“Chúng tôi luôn tâm niệm, Bác Hồ đang đi vắng. Chúng tôi thay mặt Người tiếp đón đồng bào và bạn bè quốc tế đến thăm. Với vinh dự ấy, mỗi cán bộ, nhân viên công tác nơi đây đều không ngừng nỗ lực để làm tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của Người. Để mỗi khi nhớ về Bác, lòng ta thêm trong sáng hơn”, Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Cù Thị Minh chia sẻ.
|
||
Những người kể chuyện Bác Hồ Nằm trong khuôn viên rộng 14,7ha, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Di tích Phủ Chủ tịch) được bảo tồn gần như nguyên vẹn với khoảng 4.000 di tích bất động sản, tài liệu, hiện vật gốc cùng môi trường cảnh quan. Nơi đây, mỗi năm có từ 2,5 đến 2,7 triệu lượt đồng bào và bạn bè quốc tế tới viếng thăm, thể hiện niềm ngưỡng vọng dành cho lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đón tiếp, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc cho lượng du khách rất lớn ấy là 14 cán bộ, nhân viên Phòng Tuyên truyền – Giáo dục thuộc Di tích Phủ Chủ tịch. Với họ, đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà còn là tình cảm thiêng liêng nhất dành cho Người. Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục Cù Thị Minh cho biết: Di tích Phủ Chủ tịch là điểm tham quan hàng đầu của Thủ đô và cả nước nên công tác hướng dẫn, đón tiếp khách nơi đây chưa khi nào hết bận rộn. Vào dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm, dòng người về thăm viếng di tích có khi tới 40.000 lượt người khiến chúng tôi phải tăng ca, làm việc thông trưa dưới điều kiện hoạt động ngoài trời khi nóng bức, lúc mưa, lạnh. Tuy vậy, ai cũng cảm thấy tự hào, vinh dự được đứng tại nơi đây, đón tiếp khách của Bác tới thăm. Cũng chính bởi vậy, giữ giọng ổn định, truyền cảm… là một trong những thách thức với người làm công tác hướng dẫn tại Di tích Phủ Chủ tịch bởi cường độ làm việc lớn, môi trường làm việc khắc nghiệt, di chuyển liên tục, dễ làm ảnh hưởng tới thanh quản và giọng nói. Một yêu cầu cấp thiết cũng là thách thức lớn hơn với họ là việc thay đổi bài thuyết minh cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận, phần việc khiến các hướng dẫn viên thường xuyên phải làm việc thâu đêm để sưu tầm tài liệu, soạn thảo khung thuyết minh cũng như không ngừng học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ đồng nghiệp. “Khối lượng khách lớn, đa dạng, đủ mọi giới, mọi tầng lớp; rồi thời gian của mỗi đoàn khách khác nhau, nên chúng tôi luôn phải chủ động để bảo đảm dung lượng thông tin cũng như những câu chuyện dẫn dắt sinh động, đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu về cuộc đời giản dị, sự nghiệp cách mạng cao cả của Bác”, Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục Cù Thị Minh chia sẻ. Sẵn sàng đón tiếp khách trước giờ di tích mở cửa, ra về sau khi người khách cuối cùng rời khỏi; làm việc ngày nghỉ, lễ Tết là đặc thù công việc khiến những người làm công tác hướng dẫn tại Di tích Phủ Chủ tịch phải hy sinh rất nhiều. Chị Phan Thị Hoài, người có 10 năm làm hướng dẫn viên tại đây chia sẻ: “Chồng tôi là bộ đội, đóng quân ở xa. Để bảo đảm nhiệm vụ, tôi thường đưa con đến trường từ trước giờ mở cửa. Cháu ngoan và hiểu công việc của mẹ nên tôi yên tâm theo đuổi công việc yêu thích bấy lâu”. Và kỷ niệm cuộc đời Với cán bộ, công nhân viên của Di tích Phủ Chủ tịch nói chung, những người làm công tác hướng dẫn khách nói riêng, được tìm hiểu, sưu tầm các câu chuyện về Bác là niềm hạnh phúc, bởi mỗi câu chuyện, sự kiện về Người đều có ảnh hưởng tích cực tới đời sống, tâm hồn, khiến họ thêm yêu, thêm tự hào với nhiệm vụ thiêng liêng đã và đang gắn bó. Nhiều người trong số họ còn có cả những cuốn nhật ký ghi lại các câu chuyện mới sưu tầm, những vị khách đặc biệt, những kỷ niệm về Người. Suốt bao năm công tác tại đây, những câu chuyện, kỷ niệm như thế cứ đầy ắp lên qua từng trang nhật ký. Hướng dẫn viên Hà Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục, nhớ như in lần làm thuyết minh cho đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng về thăm di tích. Kết thúc chuyến thăm, một bà mẹ miền Nam đã run run cầm tay cô và nói: “Lần đầu tiên mẹ được ra Thủ đô, được viếng Bác Hồ, nghe con kể về cuộc sống của Người, những tình cảm Người dành cho dân, cho nước, thế là mẹ đã thỏa ước mong. Sau chuyến đi này, dẫu có nhắm mắt xuôi tay, mẹ cũng yên lòng”. Đối với chị Hà Thị Thắm, đây có lẽ là một trong những kỷ niệm xúc động, khó quên nhất trong cuộc đời công tác, bởi câu nói ấy giúp chị hiểu sâu sắc hơn tình cảm giản dị mà thiêng liêng của mỗi người dân dành cho Bác. Hướng dẫn viên Phan Thị Hoài lại nhớ nhất lần đón tiếp đoàn khách nước ngoài viếng thăm Di tích Phủ Chủ tịch, trong đó có Giáo sư Cốc Nguyên Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Khoa học – Xã hội Trung Quốc, người có nhiều tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ. Chị Phan Thị Hoài kể: “Giáo sư không ngừng nhắc đến niềm xúc động, hồi hộp suốt thời gian trước khi vào Lăng viếng Bác. Khi thấy hình hài của Người, ông nghiêng mình cung kính và khẽ khàng nói “Cháu chào Bác”. Khi trở ra, ông có kể với tôi, lý do ông chọn ngành học Ngôn ngữ Phương Đông và nghiên cứu về tiếng Việt là: Vì Việt Nam có Bác Hồ Chí Minh”. Một điểm chung giữa những người làm công tác hướng dẫn viên tại Di tích Phủ Chủ tịch khi được hỏi “Điều gì khiến họ luôn muốn gắn bó với công việc nhiều áp lực, thử thách này”, câu trả lời là những dòng lưu bút, cảm tưởng mà những vị khách khi đến đây đã thể hiện một tình cảm kính yêu vô hạn dành cho Bác Hồ. Đó là hình tượng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là di sản của Người để lại cho nhân loại, điều mà mãi mãi không bao giờ thay đổi. ( nguồn: Theo Báo Hà Nội mới) Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Trà Vinh |
Lượt xem: 189