Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

“Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!”[1] ​

(TG) – Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bản Tuyên ngôn lịch sử vừa là lời tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào, vừa là thông điệp đối ngoại với toàn thế giới về sự ra đời của một chính thể độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định đanh thép “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 

Ảnh: Báo Tuổi trẻ online

Từ Mùa Thu lịch sử ấy, 75 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết chí giành và giữ vững quyền tự do, độc lập, thống nhất đất nước. Không những thế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta còn tạo dựng cơ đồ, vị thế chưa từng có trong lịch sử nước nhà.

75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải lãnh đạo đất nước trong bối cảnh vô cùng gian khó. Về kinh tế, Chính phủ tiếp nhận một nền kinh tế đầy tàn tích thực dân, phong kiến và thấp kém. Quốc khố trống rỗng, dự trữ lương thực hầu như không có, nạn đói lại tiếp tục tái diễn[2]. Về xã hội, hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc…tràn lan. Về an ninh – chính trị, bọn phản động không từ mọi thủ đoạn phá hoại hòng lật đổ chính quyền cách mạng. Đất nước rơi vào tình thế “thù trong, giặc ngoài”. Trên cả nước còn hơn 6 vạn quân Nhật. Trong khi đó, quân Đồng Minh dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật lũ lượt tràn vào nước ta. Ở miền Bắc là 20 vạn quân Tưởng, ở miền Nam là quân Pháp theo chân quân Anh với mưu đồ cướp nước ta một lần nữa. Về đối ngoại, mặc dù Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định địa vị, chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới, song thực tiễn cho thấy, trong thời cuộc đầy phức tạp của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hầu như chưa thể có quan hệ ngoại giao chính thức với các quốc gia khác.

Trong bối cảnh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân vừa chống thù trong, giặc ngoài, vừa xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 06/01/1946, xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (năm 1946); tập trung chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, thực hành sách lược ngoại giao khôn khéo để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hậu quả chiến tranh chưa kịp hàn gắn, đất nước lại liên tiếp bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (Tây Nam, phía Bắc năm 1979). Các cuộc chiến đấu này tuy không kéo dài nhưng đã gây tổn thất to lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quan hệ đối ngoại. Trong khi đó, sau khi thống nhất đất nước, nguồn viện trợ không hoàn lại của quốc tế cho Việt Nam giảm hẳn và không còn; cùng với đó là chính sách thù địch, bao vây, cấm vận của Mỹ, đặt nước ta vào tình thế bị cô lập với thế giới. Các thế lực phản động ráo riết thực hiện các hoạt động phá hoại, âm mưu bạo loạn và lật đổ, kích động và chia rẽ hận thù dân tộc. Tình hình phức tạp nảy sinh sau chiến tranh cùng với những hậu quả chiến tranh chưa giải quyết xong đã tác động sâu sắc vào đời sống xã hội, tạo ra khủng hoảng kinh tế – xã hội ở nước ta những năm 1980. Cùng lúc đó, tình hình thế giới có nhiều biến đổi to lớn. Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, tạo nên cú sốc chính trị chấn động nhân loại. Một lần nữa, trước hoàn cảnh hiểm nghèo, Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh, chủ động khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên.

Trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, đầy biến động, Đảng đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam ổn định về chính trị, thành công trong đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ tình trạng khủng hoảng, trì trệ, gần 35 năm đổi mới đã tạo nên một Việt Nam năng động, phát triển, có vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn.

Về chính trị, Việt Nam luôn vững vàng trong mọi sóng gió của thời cuộc, là quốc gia có chế độ chính trị độc lập, có chủ quyền lãnh thổ và tự quyết định con đường phát triển của mình. Cách đây 75 năm, Tuyên ngôn độc lập đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau 30 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt tiến trình lịch sử 75 năm qua, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ. Thể chế, hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện. Đặc biệt, Đảng ta chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đồng thời, xác định đầy đủ hơn nền tảng tư tưởng của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới. Điều quan trọng cốt yếu là, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và dân tộc. Đồng thời, vị thế, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được tăng cường trên trường quốc tế, với sự thừa nhận và tôn trọng của các quốc gia với chế độ chính trị khác nhau.

ảnh tư liệu

Cùng với việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng có những bước tiến quan trọng.  Quốc hội đã có những bước đổi mới rõ nét, từ khâu bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động. Chính phủ có những thay đổi rõ rệt từ cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động. Hệ thống các cơ quan tư pháp đã có những bước cải tiến theo yêu cầu dân chủ và pháp quyền. Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn. Những đổi mới trong từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị và mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ xã hội. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã tạo những điều kiện và cơ hội quan trọng để người dân tham gia vào quá trình chính trị, các công việc nhà nước, thể hiện cả quyền, năng lực, trách nhiệm của mình trong xây dựng và thực thi dân chủ. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng.

Về kinh tế-xã hội, từ một nền kinh tế hầu như không có gì sau khi giành độc lập, trải qua nhiều biến cố, sau gần 35 năm kiên trì và dũng cảm thực hiện công cuộc đổi mới, đến nay, nền kinh tế nước ta không những thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng, kém phát triển, mà còn trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong giai đoạn 2011 – 2020, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt bình quân 6,8%/năm. Dự trữ ngoại hối tăng từ 12,4 tỉ USD năm 2010 lên trên 80 tỉ USD vào năm 2020.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên rõ rệt: Năm 2013 – 2014 nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, đứng thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2019 tăng 8 bậc so với năm 2015, xếp thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năng suất lao động được nâng lên rõ rệt, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8%/năm. Xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện, nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, quy trình quản lý công nghiệp hiện đại được áp dụng. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, thị trường được mở rộng. Một số ngành dịch vụ mới, chủ lực có giá trị gia tăng cao như khoa học – công nghệ, thiết kế công nghiệp, nghiên cứu thị trường, tài chính, ngân hàng, viễn thông… đã hình thành và từng bước phát triển. Việc phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có tiến bộ, tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.

Trên bình diện hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã chủ động và tích cực đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), có quan hệ thương mại với 224 đối tác, trong đó có hơn 70 nước là thị trường xuất khẩu của ta; có quan hệ với hơn 500 tổ chức quốc tế; 71 nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; các địa phương đã ký kết 420 thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam cũng có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á …

Sự phát triển của kinh tế đi đôi với đời sống nhân dân được cải thiện, không ngừng nâng cao. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD/người năm 2010 lên khoảng 3.000 USD/người năm 2020. Những năm gần đây, việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách xã hội đã nhanh chóng được bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo đảm các quyền cơ bản của con người phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và với các tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc giải quyết lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được chú trọng. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, toàn xã hội tham gia chăm sóc gia đình chính sách, người có công.

Đáng chú ý là, thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015) và xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Đồng thời, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Hàng nghìn hộ sản xuất kinh doanh ở các xã thuộc vùng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế từ nguồn vay vốn tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo. (Ảnh: TTXVN)

Về an ninh-quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới, có thể khẳng định, trong bối cảnh thế giới nảy sinh nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có đầy đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị – xã hội, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình để tập trung xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tích cực triển khai thực hiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước. Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN . (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đồng thời, tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng trung kiên bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, tấn công làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hoạt động cơ hội chính trị, các loại tội phạm hình sự; tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống và khắc phục thiên tai.

 Bên cạnh đó, đối ngoại quốc phòng, an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã có quan hệ hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Đến năm 2019, chúng ta đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam, trong đó 28 nước thường trú và 22 nước kiêm nhiệm. Quân đội đã cử 37 lượt sĩ quan và tổ chức 2 bệnh viện dã chiến cấp 2 (mỗi bệnh viện gồm 64 quân nhân) sang tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng.

