), Phan Bôi sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924  miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng. Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng… Sau này liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái chính là người vợ đầu tiên của Đại tướng. Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư. Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hộiTháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội.

Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Lào Cai rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Cùng năm này, Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941 đúng dịp tết Nguyên đán Tân Tỵ, Võ Nguyên Giáp cùng Hồ Chí Minh trở về Cao Bằng. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội quân này lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.

2. Cách mạng Tháng Tám thành công, quốc gia Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (Thứ trưởng thường trực) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia  Dân quân tự vệ năm 1946. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (19451954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

Ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói: “Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng”.

Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân. Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn“. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

3. Năm 1959, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền nam Việt Nam. Nhờ việc mở đường Trường Sơn, phong trào cách mạng và hoạt động du kích miền Nam phát triển rất mạnh. Sau 4 năm, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập được một số đơn vị cấp trung đoàn.

Năm 1964, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cử Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vào chiến trường Đông Nam Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đánh lớn tại Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Đồng Xoài… tạo chuyển biến chiến trường và thành lập các Sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9 nổi tiếng. Trong đó, Sư đoàn 1 trấn thủ Tây Nguyên, Sư đoàn 2 trấn thủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sư đoàn 3 Sao Vàng trấn thủ Bình Định, trung đoàn 10 trấn thủ Phú Yên, trung đoàn 20 trấn thủ Khánh Hòa, Sư đoàn 5 trấn thủ khu vực Sài Gòn  Gia Định, Sư đoàn 7 cơ động chiến đấu khắp Quân khu 7 gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước và Sư đoàn 9 di chuyển chiến đấu khắp Tây Ninh  Quân khu 9.

Năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn “điểm huyệt” vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

4. Thuở sinh thời, giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng lịch sử của dân tộc sau này sẽ luôn nhắc đến hai tên tuổi lớn là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trong lịch sử của nhân loại, có những nhân vật đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống. Cùng với Bác Hồ kính yêu, người học trò xuất sắc của Người – Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là con người như thế.

Không những chỉ trong lịch sử nước ta mà có lẽ trong lịch sử của nhân loại cổ kim đông tây, Võ Nguyên Giáp là một vị tướng kiệt xuất sống lâu nhất, thọ nhất. Tên tuổi, cuộc đời và cống hiến vĩ đại của ông cho dân tộc và đất nước đã trở thành niềm tự hào, niềm kiêu hãnh không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn trở thành thần tượng của các dân tộc trên thế giới trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Tên gọi Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã trở thành tên gọi trìu mến, yêu thương của nhiều dân tộc trên trái đất này.

Truyền thống của gia đình, quê hương, truyền thống văn hóa của dân tộc, lý tưởng cao đẹp và được sự dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ muôn vàn kính yêu, sự chở che, đùm bọc của nhân dân đã hun đúc nên một vị anh hùng của dân tộc, một vị tướng kiệt xuất không chỉ của Việt Nam mà còn cả của thế giới – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn chặt với những bước thăng trầm, bi tráng và oai hùng của dân tộc Việt Nam qua hai thế kỷ. Cả cuộc đời 103 năm ấy, Võ Nguyên Giáp đã sống và cống hiến trọn đời vì nước, vì dân.

May mắn lớn nhất trong cuộc đời Đại tướng là ông đã gặp Bác Hồ. Bằng nhãn quan thiên tài, Bác Hồ đã phát hiện ra nơi người thầy giáo trẻ phẩm chất và tài năng của một vị đại tướng. Được sự tin cậy của Bác Hồ và Đảng, Võ Nguyên Giáp đã thành lập ra đội quân chủ lực đầu tiên, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. được Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy, về sau là Tổng tư lệnh, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân đội và nhân dân đánh giặc, cứu nước. Trong chiết tự của chữ Hán, chữ Võ (武) gồm có bộ “Qua ”- binh đao và bộ “Chỉ” – dừng lại. Võ chân chính không phải dùng võ lực mà phải dừng lại binh đao. Bởi vậy, mặc dù là tướng võ nhưng Bác Hồ lại đặt tên cho ông là “Văn”. Đây phải chăng là mong muốn và lời nhắn gửi của Bác: làm việc Võ trên nền của Văn như câu đối mà một cựu chiến binh đã tặng Đại tướng “Văn lo vận nước Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân Võ hóa Văn”.

