Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

TRÀ VINH: 07 DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CỦA THANH NIÊN ĐƯỢC TỈNH ĐOÀN, HỘI LHTN VIỆT NAM TỈNH HỖ TRỢ TRONG NĂM 2023

Xác định phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp “Đổi mới sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được triển khai đồng loạt và xuyên suốt trong những năm gần đây. Xuất phát từ mục đích đó, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, cụ thể trong năm 2023, Tỉnh đoàn phối hợp Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ cho 07 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên.

Đầu tiên, đó là dự án “sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ Dừa sáp” của anh Trần Duy Linh – Giám đốc công ty chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) – Công ty đầu tiên đầu tư vào dây chuyền công nghệ, chế biến chuyên sâu, đa dạng sản phẩm từ trái “Dừa sáp” (một loại dừa đặc sản, chỉ có tại Trà Vinh). Với những thành công mà anh đã cùng công ty đạt được trong nhữn năm qua, năm nay dự án của anh tiếp tục được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ thủ tục, hồ sơ, kết nối để được nhận Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm và giới thiệu sản phẩm của Công ty tham gia trưng bày tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo Cụm sông Tiền năm 2023” được tổ chức tại tỉnh Bến Tre, và tham gia trưng bày tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ thủ tục, hồ sơ để đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận sản phẩm “Dừa sáp sợi Vicosap” đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia (theo Quyết định số 276/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 20/6/2023).

Anh Trần Duy Linh (thứ 5 bên trái sang) nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn tại Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo Cụm Sông Tiền năm 2023

Sản phẩm Dừa sáp sợi đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp Quốc gia

Tham gia trưng bày tại Hội nghị Sơ kết đề án OCOP giai đoạn 2019 – 2022

Kế đến là dự án “Nuôi cua lột và cua cốm trong hệ thống tuần hoàn” mang thương hiệu “Cua cơ bắp” của anh Nguyễn Minh Nhật (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải) đã được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục để vay vốn từ nguồn vốn vay ủy thác giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với số tiền 100 triệu đồng, sau khi được giải ngân anh đầu tư thêm hệ thống tuần hoàn, vật tư và trang thiết bị để phục vụ cho quá trình nuôi cua. Bên cạnh đó, dự án của anh còn được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, giới thiệu, tập huấn để hoàn thiện nội dung và tham gia cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh và Dự án Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức, kết quả dự án của anh đã được lọt vào vòng Bán Kết Cuộc thi và đạt giải Nhì nội dung thi Dự án của cuộc thi Ý tưởng, dự án tỉnh Trà Vinh năm 2023. Anh Nhật cho biết thêm: với mô hình nuôi trong hệ thống tuần hoàn, cua sẽ phát triển tốt hơn, đem lại hiệu quả kinh tế rất nhiều cho người nuôi, từ khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh anh đã cải thiện được mô hình khởi nghiệp của mình, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm của anh đã được kết nối, giới thiệu để xuất ngoại sang Nhật Bản.

Anh Nguyễn Minh Nhật tham gia vòng Bán kết Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức

Sản phẩm đã được xử lý đông lạnh và chuẩn bị xuất ngoại

Dự án thứ 3 được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ trong năm nay đó là dự án “Sản xuất và phân phối sản phẩm da từ vỏ xoài” của bạn Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh viên trường Đại học Trà Vinh. Dự án của bạn đã được hỗ trợ thủ tục, hướng dẫn hồ sơ đăng ký tham gia các Cuộc thi về khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong khu vực tổ chức và cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức và cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp năm 2023 do Trung ương Hội tổ chức. Trải qua các cuộc thi dự án đã từng bước được hoàn thiện và những sản phẩm gia dụng được làm từ vỏ xoài gần gũi với cuộc sống đã được cho ra đời như: bóp tiền, cặp, túi,…, có thể nói đây là một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ đem lại hiệu quả trong tương lai, vì có nguồn nguyên liệu gần gũi và thân thiện với môi trường. Kết quả, dự án đã xuất sắc đạt giải Nhất ở nội dung thi Dự án của Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh và được vào vòng Bán Kết của Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức.

Ban Nguyễn Thị Thanh Vân tham gia thuyết trình tại vòng Bán kết (khu vực phía Nam) của Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2023

Kế đến là dự án “Sản xuất và phân phối gạo Hạt ngọc rồng” của Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú), đã được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ tổng số vốn 33 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để giới thiểu, quảng cáo sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục hồ sơ để nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023 và Bằng khen của Trung ương Đoàn “có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào tuổi trẻ sáng tạo” năm 2023.

