Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN – Tháng 11/2018 – Lưu hành nội bộ

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam
Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Những người anh hùng vô danh”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.
Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.
Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.
Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.
Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.
Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước
Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng – thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học – công nghệ và kinh tế – văn hóa đóng vai trò quyết định. Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc… Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ  Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.
Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.
Trích: http://www.bqllang.gov.vn/
 
THEO DÒNG LỊCH SỬ
Những ngày đáng nhớ trong tháng 10
– 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.
– 09/11/1946: Quốc hội khóa I kỳ họp thứ hai thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
– 18/11/1930: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
– 20/11/1982: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
– 23/11/1940: Kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.
– 23/11/1946: Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.
CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI
Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn số 10/2018, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên, thanh niên, các tổ chức Đoàn về một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2018
Tăng mức trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ
Đây là nội dung của Thông tư 138/2018/TT-BQP hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, từ ngày 01/7/2018, mức trợ cấp hàng tháng với các đối tượng nêu trên được tăng thêm 6,92% trên mức trợ cấp của tháng 6. Cụ thể, mức trợ cấp mới như sau:
– Thời gian công tác từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp là 1,764 triệu đồng/tháng
– Thời gian công tác từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp là 1,844 triệu đồng/tháng;
– Thời gian công tác từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp là 1,925 triệu đồng/tháng;
– Thời gian công tác từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp là 2,005 triệu đồng/tháng;
– Thời gian công tác từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp là 2,085 triệu đồng/tháng.
Thông tư 138/2018/TT-BQP của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 14/10/2018.
Mua thuốc cho con không còn phải khai số CMND
Đây là nội dung nổi bật nhất tại Thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi Thông tư 52/2017/TT-BYT  về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.
Cụ thể, trước đây, Thông tư 52/2017/TT-BYT yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
Nay, Thông tư mới đã bỏ quy định trên đơn thuốc phải ghi số CMND hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Dùng tay trần bán thức ăn: Phạt đến 1 triệu đồng
Từ ngày 20/10/2018, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, Nghị định quy định:
– Phạt 500.000 đồng – 01 triệu đồng với người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay (trước đây chỉ phạt từ 300.000 đồng – 500.000 đồng)…
– Phạt 01 – 03 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…
– Phạt 5 – 10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/10/2018.
Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế
Thông tin quan trọng này được thể hiện tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định này bổ sung thêm một số trường hợp bị tinh giản biên chế gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
– Những người đã là cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền điều động sang công tác tại các hội được giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương…
Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định: Khi thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng, người đã hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận. Nếu người đó đã mất thì số kinh phí này sẽ do cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp người đó sử dụng kinh phí thường xuyên để thanh toán, ngân sách Nhà nước không bổ sung kinh phí.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Cấm cán bộ, công chức dùng xe công đi lễ hội
Quy định này đã được đưa vào Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Cụ thể, Chính phủ quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không được đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công để tham gia lễ hội.
Với người dân nói chung, khi tham gia lễ hội phải mặc trang phục, phù hợp với thuần phong mỹ tục, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh gây ảnh hướng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội.
Ngoài ra, việc thắp hương, đốt vàng mã phải đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường…
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn
Nhằm siết chặt các hoạt động tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, tránh phô trương, lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2018/NĐ-CP.
Tại Nghị định này, Chính phủ nhấn mạnh:
– Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Vào các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…
– Không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm;
– Chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.
Thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật
Đó là một nội dung nằm trong quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 09/2018/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, khi trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS phải đảm bảo một số nguyên tắc như: Bảo đảm sự tham gia của trẻ em; Không kỳ thị, không phân biệt đối xử; Bảo mật thông tin cho trẻ em.
Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thực hiện kế hoạch trợ giúp với nội dung:
– Tư vấn cho gia đình của trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về chăm sóc trẻ em tại gia đình, giới thiệu trẻ em và gia đình tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp;
– Chuyển tuyến, kết nối với các cơ quan, đơn vị chức năng hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục tư vấn, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, cơ sở dịch vụ bảo vệ trẻ em, các gia đình chăm sóc thay thế;
– Kịp thời trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan;
– Có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khỏi bị xâm hại.
Thông tư này có hiệu lực từ 15/10/2018.
Không có tài sản đảm bảo, nông dân vẫn được vay đến 200 triệu
Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ có hiệu lực từ ngày 25/10/2018.
Điểm đáng chú ý của Nghị định này là tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể như sau:
– Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 200 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng);
– Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh về nông nghiệ được vay ngân hàng không cần có tài sản đảm bảo tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng)…
Trích https://luatvietnam.vn
GƯƠNG THANH NIÊN LÀM KINH TẾ GIỎI
Thanh niên 9X thu lãi trăm triệu đồng từ tre điền trúc
Với 70 bụi tre điền trúc trồng trên diện tích đất 1.500 m2, mỗi năm Nguyễn Văn Tú (28 tuổi, ngụ ấp Kênh Xáng, xã Mỹ Thuận, H.Bình Tân, Vĩnh Long) thu lãi hơn 250 triệu đồng
Anh Tú kể trước kia anh chuyên trồng các loại rau màu như: ngò gai, dưa hấu, dưa leo, khổ qua… nhưng thu nhập bấp bênh, cuộc sống gia đình khó khăn. Không bằng lòng với thực tại, anh đi các nơi tham quan học hỏi những mô hình hiệu quả. Nhận thấy trồng tre điền trúc lấy măng có nhiều triển vọng, năm 2012 anh bắt tay vào trồng.

Nhờ trồng tre điền trúc lấy măng có hiệu quả, cuộc sống của anh Tú khấm khá hơn
Với 1.500m2 đất nhà, Tú trồng được 70 bụi tre điền trúc, mỗi bụi từ 8 – 10 cây. Trước khi trồng, anh chuẩn bị đất rất sạch, đánh hộc và bón phân bên dưới. Nhờ thích hợp thổ nhưỡng, tre phát triển nhanh và tốt. Sau 18 tháng trồng, măng tre mọc lên liên tục, thu hoạch quanh năm. Bình quân mỗi ngày Tú thu hoạch từ 50 – 70 mục măng, mỗi mục nặng 1,2 – 1,4 kg. Giá bán mùa thuận (tháng 2 – tháng 6) là 20.000 đồng/kg, mùa nghịch khoảng 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Tú thu lãi từ 20 – 25 triệu đồng.
Theo anh Tú, tre điền trúc dễ trồng, chi phí đầu tư thấp và nhẹ công chăm sóc nên lãi cao. Măng tre điền trúc thơm, ngon khi chế biến nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều thương lái tìm đến tận vườn thu mua. “Trồng tre điền trúc lấy măng hiệu quả cao hơn nhiều so với một số rau màu, cây ăn trái khác. Điều quan trọng là không phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên không lo bị ép giá hay dội hàng ảo. Vì vậy, đã có nhiều thanh niên các nơi đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình của tôi”, Tú chia sẻ.
Cái hay của Tú là đã tận dụng thân của những cây tre già để làm giàn trồng các loại rau màu như: khổ qua, bầu, bí…; số còn lại anh bán lại cho người có nhu cầu trồng trọt. Tận dụng đất trống giữa các bụi tre, Tú trồng xen 60 gốc dừa xiêm và ngò gai, mỗi tháng có thêm thu nhập gần 10 triệu đồng. Theo Tú, trồng dừa xiêm xanh, ngò gai giữa các bụi tre rất có lợi vì tận dụng tối đa diện tích đất.
Theo tính toán của Tú, tuổi thọ của tre điền trúc từ 8 – 10 năm. Vì vậy, Tú đã chuẩn bị phương án chiết cây để thay thế cho số tre cằn cỗi cho măng nhỏ, chất lượng kém. Sắp tới, anh sẽ mở rộng thêm công đất để trồng tre điền trúc.
Ông Nguyễn Đông Xuân, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Kênh Xáng, nhận xét: “Làm giàu ở nông thôn thì có nhiều cách, nhưng làm giàu từ mô hình trồng tre điền trúc lấy măng để bán như Tú thì quả là “độc chiêu”, thu nhập cao lại không “đụng hàng” và có tiền xài quanh năm”.
Với mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao và hết lòng hướng dẫn kỹ thuật cho những thanh niên có nhu cầu, Tú đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Đặc biệt, năm 2018, anh được Hội LHTN Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đề nghị Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.
Trích http://thanhgiong.vn/
CÂU CHUYỆN ĐẸP
Thầy giáo dạy vẽ truyền tải lịch sử qua hình ảnh chibi 
Biến giờ dạy vẽ của mình thành tiết học lịch sử qua các hình ảnh chibi, thầy giáo mỹ thuật Nguyễn Việt Thắng – Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương đã kể cho học trò nghe về các tấm gương anh hùng cách mạng, về lịch sử hào hùng của dân tộc một cách tự nhiên, sáng tạo và không còn khô khan như trong những cuốn giáo trình.
Thầy giáo Nguyễn Việt Thắng sinh năm 1987, tốt nghiệp cử nhân đồ họa, hiện đang công tác tại Phòng Nghiệp vụ, Nhà Thiếu nhi Bình Dương.
Trong quá trình thực hiện clip minh họa về các tấm gương anh hùng trẻ tuổi cho chương trình Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Bình Dương lần thứ XXI – năm 2018, thầy giáo mỹ thuật sinh 8x Nguyễn Việt Thắng nhận thấy các hình ảnh, tư liệu về các anh hùng còn nhiều hạn chế, chủ yếu chỉ là những hình tư liệu đen trắng. Từ đó, anh Thắng nảy ra ý nghĩ nhất định khi có thời gian sẽ phác họa lại hình ảnh các anh hùng nhưng theo phong cách chibi sinh động, gần gũi hơn với thiếu nhi (vẽ chibi là phong cách vẽ biến tấu nhân vật trong tranh thành người tí hon tròn trĩnh, đáng yêu).

Thầy giáo Nguyễn Việt Thắng – tác giả bộ ảnh chibi về cách anh hùng cách mạng
Nhân vật đầu tiên mà thầy giáo Thắng bắt tay vào vẽ là nữ anh hùng Võ Thị Sáu, sau đó là anh Kim Đồng… Những tác phẩm vẽ chibi được in ra và đưa tới lớp học vẽ của các em thiếu nhi Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình Dương.
Các học trò tỏ ra rất thích thú với cách tạo hình theo phong cách chibi, tuy nhiên, đa số các em lại không hề biết các nhân vật này. Từ đây, những trăn trở lại tiếp tục đặt ra, thôi thúc thầy giáo 8x tiếp tục hoàn chỉnh các sản phảm chibi của mình không chỉ có hình vẽ, mà còn cung cấp thêm thông tin, tiểu sử và các bài hát ca ngợi tấm gương dũng cảm, sự hy sinh bất khuất của các anh hùng cách mạng cho hòa bình của Tổ quốc.
“Quá trình thực hiện tác phẩm của tôi bắt đầu bằng việc tìm thông tin, tư liệu trên mạng, tôi đọc rất nhiều, sau đó tưởng tượng và hình dung về nhân vật mình sắp vẽ như, trang phục, bối cảnh, biểu cảm… Sau khi có ý tưởng, tôi phác thảo ra giấy và vẽ lại bằng phần mềm photoshop. Khó khăn nhất trong lúc vẽ, đó là việc tìm thông tin trên mạng, có nhiều nguồn thông tin nhưng việc kiểm duyệt và xác minh các thông tin từ nguồn tin chính thống để cung cấp cộng đồng là cả một bài toán khó, đòi hỏi bản thân phải tìm đọc, nghiên cứu, thăm hỏi ý kiến, góp ý từ nhiều nguồn và các thế hệ anh chị đi trước”, – anh Thắng chia sẻ

Một số tác phẩm chibi của thầy giáo Nguyễn Việt Thắng
Với kỳ vọng các tác phẩm chibi sẽ là dụng cụ trực quan sinh động, truyền thêm cảm hứng với bộ môn hội họa và hy vọng sẽ giúp các em thiếu nhi yêu thích lịch sử nước nhà hơn, thầy giáo Nguyễn Việt Thắng vẫn miệt mài, tâm huyết để tạo ra được nhiều hơn, đa dạng hơn về nội dung và hình thức của mỗi sản phẩm về các tấm gương anh hùng Việt Nam.
Mong muốn của thầy giáo mỹ thuật sau khi hoàn thành bộ ảnh chibi về các Anh hùng Việt Nam sẽ được in ra các ấn phẩm, các poster tuyên truyền, hoặc có thể in theo dạng sổ tay cho các bạn thiếu nhi, các bạn Đội viên tham khảo, qua đó tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, xây dựng niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước cho thế hệ măng non. Hiện tại bộ ảnh đã được hơn 20 nhân vật, vẫn và đang được anh miệt mài, đặt trọn tâm huyết hoàn thành mỗi ngày.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Việt Thắng đã biến giờ dạy vẽ của mình thành những tiết học lịch sử lý thú, không còn những trang sách khô khan mà thay vào đó thầy Thắng đã kể cho học trò nghe về các tấm gương anh hùng cách mạng, lịch sử đấu tranh kiên cường của cha ông và bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc và yêu nước của thế hệ trẻ.
Được biết, không chỉ dừng lại ở việc thực hiện các sản phẩm chibi về các Anh hùng Việt Nam, hiện anh Thắng đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm chibi giới thiệu về các Địa chỉ đỏ, di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương với mong muốn tuyên truyền quảng bá giá trị di tích văn hóa, lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh.
BÀI HÁT THANH NIÊN
Áo xanh nắng mới
Sáng tác: Nguyễn Văn Chung
Hàng ngàn chiếc áo xanh tình nguyện lung linh màu nắng lấp lánh nụ cười
Hàng ngàn những trái tim tuyệt vời yêu thương sẻ chia nhân đôi hạnh phúc
Vì đời là những cuộc hành trình, mọi người tìm thấy cho riêng mình
Tuổi trẻ là sống cho riêng bản thân hay ta phải sống vì mọi người
Ta đi thôi, ta đi thôi ta đi trao thêm những niềm vui
Nơi nông thôn nơi non cao ta thanh niên ngại gì gian khó
Hàng ngàn chiếc áo xanh tình nguyện lung linh màu nắng lấp lánh nụ cười
Hàng ngàn những trái tim tuyệt vời yêu thương sẻ chia nhân đôi hạnh phúc
Những mái ấm trẻ thơ đến trường những con đường mới những chiếc cầu qua
Đoàn thanh niên chúng ta một lòng chung tay cùng nhau đi xây đời mới
Vì đời là những cuộc hành trình, mọi người tìm thấy cho riêng mình
Tuổi trẻ là sống cho riêng bản thân hay ta phải sống vì mọi người
Ta đi thôi, ta đi thôi ta đi trao thêm những niềm vui
Nơi nông thôn nơi non cao ta thanh niên ngại gì gian khó
Hàng ngàn chiếc áo xanh tình nguyện lung linh màu nắng lấp lánh nụ cười
Hàng ngàn những trái tim tuyệt vời yêu thương sẻ chia nhân đôi hạnh phúc
Những mái ấm trẻ thơ đến trường những con đường mới những chiếc cầu qua
Đoàn thanh niên chúng ta một lòng chung tay cùng nhau đi xây đời mới
Hàng ngàn chiếc áo xanh tình nguyện lung linh màu nắng lấp lánh nụ cười
Hàng ngàn những trái tim tuyệt vời yêu thương sẻ chia nhân đôi hạnh phúc
Những mái ấm trẻ thơ đến trường những con đường mới những chiếc cầu qua
Đoàn thanh niên chúng ta một lòng chung tay cùng nhau đi xây đời mới
Những mái ấm trẻ thơ đến trường những con đường mới những chiếc cầu qua
Đoàn thanh niên chúng ta một lòng chung tay cùng nhau đi xây đời mới