Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn đang có sưu hướng tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy việc tăng cường các giải pháp thiết thực nhằm kéo giảm tai nạn giao thông ở khu vực này đang được các cấp, các ngành và địa phương hết sức quan tâm. Trong đó, phải kể đến mô hình “Thắp sáng đường quê” đây là một trong những mô hình của tổ chức đoàn được triển khai hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực trong xây dựng nông thôn mới.
Vài năm trước đây, ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn trên địa bàn của tỉnh Trà Vinh, việc đi lại của bà con nhân dân là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, hiện mọi chuyện đã khác bởi nơi đây đã có đường, sau đó là những con đường có ánh đèn. Nhờ đó, người dân không còn phải lo về chuyện mất an toàn vào đêm tối trong những ngày đi sớm về khuya. Ánh điện từ những công trình thanh niên đã giúp nhân dân lưu thông vào buổi tối thuận tiện hơn, hạn chế tai nạn giao thông, trẻ em vui đùa, người lớn đi bộ tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, mô hình này còn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trên địa bàn.
Công trình “Thanh niên thắp sáng đường quê” là một trong những công trình trọng điểm được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chọn làm công trình thanh niên cấp tỉnh, theo đó các cấp bộ đoàn trong tỉnh cũng hưởng ứng và đăng ký làm công trình thanh niên các cấp. Với hình thức tuyên truyền, vận động, phối hợp các chi bộ ấp, người có uy tín tại địa phương để từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong khu dân cư cùng tham gia, đóng góp thực hiện vì lợi ích, ý nghĩa của công trình mang lại. Đoàn thanh niên với vai trò nòng cốt, vừa hỗ trợ một phần kinh phí vừa trực tiếp lắp đặt, bảo trì, sửa chữa. Đồng thời tích cực vận động nguồn tài trợ từ các đơn vị kinh doanh, cá nhân, tổ chức trên địa bàn và người dân cùng chung tay góp sức mang ánh sáng về trên mọi nẻo đường quê. Theo đó, trung bình mỗi hộ dân đóng góp 100-150 ngàn đồng; những gia đình neo đơn, thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được miễn hoặc giảm 50% chi phí; nhiều gia đình kinh tế khá có lúc hỗ trợ gấp nhiều lần. Hằng tháng, mỗi hộ còn tự nguyện đóng thêm từ 10-30 ngàn đồng gồm tiền điện thắp sáng và sửa chữa khi bóng đèn bị hư hỏng.
Hoạt động được triển khai vào các tháng cao điểm như Tháng thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè…. Hình ảnh màu áo xanh tình nguyện của đoàn viên thanh niên miệt mài kéo dây, lắp bóng đèn, mang ánh sáng về từng con đường đã ghi dấu trong lòng người dân. Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn không ngừng sáng tạo, nghiên cứu học hỏi để đem công nghệ thông tin ứng dụng vào thực tế. Nhờ vậy, toàn bộ hệ thống chiếu sáng được điều khiển hoàn toàn bằng các thiết bị tự động, đèn tự động bật khi trời tối và tự động tắt khi trời sáng, góp phần tiết kiệm điện năng và giảm sức lao động, công quản lý đèn đường. Tính từ đầu nhiệm kỳ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện và đưa vào sử dụng với chiều dài 276 km, trị giá 6,02 tỷ đồng.
Những công trình Thanh niên “thắp sáng đường quê” đã đem lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn trong tỉnh. Với những lợi ích thiết thực, mô hình này đã góp phần chung tay cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ban Phong trào Tỉnh đoàn