Trong thời buổi hiện nay, chuyển đổi số là vấn đề người trẻ dành nhiều sự quan tâm. Có ý kiến cho rằng, đầu tư năng lực số, Đoàn cần được thực hiện và giáo dục phù hợp ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.
Đoàn cần đầu tư năng lực số phù hợp ngay từ lứa tuổi thiếu niên. Ảnh: Nữ Vương
Thúc đẩy môi trường sáng tạo trong thanh niên
Bản thân tôi rất kỳ vọng vào Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII sẽ có nhiều đột phá, đưa ra được nhiều chương trình hành động thiết thực và có ý nghĩa.
Tôi nhận thấy, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rất cần thiết đối với lực lượng trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, người trẻ trong thời buổi này có rất nhiều cơ hội và cả những thách thức trong quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với các cơ hội có thể kể đến là môi trường cởi mở của Chính phủ, của tổ chức Đoàn thông qua rất nhiều hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp; sự chuyển mình nhanh chóng của các trường đại học trong việc thúc đẩy nghiên cứu, nhờ đó tạo ra nguồn lực về mặt phát kiến mà lực lượng trí thức trẻ, thanh niên có thể nhanh chóng chuyển giao các sản phẩm sáng tạo trở thành những ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống.
Bùi Đăng Toản. Ảnh: NVCC
Hay những lợi thế từ cộng đồng dân số trẻ Việt Nam, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên với tố chất dễ thích nghi, ưa khám phá sự mới mẻ cũng tạo nên sự thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo trong thanh niên nói riêng và toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, người trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nếu như không có sự tập huấn, đào tạo, huấn luyện, không có môi trường ươm tạo kịp thời và đầy đủ.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII cần tạo điều kiện cho trí thức trẻ, sinh viên Việt Nam có môi trường sáng tạo để vươn lên. Đây là điều rất căn bản để chúng ta có thể xây dựng chương trình hỗ trợ về môi trường ươm tạo, đặc biệt là làm thế nào để thế hệ trẻ Việt Nam phải là lực lượng tiên phong bắt kịp với quá trình chuyển đổi số sâu rộng. Họ phải là người đi đầu tiếp thu tri thức, thành thạo kỹ năng và cũng là những lực lượng phát kiến những đổi mới trong môi trường chuyển đổi số. Chỉ thông qua họ, mới có thể kỳ vọng quá trình chuyển đổi số có thể thành công, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội và phát triển.
Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cần đầu tư gắn với thực tiễn doanh nghiệp
Tôi tin rằng những mục tiêu và phương hướng đề ra tại bản Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn thật sự là nội dung quan trọng, có tính định hướng sâu sắc đối với hành trình rèn luyện phấn đấu của mỗi thanh niên và người trẻ nước nhà.
Võ Lập Phúc. Ảnh: NVCC
Trong quá trình tham khảo nội dung của dự thảo, cá nhân tôi chia sẻ một số mối quan tâm cụ thể như sau:
Đầu tiên, trong nội dung chương trình “Đồng hành với thanh niên trong học tập” T.Ư Đoàn đã xác lập quan điểm về việc điều chỉnh các tiêu chí và hình thức tôn vinh các danh hiệu như: “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”… Điều này chứng minh rằng T.Ư Đoàn đang chú trọng đầu tư vào chất lượng của các danh hiệu, thắt chặt các tiêu chuẩn xét chọn nhằm nâng cao nguồn lực về con người, đưa các danh hiệu trở thành cơ sở xác đáng trong việc ghi nhận sự phấn đấu của tuổi trẻ Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với nội dung này, là một sinh viên vinh dự đạt được danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp thành phố ngay từ khi là sinh viên năm nhất, đồng thời là một cán bộ Hội Sinh viên trực tiếp tham gia vào công tác hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu khoa học, tôi thiết thực cho rằng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cần được đầu tư gắn với thực tiễn các doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhiều hơn. Cũng như mở rộng mạng lưới thông tin đến doanh nghiệp về uy tín và chất lượng của danh hiệu này, nâng cao hiệu quả tiếp cận việc làm dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Điều cần quan tâm hơn cả là để danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” nói riêng, các danh hiệu tuyên dương, khen thưởng nói chung trở thành động cơ thiết thực, có tính thực tiễn và tính ứng dụng cao, chứ không phải chỉ là những “mác nhãn hình thức qua loa” trong quan niệm của một bộ phận người trẻ hiện nay.
Thứ hai là trong bản Dự thảo Báo cáo chính trị lần này, tôi nhận thấy rằng T.Ư Đoàn chú trọng nhiều đến việc bồi dưỡng năng lực số và ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều mảng hoạt động của công tác Đoàn. Tôi cho rằng năng lực số nên được đầu tư trong quá trình trưởng thành của tuổi trẻ. Vì vậy, trong “Công tác phụ trách Đội TNTP và bảo vệ chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng” cũng cần đào sâu hơn nữa các hoạt động về giáo dục chuyển đổi số phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng thông qua các hoạt động tương tác với hình thức mới mẻ, sáng tạo, đảm bảo các em có thể vận dụng những kỹ năng tin học cơ bản, và nắm được những nội dung kiến thức chủ yếu liên quan đến công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Võ Lập Phúc (Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Nguồn: doanthanhnien.vn