Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

Võ Minh Thiện – Ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành

 

* Thành tích tiêu biểu: Năm 2014, anh được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là người khuyết tật vượt khó học giỏi.

Ý chí vươn lên của Võ Minh Thiện
Được sự giới thiệu của Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo huyện Châu Thành, tôi đến ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành tìm gặp anh Võ Minh Thiện (sinh năm 1990), một thanh niên khiếm thị, vượt khó vươn lên hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Tuy bị mù cả 02 mắt nhưng anh đã tự lực cánh sinh bằng nghề đánh đàn, có thể tự lo cho bản thân và gia đình có cuộc sống ổn định. Năm 2014, anh được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là người khuyết tật vượt khó học giỏi.
Anh Võ Minh Thiện là một thanh niên khiếm thị, vượt khó vươn lên hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Tuy bị mù cả 02 mắt nhưng anh đã tự lực cánh sinh bằng nghề đánh đàn, có thể tự lo cho bản thân và gia đình có cuộc sống ổn định. Năm 2014, anh được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là người khuyết tật vượt khó học giỏi.
Do gặp phải hoàn cảnh như thế nên từ năm 06 tuổi Minh Thiện theo học tại Trung tâm chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Trà Vinh, đến năm 11 tuổi (đã học hết lớp 4), Thiện được người quen giới thiệu và gia đình quyết định đưa anh đi TP. Hồ Chí Minh, theo học tại “Mái ấm bừng sáng” (Phường 4, Quận 10) dành cho người khiếm thị. Quá trình học tại đây, ngoài học văn hóa từ lớp 5 đến lớp 12, Thiện còn được học vi tính và năng khiếu. Thiện chia sẻ: Tùy theo năng khiếu và sở thích, mỗi người chọn một môn năng khiếu khác nhau để học như: đàn các loại, đan giỏ, đan len, kết cườm… Riêng tôi thích nhất là học đàn và biết sử dụng nhiều loại đàn khác nhau, trong đó giỏi nhất là đàn Organ. Tuy khiếm thị nhưng Thiện không những thạo đánh đàn mà Thiện còn học thêm vi tính và sử dụng thành thạo. Năm 2010, Thiện thi bằng A vi tính dành cho người khiếm thị tại trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh).
Do học giỏi, đàn hay nên đầu năm 2013, sau khi học xong văn hóa và nghề, trở về quê Thiện được lãnh đạo nơi anh theo học tặng cho cây đàn Organ để về lại địa phương có phương tiện làm kế sinh nhai, đảm bảo cuộc sống. Nhưng đó là đàn cũ, đến năm 2014, được Hội Bảo trợ Người khuyết tật, Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh Trà Vinh đầu tư vốn sinh kế 20 triệu đồng, có được tiền vay, Thiện liên hệ ngay lên TP. Hồ Chí Minh, nhờ mua cây đàn giá 21,5 triệu đồng, anh rất phấn khởi vì đây là mơ ước từ lâu.
Có cây đàn mới, Thiện phát huy được nghề đã học, đi đàn thuê cho quán ăn và theo dàn nhạc đám cưới, thu nhập khá ổn định, mỗi đêm đi đàn anh được trả 200.000 đồng (03 giờ), còn khi theo dàn nhạc trung bình mỗi buổi (04 giờ) anh được trả 300.000 đồng. Với tính tình vui vẻ, hòa đồng cộng với ngón đàn du dương, Thiện rất được nhiều người cảm mến, yêu thương, trong anh gần như không còn mặc cảm là người khiếm thị.
Thiện chia sẻ: Thời gian theo học tại “mái ấm”, tôi có điều kiện tiếp tục học chữ, học nghề và tham gia các khóa phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị, có cơ hội được tiếp xúc với những người cùng cảnh ngộ, học hỏi được nhiều điều hay từ những tấm gương người mù vượt khó để phấn đấu vượt lên chính mình. Quá trình học, Thiện đã làm quen và bén duyên với người bạn gái cùng cảnh ngộ quê tận Bình Phước, sau 02 năm về quê lập nghiệp, tích lũy, đầu năm 2015 hai bên gia đình đã đồng ý cho đôi lứa nên nghĩa vợ chồng. Ở cùng cha mẹ, tuy cuộc sống không dư giả nhưng Thiện đi đánh đàn cũng đủ trang trải. Vợ anh kết giỏ hạt cườm, mốc khóa và một số sản phẩm trang trí để bán.
Cùng với các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, chương trình giải quyết việc làm dành cho người kiếm thị đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tạo điều kiện cho người khiếm thị có cơ hội về việc làm phù hợp để tự tin vươn lên. Đối với Võ Minh Thiện, tuổi thơ bất hạnh khi mất đi ánh sáng đôi mắt tưởng chừng đã cướp đi cuộc sống nhưng với nghị lực phi thường, tình yêu cuộc sống đã thắp lại niềm tin trong cuộc đời, theo kịp với nhịp sống của thời đại. Minh Thiện đã vượt qua cảnh ngộ khó khăn tạo lập hạnh phúc, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, trở thành người có ích, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội đúng như câu nói tàn nhưng không phế. Anh xứng đáng được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, là tấm gương sáng cho không chỉ riêng cho người khuyết tật mà còn cho nhiều người trong xã hội.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
 

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT