Anh Nguyễn Chí Thuần sinh năm 1989 tại ấp Dinh An, xã An Phú Tân sống trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, anh tham gia vào lực lượng Dân quân tự vệ năm 2008. Qua quá trình công tác, rèn luyện, phấn đấu anh được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 2014 và đến năm 2015 anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi đoàn ấp Dinh An cho đến nay.
Sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn, gia đình sống bằng nghề nông nghiệp, trước đây gia đình anh có 10.000m2 đất ruộng chuyên trồng lúa nước nhưng mấy năm gần đây tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp nên anh đã mạnh dạn chuyển đổi 6.000m2 công đất ruộng lên liếp trồng cây ăn trái, nhận thấy tiềm năng và lợi thế của việc tận dụng đất vườn để trồng xen cỏ nuôi bò. Bản thân được các cấp bộ Đoàn và địa phương cho tham quan học hỏi nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, có hiệu quả cao trong đó có mô hình “Nuôi bò sinh sản”. Năm 2015, anh đã học hỏi kinh nghiệm đầu tư xâydựng 01 chuồng ngủ và 01 chuồng ăn với diện tích gần 20m2 tổng kinh phí xây dựng là 10 triệu đồng, anh đã mua hai con bò cái về nuôi với tổng số tiền là 30 triệu đồng. Sau hơn 01 năm chăm sóc bò đã sinh ra 02 con bê đầu tiên, mục tiêu của anh là “Bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực thì nuôi vỗ béo bán thịt để trang trải cuộc sống gia đình và đầu tư mở rộng chuồng trại”. Đến giữa năm 2018, anh mở rộng quy mô chăn nuôi với không gian chăn thả hơn 2.000m2 và 02 chuồng ngủ khoảng 30m2. Năm 2019, anh tranh thủ nguồn vốn của tổ chức Đoàn hỗ trợ thanh niên sản xuất kinh doanh, anh vận động đoàn viên thanh niên địa phương thành lập Tổ hợp tác gồm 04 thành viên do anh làm Tổ trưởng và lập Dự án “Nuôi bò sinh sản” để tiếp cận nguồn vốn vay, đến quí IV/2019 thì Dự án được giải ngân với mỗi thành viên là 50 triệu đồng. Anh đã tập trung đầu tư mua thêm 02 con bò cái sinh sản về nuôi để tăng đàn và thu thêm lợi nhuận, phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh hiện có 10 con (Trong đó có 05 con bò cái và 05 con bò đực), trị giá trên 250 triệu đồng.
Anh Thuần cho biết, mô hình “Nuôi bò sinh sản” của gia đình mang lại hiệu quả cao là nhờ tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, vừa có môi trường chăn thả rộng giúp bò có thể tăng trưởng, phát triển tốt. Khi đàn bò tăng về số lượng, để chủ động nguồn thức ăn anh trồng thêm 2.000m2 cỏ vôi, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, thân cây bắp, đậu phộng, cám,… bổ sung thêm nguồn thức ăn và dự trữ. Trong quá trình chăn nuôi, anh đã tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò, đồng thời tích cực học hỏi các kinh nghiệm trên sách báo, ti vi, việc phòng dịch bệnh theo mùa và định kỳ được gia đình thực hiện nghiêm túc nên đàn bò của tôi luôn khỏe mạnh, mỗi năm sinh sản thêm từ 04 – 06 con nghé, thu nhập bình quân từ 50 – 70 triệu đồng/năm. Thông qua mô hình nuôi bò sinh sản, gia đình anh đã cải thiện được cuộc sống, thu nhập khá. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mang tính bền vững, bản thân anh mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để nhiều Đoàn viên thanh niên địa phương được tiếp cận vốn vay ưu đãi và kỹ thuật chăn nuôi để góp phần tham gia phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và làm giàu chính đáng.
Là một Bí thư chi Đoàn, anh luôn học tập, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành một cán bộ Đoàn gương mẫu, có phẩm chất đạo đức, có lối sống trong sạch lành mạnh và luôn phấn đấu phát triển kinh tế gia đình. Anh luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Đoàn được các ban ngành và chính quyền địa phương tín nhiệm, anh tham gia vào “Đội thanh niên tình nguyện” và “Câu lạc bộ hiến máu nhân đạo” của xã,… Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bản thân anh luôn tham gia tốt các phong trào của Đoàn như: Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, hiến máu nhân đạo, xung kích phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, thứ 7 tình nguyện, chủ nhật xanh,…
Thúy Huỳnh (Huyện đoàn Cầu Kè)