Anh Trầm Minh Thuần – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp (thứ tư từ trái sang) nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn tại Liên hiệp Tuổi trẻ sáng tạo Cụm Sông Tiền năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Bến Tre

Anh Sơn Thái Ngoan – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2023

Tiếp theo là dự án “Trồng dừa sáp cấy phôi và chế biến sản phẩm mứt dừa sáp”  của anh Trần Quang Huy xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đã được Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn nâng cao cho thành viên của các CLB Khởi nghiệp, bên cạnh đó Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh còn chỉ đạo Huyện đoàn Châu Thành thường xuyên quan tâm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và hướng dẫn tiếp cận với nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội. Đây là một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được đánh giá rất cao trong thời gian vừa qua, khi Dừa sáp (một loại đặc sản của Trà Vinh thường được trồng nhiều ở huyện Cầu Kè), nhưng với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, anh Huy đã sử dụng giống dừa sáp cấy phôi để trồng trực tiếp tại vườn nhà của mình (xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành). Được biết, vườn dừa sáp của anh hiện tại có diện tích khoảng 1,2 ha, với 102 cây dừa, tỉ lệ sáp đạt khoảng 70 – 80%. Anh Huy cho biết thêm, anh đã nghiên cứu tạo ra mứt dừa sáp, với mục đích tạo ra sản phẩm mới trên thị trường, cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Đến nay, doanh thu bình quân mỗi tháng đạt được từ sản phẩm dừa sáp và mứt dừa sáp khoảng 36 triệu đồng/tháng.

Thường trực huyện đoàn Châu Thành đến thăm hỏi, động viên tại vườn dừa sáp của anh Trần Quang Huy

Dự án thứ 6 được Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh hỗ trợ trong năm 2023 là dự án “Sản xuất và phân phối gạo sạch hữu cơ (gạo Cô Ba)” của anh Lê Thanh Quốc (huyện Tiểu Cần), dự án của anh Quốc đã được Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh phối hợp giới thiệu để tham gia lớp tập huấn chuyển đổi số dành cho chủ doanh nghiệp, tập huấn chuyên sâu và tham gia chia sẽ kinh nghiệm tại các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn chỉ đạo huyện đoàn Tiểu Cần phối hợp giới thiệu đưa sản phẩm của anh lên sàn giao dịch điện tử, mở rộng thị trường, đầu ra cho sản phẩm và hướng dẫn thủ tục, hồ sơ để sản phẩm được công nhận chuẩn OCOP 3 sao. Được biết, gạo của anh Quốc được sản xuất theo quy trình khép kín không phun xịt hóa chất, góp phần bảo vệ moi trường và đem lại giá trị kinh tế cao.

Sản phẩm gạo sạch Cô Ba đạt chuẩn OCOP 3 sao của anh Lê Thanh Quốc

Phối hợp giới thiệu đưa sản phẩm Gạo sạch Cô Ba lên sàn giao dịch điện tử

Cuối cùng là dự án “Sản xuất tượng từ công nghệ đúc khuôn Silicon” của anh Trần Quốc Toàn (huyện Cầu Ngang), dự án đã được Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh phối hợp giới thiệu, kết nối để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử, tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi số dành cho chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh còn chỉ đạo Huyện đoàn Cầu Ngang hỗ trợ hồ sơ, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách, thường xuyên động viên, thăm hỏi và hỗ trợ vốn với số tiền 5 triệu đồng khuyến khích thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Anh Toàn cho biết, việc đúc khuôn silicon sở hữu các đặc tính tương tự với cao su, độ ổn định nhiệt, kháng hóa chất cao, khả năng chống rách, sự ăn mòn cùng tính mô phỏng tốt,… mang lại nhiều ưu điểm nổi bật như: dễ dàng tháo khuôn ra khỏi thành phẩm sau khi đúc nhờ tính linh hoạt của silicon. Silicon được đánh giá là chất liệu không hoặc ít gây độc hại. Bên cạnh đó anh sử dụng chất liệu, keo composite và bột đá để tạo ra sản phẩm một cách độc đáo và đẹp mắt. Mỗi sản phẩm bán ra thị trường với giá dao động từ 300.000 – 900.000 đồng. Hiện anh Toàn đã bán ra thị trường được 15 sản phẩm.

Thường trực Huyện đoàn Cầu Ngang trao vốn khuyến khích thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sản phẩm tượng Phúc – Lộc – Thọ được anh Toàn sản xuất từ việc đúc bằng khuôn Silicon và đã được ra mặt trên thị trường

Gia Thắng, Ban Phong trào