Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Trà Vinh: Những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ nguyên liệu nông sản

Năm 2020, với sự sáng tạo, đổi mới nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được làm từ nguyên liệu nông sản của địa phương. IMG_84356

* Dự án sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản do nhóm sinh viên Nguyễn Phương Khánh, Huỳnh Hoàng Khang, Chung Mỹ Phúc thực hiện nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ con người và thân thiện môi trường. Do có nguồn gốc từ phế thải thủy sản nên sản phẩm làm ra sẽ giải quyết vấn đề rác thải tại các vùng nuôi thủy sản. Khoảng 100gram nguyên liệu vỏ tôm và các chất phụ gia khác sẽ sản xuất 10 ly hoặc khay nhựa, giá bán dự tính ban đầu 10.000 đồng/sản phẩm. Một số sản phẩm nhựa sinh học mà dự án hướng đến như ly, cốc, đĩa, muỗng, đũa, ống hút… đặc biệt nhóm sinh viên hướng đến các sản phẩm có giá trị cao như đế giày, đồ dùng trẻ em và thiết bị y tế.

Theo tính toán của Bộ Khoa học và Công nghệ, chỉ tính riêng năm 2017, phụ phẩm của tôm trên cả nước khoảng trên 320.000 tấn và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Tuy nhiên, hiện nay phụ phẩm tôm vẫn bị bỏ hoặc xử lý thiếu định hướng, lãng phí, trong khi ngành nhựa phải lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhựa thô nhập khẩu. Với thế mạnh là tỉnh có phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh, sản phẩm nhựa sinh học từ vỏ tôm, vỏ cua ra đời của nhóm sinh viên này sẽ góp phần giải quyết vấn đề tồn đọng phế phẩm thủy sản vừa giải bài toán ô nhiễm môi trường bằng việc dần thay thế các sản phẩm nhựa hóa học khó phân hủy, gia tăng giá trị ngành sản xuất và nuôi thủy sản, góp phần cải thiện thu nhập của nông dân.

Quy trình sản xuất là phối trộn nhựa sinh học thô đã tổng hợp được với chất hóa dẻo, chất tạo màu, chất tạo độ cứng theo tỷ lệ nhất định trên máy khuấy trộn công nghiệp. Sau đó cho vào máy ép đùn hoặc ép thổi. Nhiệt độ sẽ làm nóng chảy nguyên liệu và ép ra sản phẩm mong muốn theo khuôn mẫu có sẵn. Sau khi làm nguội, thu được sản phẩm thô nhưng cần phải xử lý loại bỏ những chi tiết thừa có trên sản phẩm, giúp sản phẩm đẹp hơn và cung cấp ra thị trường.

Theo trưởng nhóm Nguyễn Phương Khánh, sản phẩm nhựa sinh học tái chế phế thải thủy sản được sử dụng công nghệ, thiết bị chuyên dụng và tự động nên hạn chế rủi ro, sai lệch, sản phẩm lỗi. Sản phẩm có thể dùng đựng thực phẩm nóng, lạnh và dùng được với lò vi sóng. Quy trình sản xuất sản phẩm có thể thay thế các chất hóa học bằng dịch chiết thực vật có tiềm năng phát triển theo xu hướng hóa học xanh, như dịch chiết thực vật tạo màu tự nhiên cho sản phẩm. Sản phẩm có tính kháng khuẩn và chống nấm mốc nên đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, đặc biệt tự phân huỷ hoàn toàn ngoài môi trường tự nhiên, không gây độc hại cho các loài động vật và sức khoẻ con người. Có thể sử dụng công nghệ làm nền tảng để phát triển các sản phẩm khác như: túi nilon, chai nước, bàn, ghế, tủ, vỏ các loại thiết bị điện tử,…

IMG_71721 * Dự án sản xuất bột nưa hữu cơ – thương hiệu KLENFARM của nhóm sinh viên Sơn Thái Ngoan, Nguyễn Thanh Trà, Hà Thị Diễm Khuyên, Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Dự án được dựa trên sự thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân, từ đó hình thành ý tưởng sáng tạo nhằm nâng cao giá trị nông sản cây nưa. Sản phẩm bột nưa được sản xuất từ củ nưa nguyên chất canh tác theo nông nghiệp hữu cơ. Để tạo ra sự độc đáo cho sản phẩm, dự án đã sản xuất bột nưa với nhiều hương vị khác nhau với 03 sản phẩm và dịch vụ: bột nưa tinh chất nghệ mật ong, bột nưa hoa đậu biếc, bột nưa hương hoa lài, dịch vụ thu mua và phân phối hạt giống.

IMG_90239 Đặc điểm Trà Vinh giáp biển Đông nên phần đất cát và đất mặn chiếm diện tích lớn tại các huyện Trà cú, Duyên Hải, Cầu Ngang… việc trồng lúa nước tại một số khu vực này cho năng suất không cao, mía nhiều năm nay bị mất giá nên việc chuyển sang trồng nưa sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Chính vì vậy, mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thương hiệu cho Klen Farm (trang trại Klen), tạo ra những sản phẩm mang nét đặc thù riêng của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm bột nưa, đồng thời duy trì nghề sản xuất bột nưa truyền thống của đồng bào Khmer trong tỉnh. Bên cạnh đó kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư để phát triển mạnh ngành trồng nưa để đưa loại cây nưa đứng vào top nông sản tiêu biểu của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động, gia tăng thu nhập cho người có đất lúa kém hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sức khỏe người tiêu dùng. Xây dựng mô hình nông trại mở kết hợp với tham quan du lịch. Xây dựng đề án nghiên cứu về giống nưa và mở rộng vùng canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu.

