Mật dừa nước đóng chai là sản phẩm nước giải khát được sản xuất từ mật của cây dừa nước của nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh nghiên cứu đổi mới sáng tạo tham gia khởi nghiệp. Đây là dự án đạt giải Nhất tại cuộc thi Hult Prize do Trường Đại học Trà Vinh tổ chức (cuộc thi khởi nghiệp đáng giá nhất thế giới, còn được gọi là “Giải Nobel dành cho sinh viên” là giải thưởng thường niên được tổ chức cho sinh viên trên toàn thế giới).
Dự án mật dừa nước đóng chai được các sinh viên Nguyễn Bá Lộc (trưởng nhóm), thành viên Hồ Thị Thiên Thanh, Ngô Phước Lộc, Lâm Thị Ngọc Yến nguyên cứu và đã có sản phẩm demo, hiện tại có thể cung cấp sản phẩm cho thị trường. Theo các thành viên trong nhóm, mật dừa nước đóng chai là sản phẩm sạch, nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản trong quá trình sản xuất. Sản phẩm được đóng chai với dung tích 350ml/chai, giá bán khởi điểm 20.000 đồng/chai. Theo nghiên cứu của tạp chí Công nghệ và Khoa học Dược phẩm thuộc Đại học Malaysia Sarawwak (tại Malaysia) thực hiện trong phòng thí nghiệm và kết quả báo cáo của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và Thực phẩm thuộc Khoa Công nghệ và Thực phẩm (tại Philippines) thực hiện trên những người tình nguyện, đã chỉ ra một số lợi ích của mật dừa nước: thích hợp dùng làm chất tạo ngọt thay thế cho người bị tiểu đường tuýt 2; ngăn ngừa thừa cân, béo phì (bởi vì có chỉ số đường huyết ở mức trung bình là 50-60/100 so với đường tinh luyện). Có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe như: thuộc tính chống tiểu đường cao tương đương với thuốc tổng hợp (thuốc Acarbose) dùng cho người tiểu đường trước khi ăn, thuộc tính chống ô-xy hóa cao tương đương như Vitamin C.
Theo trưởng nhóm Nguyễn Bá Lộc, sinh viên năm thứ 4 lớp Công nghệ kỹ thuật hóa học, chuyên ngành ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano của Trường Đại học Trà Vinh, sinh ra ở vùng ven biển xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, nơi vùng đất nông nghiệp màu mỡ nằm gần cửa Cung Hầu – nơi sông Cổ Chiên đổ ra biển tạo điều kiện thuận lợi để cây dừa nước phát triển, nhưng người dân nơi đây chưa nhìn thấy được giá trị kinh tế từ cây dừa nước đem lại, chủ yếu chỉ sử dụng trái dừa nước để ăn và lá để lợp nhà hay làm củi, không mấy ai biết đến kỹ thuật rút nhựa dừa nước từ cuống hoa để nấu đường, ủ rượu, làm bia, lên men giấm, chưng cất cồn và một số loại sản phẩm có giá trị khác. Vì vậy trong quá trình học, Bá Lộc đã nhận thấy cây dừa nước có nhiều tiềm năng giá trị kinh tế cao như: quả dừa, lá dừa, đặc biệt là mật dừa nước. Qua quá trình nghiên cứu, Bá Lộc và các thành viên trong nhóm nhận thấy mật dừa nước có giá trị kinh tế cao cần khai thác đầu tư sản xuất nước đóng chai và đưa vào dự án khởi nghiệp nhằm khẳng định bản thân, làm giàu chính đáng, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết vấn đề thừa nguồn lao động tại địa phương, đáp ứng nhu cầu việc làm, tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.
