Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2024

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và toàn xã hội.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị phải trên cơ sở kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; là công việc hệ trọng, đòi hỏi phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc.

          Quàn triệt mục tiêu quan điểm được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh đã có nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể để thực hiện và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể như sau:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh

1.1. Lãnh đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh

Lãnh đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp; tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thống nhất về chương trình, nội dung kỳ họp, lựa chọn những vấn đề trọng tâm ở địa phương để đưa ra xem xét, thảo luận quyết định tại kỳ họp. Hầu hết các tài liệu, chương trình, nội dung kỳ họp đã được Đảng đoàn lãnh đạo gửi đến các đại biểu Hội đồng nhân dân (qua hệ thống M-office) theo đúng quy định và được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết, theo dõi. Các phiên khai mạc, chất vấn, bế mạc có mời đại diện cử tri tham gia tại hội trường, đồng thời nối cầu truyền hình trực tiếp đến một số địa phương (có mời cử tri tham gia tại các điểm cầu) và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh để cử tri theo dõi, giám sát.

Công tác tổ chức và điều hành các kỳ họp đ­ược cải tiến, tại các kỳ họp, cơ quan trình chỉ trình bày Dự thảo Nghị quyết để dành nhiều thời gian cho thảo luận tại hội tr­ường và hoạt động chất vấn. Việc đổi mới trong điều hành kỳ họp đã tạo không khí dân chủ, cởi mở, phát huy được trí tuệ tập thể khi thảo luận và biểu quyết; các đại biểu đã phát huy tinh thần, trách nhiệm cá nhân trước cử tri, góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát giữa các kỳ họp, giám sát theo chuyên đề. Nội dung giám sát tập trung vào những lĩnh vực mà Nhân dân và cử tri quan tâm, không trùng lắp về nội dung, đối tượng và thời gian giám sát, tạo sự chủ động cho đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động giám sát. Trong quá trình giám sát, đã tổ chức khảo sát thực tế để làm rõ nhận định, đánh giá chuyên đề giám sát được sâu sắc. Sau giám sát, thực hiện thông báo kết luận, báo cáo kết quả giám sát, các kiến nghị được gửi đến các đối tượng giám sát, các cơ quan có liên quan để xem xét, giải quyết và tổ chức thực hiện.

1.2. Hoạt động của Ủy ban nhân dân

– Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá X (nhiệm kỳ 2015 – 2020) những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ban, ngànhTrung ương, Nghị quyết của Tỉnh ủy về mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, hằng năm thành các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể của Ủy ban nhân dân tỉnh; hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong những 5 năm qua đã đạt ddwwocj những kết quả quan trọng:

+ Kinh tế tăng trưởng khá cao, bình quân GRDP  tăng 12,04%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng: Giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 29,41% (năm 2015 là 45,92%); tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ lên 70,59% trong GRDP(năm 2015 là 54,08%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020. Thu nội địa hàng năm tăng bình quân 18,89%, vượt chỉ tiêu (Nghị quyết: 17%). Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến cuối năm 2020, sẽ có 70 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 82,35% (chỉ tiêu NQ là 50%); 03 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới (Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long), thị xã Duyên Hải, thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên; giáo dục – đào tạo có những chuyển biến tích cực; sức khỏe của Nhân dân được chăm sóc tốt hơn; các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, tôn giáo được quan tâm (kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,32%, tỷ lệ hộ dân tộc Khmer nghèo còn 5,22%).

 – Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh: Hằng năm, quán triệt Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về công tác quốc phòng, quân sự địa phương”; “về nhiệm vụ công tác biên phòng” ; “về công tác an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân”, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, an ninh trật tự, xây dựng công an nhân dân, biên phòng. Thường xuyên quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, nâng cao cảnh giác cách mạng trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chất lượng hoạt động của các lực lượng vũ trang của tỉnh được củng cố, kiện toàn, bảo đảm độ tin cậy, nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

2. Đối với các cơ quan tư pháp

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp được củng cố, cơ sở vật chất và các phương tiện làm việc được đầu tư nâng cấp, công tác phối hợp của các cấp, các ngành nhất là các cơ quan tư pháp được tăng cường; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

3. Đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Xác định rõ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là bộ phận quan trọng, thường xuyên trong công tác dân vận của Đảng. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể kịp thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương. Thường xuyên chỉ đạo, định hướng những công tác lớn, nhiệm vụ trọng tâm cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động. Quan tâm củng cố, kiện toàn các đảng đoàn, định hướng nhân sự đại hội, giới thiệu nhân sự chủ chốt cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ Mặt trận và các đoàn thể từng bước được nâng lên và thực hiện đúng quy định.

 Các cấp ủy bố trí lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy theo quy định, thực hiện thí điểm mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp huyện; phân công đảng viên có năng lực, đạo đức, tâm huyết tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đưa việc lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng các cấp.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chính quyền và các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đều phân công một đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận gắn với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.

4. Đối với công tác cán bộ

          Thực hiện quy định 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 01-QĐi/TU ngày 09/5/2018 thể hiện rõ việc phân cấp về công tác cán bộ và quy trình công tác cán bộ, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đấu cấp ủy các cấp, cơ quan, đơn vị trong việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ.

Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời, phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân và tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu về công tác cán bộ, các nội dung liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đều được tập thể bàn bạc thống nhất quyết định. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý là người dân tộc Khmer, cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng phát triển (cấp ủy tinh hiện có 03/51 Tỉnh ủy viên là người dân tộc Khmer, chiếm 5,88%; có 07/51 Tỉnh ủy viên là nữ chiếm 13,73%, có 36 cán bộ nữ là trưởng, phó ngành tỉnh, trong đó có 7 cán bộ nữ người dân tộc, chiếm 19,44%). Việc đánh giá cán bộ đảm bảo thực hiện đúng quy định, thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là trong việc đánh giá, nhận xét cán bộ làm cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng, giới thiệu cán bộ ứng cử, thực hiện chính sách cán bộ và kỷ luật cán bộ, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công bằng.

5. Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, lề lối làm việc của cấp ủy

Căn cứ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn những nội dung lớn có tính bao quát toàn diện trên các lĩnh vự kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị để đưa vào Chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Đảng bộ.

Trên cơ sở chương trình công tác toàn khoá và những vấn đề thực tiễn đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cụ thể hoá thành chương trình làm việc hằng năm, hằng quý, hàng tháng theo hướng lựa chọn công việc, vấn đề, nội dung cấp ủy phải bàn và quyết định, đảm bảo sự phân cấp, nâng cao tính chủ động, phát huy quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành, giảm thời gian, nâng cao chất lượng các cuộc họp. Kịp thời ban hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khoá X, Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; kịp thời, sửa đổi, bổ sung Quy chế, phân công cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tế của tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành theo đúng quy chế làm việc, chương trình công tác toàn khóa, hàng năm và kế hoạch đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đề ra.

Tập trung lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm phương thức quan trọng để thực hiện sự chỉ đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; kịp thời xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, nghiên cứu quán triệt triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị – xã hội cụ thể hóa các nội dung, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình lãnh đạo và điều hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy luôn bám sát, thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc, theo chương trình, kế hoạch công tác và định hướng giải pháp công việc theo đúng thẩm quyền; những vấn đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình, cho ý kiến và quyết định đều trên cơ sở thảo luận dân chủ, tranh luận thẳng thắn, thống nhất cao và có thông báo kết luận đến các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, các ban, sở, ngành có liên quan để triển khai thực hiện. Định kỳ hoặc khi thấy cần thiết Ban Thường vụ hoặc Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ các huyện,ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, cấp ủy và lãnh đạo các sở, ngành để nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, cho ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết luận, định hướng những công tác lớn để các cấp ủy, các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Đồng thời, phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ theo dõi và phụ trách các đảng bộ huyện, thị xã (Quy định số 194-QĐ//TU ngày 03/12/2015) và tham gia sinh hoạt chi bộ ấp, khóm (Quy định số 784-QĐ/TU ngày 10/5/2016). Thường trực Tỉnh ủy duy trì nề nếp giao ban hàng tuần, kịp thời nắm tình hình, cho ý kiến xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền và định hướng công việc tuần tiếp theo; hàng năm Ban Thường vụ  tổ chức kiểm điểm về sự lãnh đạo, điều hành trên các mặt công tác và báo cáo kết quả kiểm điểm trước Tỉnh ủy.

Tỉnh ủy xác định việc xây dựng nghị quyết cần được thực hiện theo nguyên tắc chỉ ban hành nghị quyết khi thật sự cần thiết; quy trình xây dựng nghị quyết được cấp ủy các cấp đổi mới theo hướng lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, phát huy tính dân chủ, trí tuệ tập thể. Nghị quyết được ban hành phải bảo đảm ngắn gọn, rõ chủ đề, nội dung, bố trí nguồn lực để thuận lợi cho công tác tổ chức triển khai thực hiện, góp phần khắc phục dần tình trạng ban hành nhiều nghị quyết, có khi trùng lắp.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng được tăng cường nhằm bảo đảm các nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung như việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hệ thống chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; quy định về những điều đảng viên không được làm; các chỉ thị, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; việc quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; chương trình mục tiêu quốc về xây dựng nông thôn mới…

Việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp được quan tâm chỉ đạo thông qua nhiều hình thức khác nhau, tập trung vào các lĩnh vực, như giám sát thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…Đồng thời, tiến hành các hoạt động phản biện xã hội (theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, Quy định 124 của Ban Bí thư Trung ương); nêu ý kiến đối với dự thảo các chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tạo điều kiện tốt cho Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, dự án, kế hoạch có liên quan đến đời sống của Nhân dân; qua đó huy động sức mạnh của toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

  Tuy nhiên, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy còn chậm so với yêu cầu; chất lượng, hiệu quả có mặt còn hạn chế. Một số quy định về quan hệ lãnh đạo giữa cấp ủy với đảng đoàn, ban cán sự đảng, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, về công tác cán bộ chưa kịp thời bổ sung sát với thực tế nên một số đảng đoàn, ban cán sự đảng còn lúng túng trong hoạt động. Hoạt động giao ban giữa cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Mặt trận tổ quốc được quy trì thường xuyên nhưng một số nơi nội dung chưa đi vào những vấn đề bức xúc cần giải quyết, chế độ thông tin, báo cáo chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Một số cấp ủy cơ sở chưa phát huy được tính chủ động sáng tạo của chính quyền cơ sở. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cơ sở một số nơi còn hạn chế, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện chưa xử lý kịp thời ở cơ sở. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi có lúc chưa đảm bảo theo quy định.

Để tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong thời gian tới cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

Một là, tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 24/3/2008 của Tỉnh ủy (khóa VIII) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, sớm ban hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khoá XI, chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Bố trí phân công đội ngũ cán bộ hợp lý đúng năng lực, sở trường; chuẩn bị nhân sự Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 -2026.

Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phong cách và lề lối làm việc của cấp ủy gắn với thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện nghiêm Quy định số 4842-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy“về trách nhiệm của tập thể, cá nhân người đứng đầu các cấp, các ngành trong quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị”, Quy định 4495-QĐ/TU về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành trong tỉnh”.

Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh thông qua việc cho chủ trương, định hướng đối với những vấn đề quan trọng, công tác lớn; tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền. Định kỳ Ban Thường vụ làm việc với các đảng đoàn, ban cán sự đảng để nghe báo cáo tình hình hoạt động và chỉ đạo công tác trong từng thời gian.

Bốn là, triển khai học tập, quán triệt, phổ biến sâu rộng, đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quy chế… của Trung ương (khóa XIII), của tỉnh về công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ; đồng cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, quy định,… của Trung ương thành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, quy định,… của tỉnh, của các ngành về công tác quy hoạch, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 91-KH/TU ngày 17/8/2018 của Tỉnh ủy “Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất , năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” Đề án số 05-ĐA/TU ngày 21/6/2018 về “Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII),tập trung thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu (Quy định số 1031QĐ-/TU ngày 22/9/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Quy định về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Quy định số 02-QĐi/TU ngày 05/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) đảm bảo thực chất nhằm nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động. Căn cứ vào kết quả quy hoạch cán bộ, tổ chức mở lớp cán bộ dự nguồn lãnh đạo của tỉnh; thực hiện công tác luân chuyển cán bộ theo Kế hoạch, để chủ động chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Thực hiện tốt các vấn đề nêu trên, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh sẽ đạt kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ làn thứ XI nhiệm kỳ 2020 -2025.

                                                                      Phúc Bình

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT