Thứ Bảy, 20 Tháng Tư, 2024

Quy định về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, trong đó có một số quy định mới về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình:
Để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 không chỉ quy định về việc phát hiện, báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà còn quy định các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; chẳng hạn như cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của Tòa án; chăm sóc, điều trị người bị bạo lực gia đình; trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với hành vi bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, Luật cũng quy định một số biện pháp đặc thù trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân (chương III), đó là: biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình (nhưng phải có một số điều kiện cụ thể, trong đó có yêu cầu được cách ly của chính nạn nhân bạo lực gia đình). Trong đó Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày; một số trường hợp khi tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình, tòa án có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trên cơ sở phải có yêu cầu của nạn nhân và một số điều kiện khác.
Thực tế hiện nay, một số trường hợp bạo lực gia đình gây hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của nạn nhân, nếu không có biện pháp cấm tiếp xúc để cách ly giữa họ thì sẽ có nguy cơ chuyển thành tội phạm và thậm chí đến mức án mạng có thể xảy ra. Vì vậy, cấm tiếp xúc là một trong giải pháp để bảo vệ nạn nhân, giảm thiểu hậu quả bạo lực gia đình, hạn chế tội phạm… Tuy nhiên, với nhiều điều kiện ràng buộc để ra quyết định cấm tiếp xúc, vì vậy chỉ một số ít vụ bạo lực gia đình áp dụng quyết định cấm tiếp xúc.
Về trợ giúp pháp lý và tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hoặc tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, người bị bạo lực gia đình được cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho người bị bạo lực gia đình.
Các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình được Luật quy định nhằm thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em mà người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình… Đó là địa chỉ tin cậy; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình.
* Về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình:
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và một số Bộ, ngành có liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 còn quy định rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế. Trong đó nội dung mới được bổ sung cho phù hợp và sát với yêu cầu thực tiễn là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế.
Trong đó Bộ Tư pháp được giao trách nhiệm phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, người thực hiện trợ giúp pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình; hướng dẫn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện báo cáo thống kê trường hợp người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Đặc biệt Luật đã quy định cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 46, bao gồm ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; thực hiện công tác thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình; đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo thẩm quyền tại địa phương; bố trí kinh phí, nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn quản lý; hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương./.
Nguồn: pbgdpl.gov.vn
spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT