Trong 02 năm trở lại đây, các bạn trẻ trong tỉnh Trà Vinh nói chung và sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Trà Vinh nói riêng đều khá quen thuộc với “Ông đồ” trẻ từng góp mặt tại các sự kiện của trường cũng như các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Đó chính là sinh viên năm hai Nguyễn Bình Thuận, chuyên ngành Quản trị Dịch vụ và Du lịch lữ hành (khóa 18), Trường Đại học Trà Vinh. Dù học ngành Du lịch, nhưng Nguyễn Bình Thuận quyết tâm khởi nghiệp từ nghề “Tay trái” với các biệt tài như: Viết chữ thư pháp và vẽ tranh, ảnh…
Đã nghe kể nhiều về Nguyễn Bình Thuận, nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ khi gặp em tại Chương trình giao lưu văn hóa Việt – Nhật diễn ra tại Trường Đại học Trà Vinh. Hôm đó, Nguyễn Bình Thuận cùng nhóm bạn chọn một góc nhỏ trước hội trường, nơi diễn ra các hoạt động chính của chương trình giao lưu. Trong bộ áo dài truyền thống phối, Nguyễn Bình Thuận như lọt thỏm giữa hàng chục quan khách bao quanh. Với vai trò “Ông đồ” cho chữ, Nguyễn Bình Thuận và nhóm bạn gần như không có một phút ngơi nghỉ trước những yêu cầu của người tham quan. Trung bình từ 03 – 05 phút “Ông đồ” Nguyễn Bình Thuận lại cho ra 01 câu đối hoặc một sản phẩm chữ thư pháp đẹp làm vừa lòng mọi người.
Đam mê nghệ thuật viết chữ thư pháp từ những năm học THCS, nhưng mãi đến những năm cuối của bậc học THPT, Nguyễn Bình Thuận mới có dịp “trổ tài” cho ra những con chữ trông khá nghệ thuật. Mất nhiều thời gian như thế, bởi “Ông đồ” trẻ này chưa được tham gia một trường lớp nào dạy viết chữ thư pháp, mà chủ yếu tự học trên các trang mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông. Để làm quen và tự học, Nguyễn Bình Thuận đã nhờ mẹ mua cho em các loại giấy vụn với số lượng tính bằng bao. Tận dụng 01 mặt giấy còn lại, em nguệch ngoạc hết bao này, xong đem cân ký đổi bao khác về tiếp tục. Thấy Nguyễn Bình Thuận “có nghề”, có lần các bạn học cùng lớp giao em viết báo tường. Tuy nhiên, cũng không ít lần Nguyễn Bình Thuận bị các bạn chê viết chữ quá xấu. Không nhục chí, em tiếp tục tập luyện thêm và đi đến thành công. Thời gian gần đây, khi Trường Đại học Trà Vinh có tổ chức các sự kiện, thì gần như có mặt Nguyễn Bình Thuận với một góc nhỏ trong vai trò “Ông đồ” cho chữ.
Song song với việc rèn và viết chữ thư pháp, Nguyễn Bình Thuận tập tành thêm nghề vẽ tranh tiểu cảnh và chân dung người dạng ký họa. Thành công đầu tiên của em ở lĩnh vực này là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được em vẽ trên chất liệu màu nước khổ 60 x 80cm. Hiện bức chân dung ý nghĩa này được Đoàn trường Trường Đại học Trà Vinh lưu giữ cẩn thận trong văn phòng Đoàn.
Vẽ được nhiều loại chất liệu khác nhau như: Tranh kim tuyến, tranh bột cà phê, tranh màu nước và nhất là tài vẽ ngược… nhưng chính cách biểu diễn vẽ chân dung nhanh trên sân khấu với thủ pháp tranh lửa mới gây cho Nguyễn Bình Thuận niềm đam mê nhất. Nhiều lần tận mắt chứng kiến Nguyễn Bình Thuận “trổ tài” vẽ tranh lửa trên sân khấu, chúng tôi đều thích thú với cách thể hiện của em. Một tờ giấy trắng kẹp trên giá vẽ, vài ba cây cọ, cộng một ít chất liệu màu và một chai gas (dùng để đốt bột màu sau khi vẽ xong) được kết hợp trên nền nhạc, chỉ sau vài phút Nguyễn Bình Thuận đã cho ra một bức chân dung đầy sống động.
Nghề nghiệp chính được Nguyễn Bình Thuận theo đuổi vẫn là ngành Du lịch mà em đang theo học với mong muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, trong điều kiện gia đình em còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì chính cái nghề “Tay trái” viết chữ thư pháp và vẽ tranh, vẽ chân dung… đã giúp em trang trải chi phí cho việc học tập.
Mong ước lớn nhất của chàng sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Phường 4, thành phố Trà Vinh này là sau khi tốt nghiệp Đại học, em có được việc làm ổn định. Khi đó, kết hợp giữa việc hướng dẫn khách tham quan Nguyễn Bình Thuận sẽ thiết kế các chương trình giải trí có phục vụ việc viết thư pháp và vẽ tranh tặng du khách. Bên cạnh đó, Nguyễn Bình Thuận còn mong muốn mở được các lớp tập huấn để em có thể chia sẻ lại công việc viết chữ thư pháp cho thiếu nhi. Giúp các bạn trẻ có thể bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo trong nghệ thuật viết chữ thư pháp.
Bài, ảnh: BÁ THI