Nhằm khơi dậy và phát huy, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai các hoạt động hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tiêu biểu là cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2024, cuộc thi nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thông qua cuộc thi giúp Tỉnh đoàn tìm kiếm các ý tưởng, dự án hiệu quả để triển khai, kết nối các nhà đầu tư, hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng. Qua thời gian phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được 174 ý tưởng, 100 dự án bài đăng ký tham gia dự thi. Các tác phẩm tham dự phong phú, đa dạng về thể loại và có tính ứng dụng thực tế cao. Kết quả, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 02 giải nhất, 04 giải nhì, 06 giải ba và 20 giải khuyến khích cho các cá nhân, nhóm tác giả có thành tích xuất sắc. Tổng kinh phí giải thưởng là 48 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nhã, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải cao trong cuộc thi
Đồng thời để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong năm 2024, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ (06) ý tưởng, mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đạt hiệu quả như sau:
1. Mô hình “Bầm nhựa tái sinh” của đoàn viên Hà Văn Chúc – xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang. Mô hình này mang tính khả thi cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua hoạt động thu mua đồ nhựa cũ đã qua sử dụng để tái chế lại. Đây là mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội làm hồ sơ hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 50 triệu đồng cho đoàn viên Hà Văn Chúc vay tạo điều kiện phát triển mô hình và nhân rộng hiệu quả mô hình góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo thu nhập phát triển kinh tế cho ĐVTN địa phương.
Mô hình “Bầm nhựa tái sinh”
2. Mô hình “Nuôi cua lột và cua cốm trong hệ thống tuần hoàn” mang thương hiệu “Cua cơ bắp” của anh Nguyễn Minh Nhật (xã Long Khánh, huyện Duyên Hải) đã được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục để vay vốn từ nguồn vốn vay ủy thác giải quyết việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với số tiền 100 triệu đồng, sau khi được giải ngân anh đầu tư thêm hệ thống tuần hoàn, vật tư và trang thiết bị để phục vụ cho quá trình nuôi cua. Bên cạnh đó, dự án của anh còn được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, giới thiệu, tập huấn để hoàn thiện nội dung và tham gia cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh và Dự án Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức. Anh Nhật cho biết thêm: với mô hình nuôi trong hệ thống tuần hoàn, cua sẽ phát triển tốt hơn, đem lại hiệu quả kinh tế rất nhiều cho người nuôi, từ khi nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội tỉnh anh đã cải thiện được mô hình khởi nghiệp của mình, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm của anh đã được kết nối, giới thiệu để xuất ngoại sang Nhật Bản.
Mô hình “nuôi cua lột và cua cốm trong hệ thống tuần hoàn”
3. Dự án “Sản xuất và phân phối sản phẩm da từ vỏ xoài” của bạn Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh viên trường Đại học Trà Vinh. Dự án của bạn đã được hỗ trợ thủ tục, hướng dẫn hồ sơ đăng ký tham gia các Cuộc thi về khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức và cuộc thi Tìm kiếm Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Hội tổ chức. Đồng thời, Tỉnh đoàn còn hỗ trợ, tạo điều kiện để sản phẩm được trưng bày tại các cuộc trưng bày, quảng bá sản phẩm. Trải qua các cuộc thi dự án đã từng bước được hoàn thiện và những sản phẩm gia dụng được làm từ vỏ xoài gần gũi với cuộc sống đã được cho ra đời như: bóp tiền, cặp, túi,…, có thể nói đây là một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ đem lại hiệu quả trong tương lai, vì có nguồn nguyên liệu gần gũi và thân thiện với môi trường. Kết quả, dự án đã xuất sắc đạt giải Nhất ở nội dung thi Dự án của Cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh và được vào vòng Bán Kết của Cuộc thi Khởi nghiệp Thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức.
Dự án “Sản xuất và phân phối sản phẩm da từ vỏ xoài”
4. Mô hình “Xà phòng lục bình” của đoàn viên Thạch Văn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kinh doanh Online, trường Đại học Trà Vinh. Sản phẩm xà phòng từ lục bình góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng lục bình để sản xuất xà phòng, không chỉ giảm thiểu ô nhiễm do lục bình gây ra mà còn giúp làm sạch nguồn nước. Quy trình sản xuất hữu cơ không phát sinh hóa chất độc hại và không gây ô nhiễm môi trường, từ đó giảm tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái. Dự án được Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ thủ tục, hồ sơ, đề nghị và đạt Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” năm và giới thiệu sản phẩm của dự án tham gia trưng bày tại Liên hoan “Tuổi trẻ sáng tạo khu vực miển Nam năm 2024” được tổ chức tại tỉnh Bình Dương và tham gia trưng bày tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm Mô hình “Xà phòng lục bình”
5. Dự án “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” của nhóm tác giả Sơn Trần Minh Mẫn, Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Ngọc Sa Huỳnh từ trường Đại học Trà Vinh. Đây là dự án nhằm biến phế phẩm nông nghiệp từ rơm rạ thành sản phẩm giá trị cao nhờ vào áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất được tối ưu hóa đã tạo ra được một vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Trong năm, Tỉnh đoàn đã tạo điều kiện để dự án tham gia các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp của tỉnh, đồng thời đăng ký dự án tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp Thanh niên nông thôn năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức và được chọn vào Vòng Bán kết, nằm trong số 120 dự án xuất sắc toàn quốc. Sản phẩm còn được Tỉnh đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện để giới thiệu tại các cuộc trưng bày, quảng bá sản phẩm.
Mô hình “Gỗ nhân tạo từ rơm”
6. Mô hình “Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp” của Ban Chấp hành xã đoàn Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cũng là một trong các mô hình bảo vệ môi trường như: phụ phẩm nông nghiệp thường bị bỏ đi hoặc đốt, gây ô nhiễm không khí, ủ phân hữu cơ giúp tái chế những chất thải này thành nguồn dinh dưỡng cho đất; sử dụng phân hữu cơ giúp vi sinh vật có lợi trong đất phát triển; phân hữu cơ giúp giảm thiểu sự rửa trôi chất dinh dưỡng và thuốc trừ sâu, bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm; tiết kiệm chi phí mua phân hóa học và tăng lợi nhuận từ việc sử dụng sản phẩm hữu cơ;…Nhận thấy mô hình đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân trong sản xuất nông nghiệp lại bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Đoàn trường Đại học Trà Vinh mở lớp tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật ủ phân hữu cơ cho thanh niên và người dân qua đó trang bị thêm kiến thức để nông dân sản xuất phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, phù hợp với cây trồng và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Mô hình “Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp”
Để tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình, trong những năm tiếp theo Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đồng hành với thanh niên trong hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế xanh, hướng dẫn và duy trì các mô hình phát triển kinh tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
BPT