Sản phẩm mật hoa dừa nước đóng chai có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các sản phẩm khác, tận dụng tất cả những giá trị cây dừa nước mang lại, không lãng phí nguyên liệu. Quả dừa nước khi lớn bên trong có phần thịt đặc màu trắng đục chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, được người dân địa phương sử dụng làm thực phẩm. Nhận thấy điểm đặc biệt này, các thành viên đã kết hợp giữa mật hoa và thịt quả dừa nước lại với nhau, đây là điểm mới tạo sự khác biệt với sản phẩm trên thị trường. Quy trình lấy mật hoa dừa nước được thực hiện chặt chẽ, đều mỗi ngày đến đúng thời gian theo quy trình thì bắc đầu thu mật. Cuốn hoa dừa trước khi thu mật phải được vệ sinh sạch sẽ, tránh bám bẩn, giám sát chặt chẽ tránh ngập nước khi triều cường cao. Mỗi công đoạn thu được sản phẩm chia tỉ mỉ từ khâu thu mật, thu thịt quả đến chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Do đây là bước đầu khởi nghiệp của nhóm nên còn thiếu nguồn vốn, sản phẩm không bảo quản được lâu, nên chưa thuyết phục những khách hàng khó tính. Để sản phẩm mật dừa nước đóng chai có nguồn tiêu thụ ổn định, những năm tiếp theo, nhóm sẽ có kế hoạch xây dựng đội ngũ bán hàng và giới thiệu sản phẩm tiếp thị qua các kênh, điện thoại, mạng xã hội, liên kết với các trang bán hàng,… để tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời nghiên cứu phân tích thêm nhiều sản phẩm nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Liên kết xây dựng mô hình trồng dừa nước để thu mua lại mật dừa của các hộ nông dân nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào. Cải tiến thêm chất lượng cũng như hiệu suất sản phẩm, tạo ra các mặt hàng mật dừa nước đóng chai với những hương vị khác nhau từ việc kết hợp mật dừa với một số lá thơm thiên nhiên (lá dứa) để tăng tính đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhóm tham gia dự án khởi nghiệp mong sự ủng hộ từ các chương trình, dự án của tỉnh, của trường và hợp tác của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tạo vị thế sản phẩm trên thị trường.
Mật dừa nước đóng chai là một trong những đột phá mới với việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật, quy trình chặt chẽ tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện. Tương lai góp phần vào thị trường nước giải khát, đặc biệt giải quyết những khuyết điểm sử dụng hóa chất trong quy trình chế tạo của các sản phẩm trước, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của địa phương; còn là nền tảng để sản xuất ra các sản phẩm khác: mứt dừa nước, các sản phẩm mỹ nghệ từ trái dừa nước…
Quy trình lấy mật chia làm nhiều bước: bước 1, chọn buồng dừa nước để lấy mật phải đảm bảo trái đã đủ lớn chuyển từ màu vàng nâu sang nâu sẫm. Để cây dừa nước tiết ra mật thì bí quyết chính là massage cuốn của buồng dừa. Muốn lấy được mật dừa nước thì phải massage đều đặn, để đảm bảo dồn sức cho buồng trái phát triển, khi đã đến giai đoạn trưởng thành, buồng sẽ được chặt ngang và bắt đầu hứng mật mà vẫn cho cơm dừa. Bước 2, massage buồng dừa nước khoảng 15 ngày, sau đó chặt bỏ buồng dừa thì bắt đầu tiết mật, dùng bình sứ, ống tre,… đặt trực tiếp vào cuốn để hứng và thu mật hoa dừa mỗi ngày 02 lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Mỗi lần phát hoa dừa có thể thu mật trong khoảng thời gian 20 ngày với sản lượng bình quân 01 lít/ngày. Lượng mật hoa dừa tiết ra mật sẽ không đều, không giống nhau ở tất cả các buồng thay đổi theo chất lượng từng buồng và theo vị trí chọn buồng dừa. Sau 20 ngày lấy mật buồng hết khả năng cho mật sẽ loại bỏ đi để cây dồn sức nuôi các buồng dừa tiếp theo. Ngoài ra cơm dừa chứa trong quả dừa nước cũng được thu, tận dụng làm thành phần trong sản phẩm nước đóng chai, tránh lãng phí nguồn nguyên liệu. Bước 3, mật dừa nước sau khi thu về phải lọc lại để loại bỏ các tạp chất như sơ buồng lẫn vào khi lấy mật, sau đó đưa vào hệ thống đun hoàn lưu, đun trong 01 giờ với nhiệt độ (900C), trên bếp khuấy từ từ với tốc độ khuấy 300 vòng/phút. Mật sau khi đun được hòa trộn với thịt của quả dừa nước đã được xử lý và cắt nhỏ theo kích thước phù hợp, tiến hành đóng chai dán nhãn sản phẩm, thực hiện tiệt trùng lại lần cuối, sau đó đưa sản phẩm ra thị trường.
Bài: MỸ NHÂN