Các chiến sĩ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, mặc dù tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, chúng ta đã khéo léo, kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, vừa bảo vệ được độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Trên bộ, chúng ta đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc với Trung Quốc, tăng dày, tôn tạo mốc giới với Lào,  hoàn thành 84% việc phân giới cắm mốc với Campuchia. Các lực lượng quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh bảo vệ quyền và chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Về văn hóa, với sự quan tâm của Đảng, văn hóa phát triển đa dạng, phong phú, dân tộc, khoa học, đại chúng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực phát triển đất nước. Nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đã có bước phát triển năng động, thích nghi với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhiều giá trị văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận và trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa với khu vực và quốc tế được mở rộng, từng bước phát triển theo chiều sâu, mang tính ổn định, bền vững, góp phần giới thiệu, quảng bá, tôn vinh văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Cùng với giao lưu văn hóa quốc tế, di sản văn hóa được coi trọng, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được đề cao, bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy. Văn hóa đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, dân chủ hóa đời sống xã hội, nâng cao tính năng động sáng tạo, tự chủ và tính tích cực xã hội của con người. Hoạt động thể dục, thể thao ngày càng được mở rộng, đạt nhiều thành tích cao của khu vực và thế giới, góp phần tăng cường niềm tự hào dân tộc, đoàn kết toàn dân.

Hệ thống thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt đời sống tinh thần nhân dân. Từ năm 1986 đến nay, lĩnh vực báo chí liên tục phát triển phong phú và đa dạng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao, thông tin kịp thời các hoạt động chính trị – xã hội, phản ánh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của nhân dân. Hiện nay, hệ thống báo chí đang được đẩy mạnh quy hoạch theo Đề án sắp xếp của Chính phủ. Lĩnh vực phát thanh – truyền hình có bước phát triển nhanh về kỹ thuật và công nghệ thông tin, năm 2019 có 72 đài phát thanh, đài truyền hình (cả địa phương và trung ương). Đến tháng 01/2020, có khoảng 68,17 triệu người Việt Nam sử dụng dịch vụ internet, vào loại cao so với khu vực.

Về y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác y tế có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân; từng bước thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân; chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao. Các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Mức hưởng thụ dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi kinh nghiệm.

Việt Nam cũng đã đạt được những thành tựu y học nổi bật, tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, Việt Nam được công nhận là một trong số ít quốc gia làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất vắcxin, như vắcxin cúm mùa 3 type được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa; ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch. Chúng ta cũng tiếp tục làm chủ, hoàn thiện đưa nhiều kỹ thuật y học đạt tầm thế giới, thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị. Việt Nam cũng là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ với việc thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, ho gà, bạch hầu…, là một trong năm nước đang phát triển có mức tử vong bà mẹ, trẻ em giảm nhanh nhất trên thế giới.

Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng, hiệu quả. Năng lực phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi được nâng cao. Kết quả là nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, đẩy lùi và thanh toán. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1; ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A/H7N9, Ebola, MERS-CoV… Việt Nam cũng triển khai được năng lực giám sát xét nghiệm rất tốt. Tất cả bệnh truyền nhiễm mới nổi đến nay, Việt Nam đều có khả năng xét nghiệm và phát hiện bệnh như MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9 hay COVID-19, v.v… Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm hoạt động hiệu quả từ giám sát cộng đồng, giám sát tại cửa khẩu, tại phòng xét nghiệm, tại vùng bất thường.

Bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương- Ảnh: Hải Phương

Về giáo dục – đào tạo, từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng có nhiều đổi mới, thể hiện ở sự phát triển rộng khắp mạng lưới các trường học, sự tăng nhanh quy mô giáo dục, những chuyển biến bước đầu về chất lượng giáo dục. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Quy mô sinh viên đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2011 – 2020 tă1ng khoảng 2,4%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tăng mạnh về số lượng, chất lượng và được chuẩn hóa, ngày càng đồng bộ về cơ cấu. Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. So với các nước, trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn hẳn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn.

Đáng chú ý, những năm gần đây, chất lượng giáo dục phổ thông nước ta trở thành tâm điểm nghiên cứu của thế giới. Giáo dục hướng nghiệp đã được quan tâm đổi mới về nội dung, đa dạng hóa các hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành, gắn với thực tiễn. Giáo dục mũi nhọn đã được chú trọng và tiếp tục đạt kết quả tốt. Học sinh Việt Nam khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn đứng ở vị trí tốp đầu. Tổng số Huy chương Vàng đạt được trong 5 năm qua tăng gần gấp đôi so với 5 năm trước đó. Từ năm 2016 – 2019, Việt Nam có 187 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đạt 146 giải (45 Huy chương Vàng, 60 Huy chương Bạc, 35 Huy chương Đồng và 6 Bằng khen). Hiện nay, chúng ta đang tích cực tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Về đối ngoại, với sự quan tâm dìu dắt và trực tiếp rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta được hình thành rõ nét và triển khai mạnh mẽ, phục vụ đắc lực mục tiêu cách mạng ở từng thời kỳ, góp phần vào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội VII của Đảng đã đề ra đường lối đối ngoại “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” với tinh thần “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội IX khẳng định tiếp tục “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Đại hội XI đưa ra chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đại hội XII khẳng định hoạt động đối ngoại lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng.

Về song phương, đến nay, Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ 7 nước G7 và 17/20 nước thành viên G20. Đáng chú ý, chúng ta đã thiết lập và nâng cấp nhiều mối quan hệ lên đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tổng số 30 quốc gia. Số lượng các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa. Quan hệ với các đối tác hàng đầu không chỉ phát triển mạnh trên kênh Nhà nước, mà còn được đẩy mạnh trên cả kênh Đảng với nhiều hoạt động cấp cao vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa có nhiều nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả.

Trên bình diện đa phương, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc (1977), và nhất là từ khi thực hiện đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, Việt Nam chủ động tham gia các tổ chức, diễn đàn đa phương ở khu vực và quốc tế, tiêu biểu là: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) năm 2007. Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ASEAN, duy trì và củng cố quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Cộng đồng ASEAN) và Hiến chương ASEAN; tham gia tích cực, có trách nhiệm với các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016, Ủy ban Kinh tế – xã hội Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2016 – 2018, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 – 2017, Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO). Đáng chú ý, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021 đều với số phiếu rất cao. Không chỉ tham gia các hoạt động đa phương đơn thuần, Việt Nam còn tích cực đóng góp để xây dựng, định hình các thể chế, luật lệ, chuẩn mực đa phương, đóng vai trò tích cực hơn trong các cơ chế quản trị toàn cầu và xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp với nhiều cơ chế, tổ chức, sáng kiến quốc tế. Trong nhiều lần làm chủ nhà các Hội nghị Cấp cao lớn (Cấp cao Pháp ngữ 1997; Cấp cao ASEAN 1998, 2010 và 2020; ASEM 2004; APEC 2006 và 2017), Việt Nam đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, ghi dấu ấn Việt Nam trong tiến trình phát triển của các tổ chức và diễn đàn nói trên. Không những thế, với uy tín cao, vị thế ngày càng gia tăng, Việt Nam còn đóng vai trò trung gian hòa giải, góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế (làm chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019). Các nước lớn ngày càng coi trọng vị thế của Việt Nam trong chiến lược ở khu vực và trên thế giới.

Đoàn Việt Nam khi Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố nước ta trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu cao gần tuyệt đối 192/193 phiếu

 75 năm trước, chỉ 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945. Người viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đây chính là ước nguyện cháy bỏng của Người, đại diện cho khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đi qua những chặng đường cách mạng muôn vàn khó khăn và thử thách, nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang.

Tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Cơ đồ và vị thế đó được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không tiếc máu xương xây dựng, vun đắp và củng cố với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ. Cơ đồ và vị thế đó không chỉ là những con số, những nhận định trong nước và quốc tế về “sức mạnh cứng”, “sức mạnh mềm” của Việt Nam. Hơn tất cả, cơ đồ và vị thế đó được thể hiện bằng NIỀM TIN. Đó là sự tự tin của toàn Đảng vào nền tảng tư tưởng và sức chiến đấu của một Đảng cách mạng được tôi luyện trong lửa đỏ. Đó là lòng tin của nhân dân vào vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và vào con đường tất yếu đi lên CNXH. Đó cũng là niềm tin của cộng đồng quốc tế vào một Việt Nam với chế độ chính trị ổn định, xã hội nhân văn, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với NIỀM TIN đó, với cơ đồ vững chắc và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục kiên định con đường xây dựng CNXH, tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn hơn nữa trên chặng đường ¼ thế kỷ sắp tới, hướng tới kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam)./.

TS. Lê Hải Bình/Tạp chí Tuyên giáo

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh


[1] Trích Lời chúc Tết xuân Canh Tý 2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

[2] Trong giai đoạn 1945 – 1975, kinh tế miền Nam phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ Mỹ nhưng hết sức yếu ớt, trống rỗng.

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT