ĐTN: “Nhiệt huyết, trách nhiệm, vì cuộc sống bình yên và phát triển của người dân. Đó là điều đáng trân trọng trong từng hành động của Trung úy Phạm Thái Sơn – Đội trưởng Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân góp phần tô đẹp thêm hình ảnh bộ đội biên phòng (BĐBP) trong nhân dân”- Thượng tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.
Vận động bằng cả tấm lòng
Đi hết sườn đồi trồng keo là đến chốt chặn dịch COVID-19 số 4 của Đồn biên phòng cửa khẩu (ĐBPCK) A Đớt. Chốt vừa được xây dựng, vững chãi giữa cơn mưa chiều xối xả, ầm ào nơi núi rừng biên cương. Nụ cười của Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Vận động quần chúng ĐBPCK A Đớt và những cán bộ, chiến sĩ trực chốt ấm áp hơn khi bày tỏ, để xây dựng được chốt này, BĐBP phải xây được niềm tin trong lòng người dân. Có một người “thợ xây”, là đồng đội của các anh, đã đặt những “viên gạch” trách nhiệm và yêu thương để xây nên niềm tin đó. Đó là Trung úy Phạm Thái Sơn (lúc đó là Đội phó Vận động quần chúng, ĐBPCK A Đớt, hiện là Đội trưởng Vận động quần chúng, ĐBPCK Hồng Vân).
Chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP là thành lập chốt kiên cố trên tuyến biên giới, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho cán bộ chiến sĩ trong trận chiến chống dịch lâu dài. Phần lớn các chốt nằm trên đất sản xuất của người dân, nên BĐBP có nhiệm vụ vận động người dân đồng ý. Tại chốt số 4, gia đình vợ chồng chị A Râh Thị Nhị, anh Hồ Văn Tét kiên quyết không bằng lòng, vì chưa biết đến bao giờ mới hết dịch và lúc hết dịch, đất đã bê tông hóa sẽ thành đất “chết”, làm sao sản xuất?
ĐBPCK A Đớt giao nhiệm vụ cho Trung úy Phạm Thái Sơn (lúc này đang trực chốt số 1) thuyết phục vợ chồng chị Nhị, anh Tét. “Hôm đầu tiên, tôi “gặp” ngay câu trả lời dứt khoát: “Thôi em về đi”. Hôm sau, trải lòng tâm sự với anh chị như một đứa em, tôi nói ngày trước đồng bào A Lưới đã giúp Đảng, giúp cách mạng gùi đạn, gùi gạo, đánh thắng giặc ngoại xâm. Bây giờ anh chị giúp BĐBP, cũng là giúp Đảng, giúp đồng bào mình thắng “giặc” dịch. Bộ đội có bao giờ thất hứa với dân đâu. Bộ đội chỉ giúp dân và làm mọi cách để cuộc sống người dân tốt đẹp hơn. Anh chị yên tâm, khi nào hết dịch, đất của anh chị sẽ được trả lại nguyên trạng. Nhưng vợ chồng chị Nhị vẫn không đồng ý. Lần tiếp theo, khi người sĩ quan biên phòng trẻ vừa đặt chân đến đầu ngõ, chị Nhị đã nói: Sơn lại đến đó à, chị không đồng ý đâu” – Trung úy Phạm Thái Sơn nhớ lại.
Vợ chồng chị Nhị không biết viết, chỉ biết ký tên mình. Trung úy Sơn lặng lẽ kèm cho đứa con trai nhỏ của vợ chồng chị Nhị, cùng lời hứa, ngày nào còn công tác trên địa bàn, ngày đó còn bày vẽ cháu học hành. Khi gia đình chị Nhị đào ao thả cá, Sơn cùng các đồng đội xắn tay giúp ngày công. Tình cảm chân thành là “chìa khóa” mở cánh cửa tâm tư trong lòng đôi vợ chồng ấy. Nhưng chị Nhị chỉ đồng ý cho đồn biên phòng xây dựng chốt kiên cố với thời hạn 2 năm.
“Tôi chào vợ chồng chị Nhị, ra về mà rơi nước mắt. Đột nhiên, người phụ nữ lam lũ ôm tôi, như người chị cả vỗ về đứa em. Chị Nhị bảo, vợ chồng chị đồng ý với đơn vị. Nước mắt lại trào ra. Nhưng bây giờ là nước mắt của hạnh phúc vô bờ bến trước tình cảm người dân. Tôi sẽ mãi mang theo tình cảm ấy trong hành trang người lính” – Trung úy Sơn xúc động.
Vợ chồng nông dân người Cơ Tu ấy thì lại bộc bạch, cuối cùng họ “mềm lòng” không chỉ vì con trai nhỏ và gia đình mình được giúp. Mà bởi họ đã thấy ĐBPCK A Đớt đã và đang làm người bố tốt của cháu Lê Văn Thìn (cháu bé có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, được đồn biên phòng nhận vào đồn nuôi) trong mấy năm qua. Tiếp nối đồng đội đi trước, bây giờ Trung úy Phạm Thái Sơn và Trung úy Nguyễn Nam Cường thay nhau chăm sóc, kèm cặp và đưa đón cháu Thìn đến trường trong những ngày mưa gió, bằng tất cả tình thương và trách nhiệm.
ĐBPCK A Đớt cũng đã giúp xây dựng, sửa chữa nhà cho nhiều gia đình có hoàn cảnh già cả, neo đơn, bệnh tật, khó khăn trên địa bàn. Tin tình cảm của Sơn, những điều Sơn nói, làm cho gia đình chị là xuất phát từ tấm lòng, nên cuối cùng vợ chồng chị đồng ý gác lại quyền lợi cá nhân, để ủng hộ Sơn, ủng hộ BĐBP. Nay Sơn đã đến công tác tại đơn vị khác, nhưng cũng như nhiều người dân trên địa bàn, gia đình chị Nhị vẫn dành trọn vẹn tình cảm cho anh BĐBP trẻ ấy.
Những việc làm ý nghĩa, nhân văn
“Chú ơi, hay mình làm gì đó để có nguồn thu giúp dân nghèo”. Đó là điều Trung úy Sơn bộc bạch với Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn, khi địa phương có chương trình xây dựng khu du lịch cộng đồng suối A Lin (trên địa bàn xã Trung Sơn, A Lưới). Ý tưởng của Sơn được Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Thượng úy Hồ Văn Thảo, Đội trưởng Trinh sát, Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, ĐBPCK Hồng Vân cùng đồng lòng hưởng ứng.
Vậy là lên kế hoạch bỏ tiền cá nhân, dựng 1 chòi nghỉ chân (trong chuỗi 5 chòi của hợp tác xã), cho khách du lịch thuê khi tham quan, nghỉ ngơi tại khu du lịch cộng đồng. Chòi “tình quân dân” sau khi hoàn thành sẽ giao hợp tác xã quản lý. Số tiền thu được sẽ trích lại 50% cho hợp tác xã. Phần còn lại gây nguồn kinh phí, giúp người nghèo. Kế hoạch thực hiện chương trình “Du lịch cộng đồng – đồng hành cùng người nghèo” được Ban chỉ huy ĐBPCK Hồng Vân phê duyệt, chính quyền địa phương ủng hộ – Thượng tá Hồ Văn Hiệp, Chính trị viên ĐBPCK Hồng Vân thông tin.
Trong cái nắng gay gắt, bên bờ con suối A Lin, 3 ngày liền, Trung úy Phạm Thái Sơn, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Thượng úy Hồ Văn Thảo và Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ, áo ướt đẫm mồ hôi, miệt mài xuyên trưa, thâm chiều, để hoàn thành chòi “tình quân dân”, kịp thời gian khánh thành vào ngày 2/7.
“Ý tưởng ban đầu của Sơn là đặt “ngôi nhà xanh” tại đây, thu các loại vỏ lon, chai nhựa bán gây quỹ đồng thời bảo vệ môi trường. Nhưng rồi 4 anh em bàn bạc, xã đã thành lập khu du lịch, tại sao mình không đóng góp vào. Vậy là nảy sinh ý tưởng lớn hơn, ủng hộ xã 1 chòi với mục đích thiện nguyện. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ đặt “ngôi nhà xanh” tại đây để gây quỹ giúp học sinh nghèo – Thượng úy Vũ hào hứng chia sẻ. Thượng úy Thảo không giấu tình cảm trân trọng dành cho người đồng đội trẻ: “Ý tưởng của Sơn rất ý nghĩa, nhân văn. Vậy nên chúng tôi đã “bị” Sơn thuyết phục”.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, có 21 “tuổi lính”, trong đó 11 năm làm Phó Bí thư tăng cường xã, nặng lòng thương người nghèo, và đã thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo. Anh Dũng nói rằng, thật mừng khi có đồng đội trẻ cùng chung tâm huyết. Trung úy Phạm Thái Sơn về nhận nhiệm vụ Đội trưởng Vận động quần chúng, ĐBPCK Hồng Vân mới chỉ 1 tháng, nhưng nhiều người dân trên địa bàn coi Sơn như người thân trong nhà.
Ánh mắt vui mừng, cái nắm tay thật chặt của vợ chồng cụ Quỳnh Xăng ở thôn Ta Lo A Hố dành cho Trung úy Phạm Thái Sơn là “minh chứng”. Cụ Xăng cười ấm áp: “Sơn thường vào nhà hỏi thăm cuộc sống của bố, mẹ (cách xưng hô của cụ Xăng). Thấy bố, mẹ làm chổi đót, Sơn gặp ai cũng mời, để bán giúp. Bố, mẹ thương Sơn như con…”
Thùy Trang