Là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ chí Minh, đặc biệt là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Là một vị tướng không một ngày trải qua trường lớp quân sự, qua tôi luyện trong thực tế chiến đấu, kế thừa kinh nghiệm đánh giặc của cha ông, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và của thế giới, Võ Nguyên Giáp đã trở thành một vị tướng kiệt xuất, một vị tướng huyền thoại lừng danh đã cùng toàn quân, toàn dân ta đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược sừng sỏ góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trên thế giới, ông được tôn vinh là một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của thế giới. Nhân dân Ấn Độ gọi ông là “Một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới”. Ducan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh xuất bản ở London đánh giá “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua”. Westmoreland, tướng Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đánh giá “Ông Giáp có tất cả những đức tính của một thống soái quân sự lớn, đó là sự quả đoán, tính kiên quyết, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động, trí thông minh”. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá đánh giá “Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”. Ký giả người Anh Peter Macđonal trong một cuốn sách đã đánh giá “Cuộc đời ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại” v.v… Nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới khi đến thăm Việt Nam đều mong muốn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không chỉ là một vị tướng lừng danh, Võ Nguyên Giáp còn là một người thầy giáo, một nhà giáo dục với những quan điểm còn mang tính thời sự nóng hổi hôm nay. Trong tác phẩm “Gọng kềm lịch sử” xuất bản ở Mỹ, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ Bùi Diễm, con trai của cụ Bùi Kỷ đã viết về kỷ niệm đối với người thầy của mình khi ông học ở trường Bưởi “đặc biệt nhất là một nhà giáo nhỏ con, đầy nhiệt tâm, dạy chúng tôi môn Sử Ký -Ông Võ Nguyên Giáp… Tuy trường đã ấn định rõ ràng là chương trình sử phải bắt đầu từ năm 1789 cho tới khoảng giữa thế kỷ thứ 19 mà phương pháp của ông Giáp lại hoàn toàn khác hẳn. Ngay buổi đầu tiên ông Giáp đã bước qua, bước lại trước bảng đen và minh định: “Thật ra đã có rất nhiều sách vở viết về những vấn đề trong giai đoạn này. Nếu muốn biết tường tận các anh chị có thể tự tìm hiểu. Tôi chỉ đi vào chi tiết về hai vấn đề chính: Cuộc cách mạng Pháp và Napoleon.” Cách dạy của ông Giáp đặc biệt cho đến nỗi đã 45 năm sau mà tôi vẫn còn nhớ rõ cách trình bày cùng các đề tài ông đưa ra: Chi tiết diễn tả những cảnh sa đọa của Marie Antoinette; quan niệm về nhân quả, công bằng của xã hội; Công Xã Ba Lê; và số phận của Danton cùng Robespierre. Trong khi giảng bài ông Giáp tỏ ra hết sức ngưỡng mộ những lãnh tụ cách mạng. Ông giảng sử không phải chỉ bằng giọng đơn thuần của một sử gia mà bằng những cung cách thiết tha của một người nhiệt tâm bênh vực cách mạng.

Những bài giảng của ông Giáp về Napoleon còn ly kỳ hơn nữa. Đứng trước bảng đen ông bước đi bước lại theo từng lời giảng tường tận về các chiến dịch do Napoleon đề ra. -Từng trận đánh, ngay cả những trận đụng độ thật nhỏ mà ông vẫn giảng giải cực kỳ cặn kẽ toàn thể mọi biến chuyển dẫn đến các chiến thuật và chiến lược cuối cùng. Ông Giáp nhớ như in tất cả. Ông đã học sử cho đến nỗi sử biến thành một phần của chính con người ông. Tất cả các vấn đề dính dáng đến sử đối với ông đều phải khúc triết, rành mạch. Ông Giáp nêu rõ tại sao đội vệ binh lại bắt buộc phải đóng ở vị trí này vào thời điểm đó, tại sao quân đội triều đình Pháp lại chọn đúng giây phút đã chọn để tấn công. Ông chợt tiến, chợt lùi, đắm chìm trong suy tưởng, thôi miên lớp học bằng những chi tiết của sử. Sự kích động của ông Giáp có tác dụng lan truyền, cả lớp thường ngồi im lặng như tờ trong giờ giảng. Ông phục Danton và Robespierre. Ông ngưỡng mộ Napoleon. Những bài giảng của ông về Napoleon cứ lan man dường như chẳng bao giờ dứt” (hết trích).

Sinh thời, Đại tướng rất quan tâm đến đến sự nghiệp giáo duc, đặc biệt là xây dựng và đào tạo đội ngũ nhà giáo, Đại tướng cho rằng “Để thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục Quốc dân, phải đặc biệt quan tâm đến ngành sư phạm, đến việc xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và năng lực chuyên môn cao. Có chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Đồng thời chú trọng nâng cao vị thế người thầy bằng nhiều biện pháp mà trước hết là tạo động lực và mọi điều kiện vật chất, tinh thần để đội ngũ thầy cô giáo có thể phát huy cao nhất năng lực và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cao cả: nâng cao tiềm năng trí tuệ của toàn xã hội”. Đại tướng khẳng định: Cần phải coi chiến lược con người, “tất cả cho con người và tất cả vì con người”. Đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, Đại tướng căn dặn tiền đồ của dân tộc nằm trong tay thanh, thiếu niên và ân cần nhắc nhở thanh, thiếu niên phải lấy việc chung trên hết thảy, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của nước nhà, lợi ích của tập thể, lợi ích của cơ quan trước hết chứ không nên nghĩ đến lợi ích cá nhân.

Cả cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tâm niệm và làm theo lời căn dặn của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. Với ông, Tổ quốc, dân tộc và Đảng là thiêng liêng cao cả và trên hết. Trong những khúc quanh của cuộc đời, ông đã đặt quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân cao hơn hết thảy. Ông là một vị tướng văn võ song toàn, uy tín cao vợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm niềm tin của nhân dân, cán bộ, Đảng viên. Cuộc đời đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là tấm gương tiêu biểu về tinh thần “dĩ công vi thượng” mà Bác Hồ đã căn dặn ông.

                                                                     TS Vũ Trung Kiên

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh