(Ảnh minh họa). |
Giá trị và tầm cao lý luận của hai nghị quyết này kết tinh trong hệ thống các quan điểm sau:
– Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
– Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ, mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung. Nền văn hóa thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với các đặc trưng: Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
– Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái nghĩa tình, trung thực đoàn kết, cần cù sáng tạo.
– Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.
– Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Hơn hai mươi năm thực hiện các nghị quyết có giá trị như cương lĩnh này, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.
Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với các thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đáng chú ý là thành tựu trên lĩnh vực văn hóa chưa đủ để tác động có hiệu quả đến xây dựng con người và môi trường văn hóa. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng, trong xã hội cũng như tệ nạn xã hội và tội phạm vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi sự gia tăng cả tính chất và quy mô của các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Những sự sa sút đáng lo ngại này làm cho “Văn hóa trên thực tế chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước ta”. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ một số nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó nêu bật hai nguyên nhân chủ yếu sau:
– Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế, chính trị, nhận thức vai trò của văn hóa trong việc xây dựng con người chưa được đúng tầm, công tác lãnh đạo chỉ đạo quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, hạn chế, yếu kém.
– Tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển con người toàn diện và xây dựng phát triển nền văn hóa Việt Nam như xác định của Nghị quyết TW5 – Khóa VIII gồm các lĩnh vực sau: Tư tưởng chính trị đạo đức lối sống cốt lõi là hệ tư tưởng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, di sản văn hóa, tính tích cực trong văn hóa tôn giáo tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, thể chế thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế lúng túng nhất là chậm trễ trong thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa (thể chế hóa Nghị quyết TW5 – Khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ chính trị Khóa X, Nghị quyết TW9 – Khóa XI). Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải và hiệu quả chưa cao. Đáng chú ý là chưa xác định rõ và tổ chức trong thực tiễn khâu đột phá nào trong xây dựng con người và môi trường văn hóa.
Do đó khát vọng “chấn hưng văn hóa”, để văn hóa thực sự trở thành động lực, thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt “căn bệnh khó chữa, kéo dài nhiều nhiệm kỳ của nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với văn hóa” làm cho phát triển văn hóa phát triển nền tảng tinh thần của xã hội không tương xứng với phát triển kinh tế. Để điều trị có hiệu quả căn bệnh khó chữa này phải kết hợp chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, kết hợp chặt chẽ biện pháp tư tưởng với biện pháp tổ chức. Do đó phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng công tác tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức tư tưởng đối với vị trí vai trò của xây dựng và phát triển văn hóa con người trong thời kỳ mới, phải gắn liền với tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW9 – Khóa XI làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức lĩnh vực này, lãnh đạo chỉ đạo chưa quyết liệt việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết còn chậm, thiếu đồng bộ và trong một số trường hợp thiếu khả thi. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp. Rất cần phải làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cụ thể đối với những yếu kém trong thực hiện 6 nhiệm vụ của chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đó là:
– Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
– Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
– Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.
– Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa.
– Phát triển công nghiệp văn hóa đi đối với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
– Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chỉ có thể nâng cao nhận thức, vị trí vai trò và trách nhiệm đối với chiến lược xây dựng phát triển văn hóa con người trong thời kỳ mới bằng con đường tiến hành tổng kết sâu sắc thực tiễn 5 năm việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết TW9 – Khóa XI, trên cơ sở đánh giá đúng việc quán triệt 5 quan điểm trong thực hiện 4 giải pháp, 6 nhiệm vụ, rút ra những bài học kinh nghiệm và quy rõ trách nhiệm của từng tập thể và cá nhân đối với những yếu kém bất cập trong thực tiễn, chắc chắn sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo nhiệm vụ chiến lược xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.- nhiệm vụ quan trọng suốt cả thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vấn đề quan trọng tiếp theo là khi triển khai thực hiện đường lối xây dựng và phát triển văn hóa con người trong Nghị quyết Đại hội XIII, thực hiện chiến lược văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần xác định cho đúng một số khâu đột phá. Xin phép được gợi mở một số định hướng đột phá sau.
Trước hết, văn hóa theo Nghị quyết TW5 – Khóa VIII quan hệ trực tiếp với một số ngành và lĩnh vực sau: giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) văn hóa tôn giáo, văn hóa các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể chế thiết chế văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội là mục tiêu, động lực phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước cho nên cần lập Ban chỉ đạo quốc gia hoặc Ban chỉ đạo trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nếu Ban chỉ đạo trung ương thì đồng chí Tổng bí thư hoặc Thường trực Ban bí thư là trưởng Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo quốc gia do đồng chí Chủ tịch nước làm trưởng Ban chỉ đạo. Đồng chí trưởng Ban tuyên giáo trung ương và đồng chí Phó Thủ tướng chính phủ làm Phó trưởng Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo có Phó trưởng Ban thường trực Ban tuyên giáo trung ương, Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao du lịch là ủy viên thường trực, Bộ trưởng giáo dục đào tạo, Bộ trưởng khoa học công nghệ, đại diện lãnh đạo Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính, Bộ tư pháp, Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội, lãnh đạo Tổng cục chính trị quân đội nhân dân, lãnh đạo Bộ công an, lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
Hướng đột phá thứ nhất: Đột phá xây dựng một số môi trường văn hóa trên cơ sở sớm hình thành hệ giá trị văn hóa quốc gia và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam chỉ đạo đột phá vào khâu xây dựng văn hóa trong Đảng trong các cơ quan Nhà nước và hệ thống chính trị. Đột phá xây dựng môi trường văn hóa học đường để môi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống. Đột phá xây dựng môi trường văn hóa trong các doanh nghiệp – đề văn hóa doanh nghiệp văn hóa doanh nhân thực sự là sức mạnh nội sinh cho các doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Hướng đột phá thứ hai: Trong nhiệm kỳ này cơ bản hoàn thành việc thể chế hóa nghị quyết Đại hội XIII về văn hóa giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ để tạo hành lang pháp lý và loại bỏ được các rào cản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và con người Việt Nam phát triển toàn diện. Trong quá trình thể chế hóa rất coi trọng ban hành luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học nghệ thuật.
Hướng đột phá thứ ba: Tập trung lãnh đạo để công nghiệp văn hóa Việt Nam có bước phát triển đột phá gắn với việc phát triển và hoàn thiện thị trường văn hóa nhằm khai thác và phát huy mạnh mẽ những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam gắn với công nghệ hiện đại thành các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao, thông qua thị trường văn hóa mở rộng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của toàn dân, mở rộng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Hướng đột phá thứ tư: Đột phá vào khâu phát hiện đào tạo bồi dưỡng và phát huy các tài năng văn hóa của đất nước./.