* Dự án “vật liệu xử lý dầu từ vỏ bưởi” của nhóm sinh viên Lâm Minh Hiếu, Thái Hoàng Bảo, Sơn Minh Thiện, Chung Thị Bé Thơ thực hiện nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị cây bưởi, tạo cơ hội việc làm cho người lao động, còn là bước đột phá trong việc sử dụng chất thải nông nghiệp. Với quy trình sáng tạo, mang tính khoa học, an toàn và thân thiện với môi trường khi xử lý. Tương lai góp phần vào công nghệ xử lý nước thải của thế giới, giải quyết các khuyết điểm của phương pháp xử lý truyền thống, tạo giá trị kinh tế cho các ngành sản xuất.

Theo tài liệu nghiên cứu của nhóm sinh viên, hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích 8.298ha bưởi, sản lượng ước đạt 108.906 tấn/năm. Cả nước có diện tích cây bưởi 24.721ha trong đó có 15.319ha bưởi cho trái còn lại đang trồng mới. Trà Vinh có sản lượng bưởi 13.000 tấn/năm, tỉnh giáp với Trà Vinh là tỉnh Bến Tre có sản lượng cao khoảng 46.670 tấn/năm. Với diện tích trồng bưởi lớn, sản lượng tăng hàng năm, nên số lượng vỏ bưởi thải ra môi trường rất lớn. Vỏ bưởi là một phế thải nông nghiệp chưa được tận dụng một cách tối đa, hiệu quả; có sản xuất tinh dầu (nhưng chỉ sử dụng phần vỏ xanh bên ngoài để sản xuất tinh dầu) hoặc dùng nấu chè bưởi ở các quán nhưng số lượng rất ít phần còn lại sẽ thải ra ngoài môi trường gây ô nhiễm. Chính vì vậy để hạn chế ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bưởi, nhóm sinh viên của trường đã hình thành ý tưởng. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu nhóm đã phát hiện ra tiềm năng mới của vỏ bưởi đó là khả năng chế tạo được một loại vật liệu cho khả năng xử lý được dầu. Dự án “vật liệu xử lý dầu từ vỏ bưởi” được hình thành nhằm đem đến thị trường một vật liệu mới – phương pháp xử lý dầu hiệu quả với chi phí hợp lý, xử lý nhiều loại dầu. Vật liệu loại bỏ dầu từ vỏ bưởi hiệu quả nhờ vào hệ thống lỗ xốp bên trong và tính chất giữ lại phân tử dầu của vỏ bưởi, không gây độc cho nguồn nước và sức khỏe người như các loại hóa chất: NaOH, Poly aluminum cloride, Chlorinhichlon 70%,… sản phẩm hoàn toàn được thương mại hóa, do tính tiện lợi, bảo vệ môi trường, nên tiết kiệm chi phí, phù hợp nhiều đối tượng, chu trình tái sử dụng nhiều lần.

Theo trưởng nhóm Lâm Minh Hiếu, quy trình sản xuất “vật liệu xử lý dầu từ vỏ bưởi” gồm các công đoạn, lựa chọn nguyên liệu, không sử dụng những trái bưởi đã bị úng, hư thối, phần xốp đã bị phá hủy để đảm bảo chất lượng của vật liệu. Sau đó, vỏ bưởi cho vào máy tách để loại bỏ vỏ màu xanh bên ngoài giữ lại phần xốp màu trắng đem rửa nhiều lần với nước sạch kết hợp dưới dạng phun. Nước rửa nguyên liệu chuyển vào bồn để xử lý và tái sử dụng phục vụ cho các công đoạn sản xuất, bằng phương pháp thẩm thấu ngược RO, nước rửa nguyên liệu không có thành phần hóa học phức tạp chủ yếu: bụi, cát,… khi làm sạch nguyên liệu chuyển sang khâu sấy khô nguyên liệu. Sau khi sấy xong, làm nguội nguyên liệu, sau đó nghiền nguyên liệu có kích thước định sẵn. Giai đoạn này sử dụng các loại hóa chất phản ứng lên bề mặt nguyên liệu ban đầu. Giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện là quá trình sấy khô để thu được vật liệu. Sau đó đem kiểm tra chất lượng trước khi đóng gói và đưa ra thị trường. Sử dụng bao bì kín, hạn chế không khí lọt vào, nên áp dụng công nghệ hút chân không trong quá trình đóng gói sản phẩm. Bảo quản trong môi trường thoáng mát, tránh hơi ẩm.

Đây là những ý tưởng, dự án tương lai có tính đột phá thúc đẩy tiềm năng kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm lao động nông thôn.

MỸ NHÂN