Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Không thể đánh đồng hiện tượng với bản chất, cá nhân với tập thể

Lợi dụng vi phạm của một số cán bộ, đảng viên, các thế lực phản động, thù địch tìm mọi cách hạ thấp uy tín nhằm phủ nhận tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; gây chia rẽ nội bộ Đảng và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Đây là thủ đoạn chống phá nguy hiểm cần sớm nhận diện và đấu tranh loại bỏ.

Thời gian vừa qua, cán bộ lãnh đạo của một số địa phương đã bị cơ quan chức năng khởi tố, tạm giam do có hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Điển hình như cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chu Ngọc Anh; cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trần Thanh Liêm và gần đây nhất là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Phạm Xuân Thăng… Vi phạm của các cá nhân này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, người dân và xã hội; gây dư luận xấu, làm mất uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Việc khởi tố, bắt tạm giam những cá nhân nêu trên đã thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Đảng ta đối với tham nhũng, tiêu cực và đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, với động cơ thiếu trong sáng và góc nhìn phiến diện, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những luận điệu sai trái, gây “nhiễu” dư luận. Trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện luận điệu cho rằng vụ việc bị xử lý là do “đấu đá nội bộ”. Đặc biệt, một số ý kiến còn lợi dụng vụ việc để bôi nhọ Đảng theo kiểu “đến người đứng đầu tỉnh còn vi phạm”; từ đó “liên hệ” “gợi mở” nhiều vấn đề theo hướng đổ lỗi vi phạm của cán bộ, đảng viên là do thể chế, do “Đảng Cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo”… nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; kêu gọi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trước hết cần khẳng định, việc khởi tố, bắt tạm giam những cá nhân nói trên là các vụ việc cụ thể được thực hiện sau quá trình điều tra, xác minh của cơ quan chức năng và phù hợp với các quy định hiện hành. Vi phạm của họ xuất phát từ việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện. Và việc họ bị xử lý theo các quy định của Đảng, của pháp luật là hệ quả tất yếu. Đây là vi phạm của cá nhân đảng viên; hoàn toàn không thể đồng nhất với bản chất của Đảng như các thế lực phản động, thù địch đang cố gắng tuyên truyền, xuyên tạc.

IMG_256
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực tế cũng cho thấy, công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, gian khó, chưa có trong tiền lệ. Vì vậy, quá trình đó khó có thể tránh khỏi những thiếu sót, vấp váp, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý. Trong đội ngũ đông đảo cán bộ, đảng viên cũng sẽ khó tránh khỏi việc có những người mắc phải những khuyết điểm, thiết sót, sai lầm. Để hạn chế điều đó, Đảng, Nhà nước ta đã có những “hàng rào” quy định, luật pháp với những chế tài mạnh mẽ để quản lý, giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm. Mỗi cán bộ, đảng viên ai cũng đều phải trải qua quá trình phấn đấu rèn luyện để đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực nhất định. Ngay cả khi cán bộ, đảng viên ở vị trí lãnh đạo có vi phạm thì vẫn bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, những biểu hiện cụ thể của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta thẳng thắn chỉ ra ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); các quy định cụ thể về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về những điều đảng viên không được làm… Đó là những nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.

Theo thống kê, chỉ trong 10 năm (giai đoạn 2012-2022), với sự nghiêm khắc trong xử lý kỷ luật đảng, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật hơn 170 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Đặc biệt, tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới nay, 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (1). Song, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”; không thể đánh đồng cá nhân với tập thể, không thể đồng nhất những hiện tượng vi phạm đó với bản chất của Đảng, của chế độ. Sự trong sạch, tinh thần làm việc hết mình vì dân, vì nước của đại bộ phận cán bộ, đảng viên, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cơ sở quan trọng đưa đến những bước phát triển mạnh mẽ của đất nước ta trong hơn 35 năm qua, kể từ khi công cuộc Đổi mới được Đảng khởi xướng. Điều đó cũng đã được nhân dân ghi nhận, trân trọng.

Mặt khác, mưu đồ nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động không thể che đậy được khi lợi dụng vi phạm của một số cá nhân, đảng viên, chúng ra sức tuyên truyền các luận điệu nhằm hạ thấp uy tín nhằm phủ nhận tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng; gây chia rẽ nội bộ Đảng và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Rõ ràng, mục đích sâu xa của các thế lực thù địch, phản động là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần tỉnh táo, đề cao cảnh giác trước các luận điệu phản động, sai trái nói trên./.

Theo ĐCS