Vùng đất “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”
Tỉnh Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Phía đông giáp tỉnh Hải Dương; phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội; phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam; phía nam giáp tỉnh Thái Bình; phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng đất phù sa màu mỡ, mang đậm nét truyền thống, văn hiến của nước ta.
Văn Miếu Hưng Yên – một di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến (Ảnh: BTG Hưng Yên) |
Hưng Yên không có biển, không có rừng nhưng nhiều sông ngòi và nguồn nước ngọt dồi dào, là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội. Người dân Hưng Yên có truyền thống cần cù lao động, ngoài trồng trọt, chăn nuôi, còn có nhiều ngành nghề thủ công. Hoạt động thương mại, dịch vụ của Hưng Yên phát triển khá mạnh mẽ từ nhiều thế kỷ trước. Bởi thế dân gian có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” để nói về sự hưng thịnh của vùng đất này.
Hưng Yên còn là vùng đất có truyền thống văn hiến, nhất là về giáo dục – khoa cử, là địa phương có nhiều lễ hội đặc sắc (hơn 400 lễ hội), trong đó có nhiều loại hình như: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội tín ngưỡng…
Từ buổi bình minh lịch sử cho đến ngày nay, cư dân trên “miền đất phù sa” Hưng Yên ngày càng đông đúc, xóm làng trù mật, dân yên, vật thịnh trong tổng thể chung của không gian lịch sử, không gian văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; truyền thống đoàn kết, hòa nhập với thiên nhiên, chế ngự thiên tai, dịch họa, dựng xây quê hương, đất nước; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài; truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên; truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung,… tất cả những truyền thống tốt đẹp đó đã góp phần làm nên “khí chất” của đất và người Hưng Yên.
Chặng đường lịch sử vẻ vang
Sau khi tỉnh Hưng Yên được thành lập (năm 1831), dưới thời Nguyễn, nhân dân Hưng Yên hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh chống phong kiến thực dân của Phan Bá Vành, Cao Bá Quát (năm 1854), Lê Duy Cự (năm 1854) và Cai Vàng (năm 1862). Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân Hưng Yên liên tục đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức, chống thực dân Pháp, chống quan lại cường hào cướp ruộng đất, chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, tạp dịch.
Tháng 02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, quần chúng cách mạng ở Hưng Yên đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi cơm áo hòa bình, tham gia Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau ngày độc lập (ngày 02/9/1945), cùng với cả nước, nhân dân Hưng Yên bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rồi sau đó là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ phong trào “Tứ hóa”, Hưng Yên trở thành tỉnh dẫn đầu miền Bắc nhiều năm về thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp, bổ túc văn hóa, xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa, đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, đưa nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới… Hưng Yên sớm xây dựng địa phương thành một tỉnh vững về chính trị, kinh tế – văn hóa phát triển, quốc phòng – an ninh được củng cố, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.
Bác Hồ với các cháu mẫu giáo xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên 16/9/1961 (Ảnh tư liệu) |
Tỉnh Hưng Yên vinh dự 10 lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc, chỉ tính riêng 2 năm 1958-1959, Bác đã về thăm Hưng Yên sáu lần, cả sáu lần Bác đều căn dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên tập trung làm thuỷ lợi. Thực hiện những lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trên khắp các địa phương, nhân dân sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hưng Yên đạt được những kết quả đáng mừng, đẩy lùi một bước quan trọng của nạn hạn hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu.
Năm 1968, tỉnh Hưng Yên sáp nhập với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng, nhân dân trong tỉnh đã phát huy những kết quả và thuận lợi; tiếp tục đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt hơn những khả năng sẵn có; đồng thời tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và sự hỗ trợ của các tỉnh bạn.
Năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, điểm xuất phát của tỉnh thấp, GDP bình quân là 180 USD/người/năm, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn. Xác định thế mạnh về vị trí, nhân lực dồi dào, tỉnh tập trung đột phá phát triển công nghiệp, thực hiện những chính sách thu hút đầu tư công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã tự cân đối được ngân sách, có đóng góp một phần cho Trung ương. Đến hết năm 2020, Hưng Yên đã xây dựng được nền tảng kinh tế – xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế tăng trưởng khá nhanh và cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, đạt giá trị 8,5 tỷ USD, tăng 9,5-10%/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh và từng bước được đa dạng loại hình. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, đời sống của người nông dân ngày càng khởi sắc, số hộ giàu tăng nhanh. Các chính sách xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Năm 2020, Hưng Yên được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo thực hiện hoàn thành, hoàn thành vượt mức 15 chỉ tiêu chủ yếu, một chỉ tiêu cơ bản hoàn thành mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII đã đề ra. Kinh tế duy trì phát triển ổn định với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô kinh tế tăng lên, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm (mục tiêu tăng từ 7,5 – 8%/năm), quy mô kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành đạt trên 102 nghìn tỷ đồng, tăng 1,73 lần so với năm 2015. Năm 2020: Tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 9,65%; công nghiệp, xây dựng chiếm 61,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 28,85%. Giá trị xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD. Giá trị thu được bình quân trên 1ha canh tác đạt 210 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 10.565 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 79,57 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt 91,5%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế…. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Tự hào viết tiếp tương lai
Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Hưng Yên từ một tỉnh nông nghiệp lương thực thiếu trầm trọng, công nghiệp kém phát triển, đến nay trở thành một vùng quê trù phú với cơ cấu kinh tế hợp lý, phát huy cao độ tiềm năng, nguồn lực của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội không ngừng được đầu tư nâng cấp, trở thành một tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, thu hút được sự hợp tác đầu tư của các thành phần kinh tế.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên. Đây là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh.
Khu vực Phố Hiến xưa – thành phố Hưng Yên nay (Ảnh: BTG Hưng Yên) |
Theo đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, việc tổ chức lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh là sự kiện có ý nghĩa ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và trưởng thành đầy hào hùng của quê hương văn hiến Hưng Yên qua các thời kỳ. Qua đó phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân, đồng thời giúp cho thế hệ Hưng Yên hôm nay thêm tự hào về mảnh đất một thời được mệnh danh là “tiểu Tràng An”, qua đó ra sức rèn đức luyện tài, cố gắng phấn đấu và học tập, tu dưỡng đạo đức, tiên phong trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước.
Cũng theo đồng chí, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, đánh dấu mốc son phát triển sau chặng đường 190 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 25 năm tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn tỉnh nhằm kêu gọi, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, công tác, học tập, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh việc hưởng ứng phong trào thi đua do tỉnh phát động, các ngành, các cấp cũng phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mỗi ngành, lĩnh vực. Qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương.
Mục tiêu của đợt thi đua là một bước thúc đẩy đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đến với các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng văn minh, giàu đẹp./.