TTO – Sau khi kêu gọi hỗ trợ người cha bắt rắn đóng học phí cho con, Facebook của Nguyễn Đỗ Trúc Phương (27 tuổi, TP.HCM) đã trở thành nơi mọi người gửi gắm, chia sẻ yêu thương đến những hoàn cảnh bất hạnh.
Với tôi, mọi sự tùy duyên. Tôi thường ưu ái giúp các cụ già nhiều hơn. Người già, tàn tật nhưng vẫn cố gắng để mưu sinh, tôi rất thương. Thường thì giúp họ qua cơn ngặt nghèo, sau đó giúp cái “cần câu” để họ tiếp tục sống
NGUYỄN ĐỖ TRÚC PHƯƠNG
Không quản nắng mưa, Phương tìm đến những góc phố nghèo, con hẻm nhếch nhác, gửi chút tấm lòng thảo thơm từ sự đóng góp của hàng ngàn người trên thế giới mạng để giúp các cụ già, em nhỏ.
Thương những mưu sinh của người già
12 giờ trưa, cô gái lặn lội đến căn nhà thuê của gia đình ông Phương, nằm trong hẻm nhỏ ở huyện Bình Chánh (TP.HCM). Khác với vẻ thời thượng ở các khung hình đăng trên Facebook, Phương mộc mạc với quần tây, áo thun, giày thể thao, gương mặt không chút phấn son hồ hởi nói chuyện với chú.
Đây là lần thứ ba trong vòng hai ngày, cô có mặt ở căn phòng trọ của gia đình ông Phương. Ông bà đã lớn tuổi, ông bị mù, chỉ có thể ngồi một chỗ do di chứng của đợt tai biến. Chỉ người vợ mưu sinh từ chiếc xe đẩy bán nước, nuôi ba đứa cháu ngoại.
Quà hôm nay Phương mang đến nào là chiếc giường sắt mới, tủ đồ mới rồi cô ngồi trò chuyện, hỏi thăm bệnh tình của ông và các khoản nợ nần… Mọi người như đã thân quen bởi sự giản dị, thiệt tình của Phương.
“Nợ nhiều vậy hả ngoại? Chiều ngoại gọi chủ nợ đến, con gửi tiền trả. Cho con gặp cả chủ nhà nữa. Con đóng cho nhà mình một năm tiền nhà”, cô nói.
Phương nhẩm tính những việc sẽ làm trong buổi chiều: đi tìm chỗ đóng cái tủ gắn trên xe nước để vợ ông Phương bán thêm card điện thoại. Sau đó sẽ mua điện thoại cho bé út, xe máy cho chị lớn chở nước sâm phụ bà bán hàng. Số tiền còn lại cô làm thẻ ngân hàng, gửi tiền vào đó cho gia đình ông Phương.
“Tôi không đưa tiền trực tiếp mà tới khảo sát hoàn cảnh xem họ cần gì. Có người muốn sửa nhà, người thì cần tủ bán hàng, xe máy để chạy xe ôm… Với hầu hết các cụ già ở trọ, tôi sẽ gặp chủ nhà để đóng trước một năm tiền thuê nhà”, Phương nói về cách giúp đỡ mọi người.
Từ Úc trở về từ cuối năm 2019 đến giờ, công việc kinh doanh của gia đình gián đoạn vì Covid-19 nhưng lại là những ngày Trúc Phương bận rộn nhất.
“Sáng nào dậy thấy thông báo Facebook quá trời là biết ngay có người đang cần giúp đỡ. Mọi người tag tên tôi vào nhiều trang, những trang mà cộng đồng hay chia sẻ để giúp đỡ trường hợp khó khăn”, Phương nói về cuộc sống của mình hơn nửa năm qua.
Tiền thì mai kiếm cũng được
Người theo dõi Facebook của Phương đã quen với hình ảnh cô vui vẻ dẫn các cụ già vào siêu thị mua sắm.
“Siêu thị như một nơi có tất cả mọi thứ cần cho cuộc sống hằng ngày. Có nhiều cụ già chạy xe ôm, bán hàng rong ngoài đường chẳng bao giờ dám vào siêu thị, càng không có được niềm vui mua hàng mà không phải nhìn giá tiền, đắn đo xem nên mua hay thôi.
Thế nên tôi muốn một lần trong đời, các cụ được mua sắm, thích gì mua nấy. Người chọn dép, mua gạo, mắm muối, bột giặt, người mua nồi niêu, xoong chảo…”, cô kể với đôi mắt lấp lánh.
Ngoài “chuyện lớn” như sửa nhà, mua xe, điện thoại…, cô cũng thích làm những việc nho nhỏ, đem lại niềm vui cho các cụ.
“Như khi đến nhà ông Phương lần đầu, mọi người đi hết rồi. Thấy xung quanh im ắng quá trời nên tôi nghĩ có thể ông sẽ thích một cái radio vì ông không xem tivi, điện thoại được. Mình vừa hỏi là ông nói ngay rất ưng. Ông ao ước có cái radio nghe chương trình phát thanh cho đỡ buồn. Thế là mua”, Phương kể.
Cứ thế, những cái tên “người lạ thành quen” cứ nối tiếp nhau: ông Chánh bán kem, chú Minh “cô đơn”, chú Lập bảo vệ, chú Thành xe ôm, bé Phúc bán bắp…
“Mẹ tôi lo lắng hỏi nhắm làm vầy được đến bao giờ. Người trẻ ở tuổi tôi ai cũng lo làm ăn, vun vén sự nghiệp. Nhưng tôi cứ làm thôi. Tiền mai có thể kiếm được. Còn nhiều người đang quá khó khăn, họ chẳng chờ được mình đến ngày mai”, cô tâm sự.
Với Phương, việc được mọi người tin tưởng, gửi gắm cũng là cái duyên: “Đâu phải ai lên Facebook kêu gọi giúp đỡ cũng được mọi người ủng hộ hết lòng.
Đa phần các trường hợp cần giúp đỡ, tôi đi xác minh, viết bài xin phép được quyên góp thì chỉ trong một ngày hoặc một đêm là đủ. Người một vài trăm ngàn nhưng góp lại thành vài chục triệu, cả trăm triệu đồng. Vậy là đủ biết mọi người tin tưởng, tiếp sức với mình”.
Xe ba gác in tên Minh “cô đơn” và Trúc Phương
Phương kể cô đặc biệt cảm kích câu chuyện nghĩa hiệp của ông chú Minh “cô đơn” hay còn được biết đến với cái tên Minh “hiệp sĩ”, sống một mình ở Làng đại học Thủ Đức (TP.HCM). Ông thường xuyên chở đồ miễn phí giúp sinh viên và người khó khăn nhưng bị kẻ xấu đốt lều và lấy mất chiếc xe ba gác.
Mọi người chia sẻ câu chuyện ông chú và Trúc Phương đã vận động quyên góp để mua tặng ông xe ba gác mới. Biết Phương đã giúp đỡ nhiều cụ già, trên chiếc xe mới ông Minh đã in một cái biển “Minh cô đơn – Trúc Phương”.
“Một người không cần đến tiền. Có bao nhiêu là cho hết. Chú Minh làm mình bất ngờ lắm. Chú là người cho đi mà không cần nhận lại gì cả”, Phương chia sẻ.
VŨ THỦY