Chuyển đổi số không phải là việc dễ dàng, nhưng sẽ là thử thách xứng đáng để Thanh Niên ‘vượt vũ môn’.
Khi Tổng biên tập Nguyễn Công Khế ký quyết định thành lập Báo Thanh Niên điện tử (Thanh Niên Online) gần 20 năm về trước (2003), internet đã vào Việt Nam 7 năm, báo Lao Động điện tử ra đời được 5 năm, báo điện tử VnExpress thì mới lên 3 tuổi.
Tất cả đều là những “đứa trẻ sinh sau đẻ muộn” trong một không gian mà các phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình và báo in đang chiếm thế thượng phong.
Ở thời điểm đó, ông Nguyễn Công Khế và những cộng sự trong Ban Biên tập hẳn cũng đã nhìn thấy cơ hội và tiềm năng mà loại hình báo chí mới này hứa hẹn. Nhưng không ai biết tương lai sẽ khác biệt như thế nào so với hình dung ban đầu của họ. Ngày nay, VnExpress tự hào là tờ báo nhiều người đọc nhất Việt Nam, có doanh thu và lợi nhuận hằng năm bỏ xa các cơ quan báo chí khác, còn Thanh Niên Online dù xuất phát sau nhưng cũng đã kịp giành chỗ đứng trong tốp 4 báo điện tử Việt Nam lớn nhất, và quan trọng hơn nữa là đạt tới thứ hạng ấy đồng thời với duy trì vị thế và ảnh hưởng của tờ báo in, vốn tạo nên thương hiệu Thanh Niên suốt 37 năm qua.
Những gì đội ngũ người làm báo Thanh Niên đã thực hiện một cách nhất quán, kiên định suốt hành trình phát triển của mình, về cơ bản không có gì khác với sứ mệnh, tôn chỉ và mục đích được xác định ngay từ ngày đầu thành lập. Đó là phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là tiếng nói của người trẻ và các tầng lớp nhân dân rộng rãi, là nguồn thông tin chuẩn mực, đa dạng, sinh động phản ánh mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa… ở trong và ngoài nước. Có khác chăng, là sau 37 năm, giờ đây thông tin của chúng tôi được truyền đến bạn đọc hầu như tức thời qua mạng toàn cầu internet, dưới những dạng thức phong phú hơn rất nhiều phiên bản in “giấy trắng mực đen” quen thuộc. Báo chí đa phương tiện, báo chí đa nền tảng, báo chí thị giác, báo chí dữ liệu, báo chí công dân… đều đã thoát thai khỏi phạm vi khái niệm học thuật để trở thành thực tế hằng ngày mà chúng tôi đang triển khai, được bạn đọc trải nghiệm và đánh giá nghiêm khắc bằng thước đo của báo chí chính thống.
Liên quan việc chuyển đổi số báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, đã có bài trả lời phỏng vấn đăng trên Nhà Báo và Công Luận, Cơ quan Trung ương Hội Nhà Báo Việt Nam, ấn phẩm Xuân 2023. Bài báo có tựa đề Chuyển đổi số có thể thay đổi theo giai đoạn nhưng phải xuất phát từ cái gốc nội dung (ảnh). Trong đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn phân tích chuyển đổi số báo chí là một quá trình khó khăn nhưng đang ngày càng mang tính cách mạng hơn; những định hướng đổi mới then chốt trong mô hình kinh doanh, chiến lược nội dung và phương thức phát triển công nghệ cùng giải pháp tháo gỡ nút thắt về cơ chế… đều là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn cũng khẳng định chuyển đổi số là tất yếu và với Báo Thanh Niên, chuyển đổi số là phương tiện để tăng hiệu quả, hiệu suất của truyền thông, qua đó làm tốt hơn nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Chuyển đổi số có thể thay đổi theo giai đoạn về phương thức thực hiện, nhưng vẫn phải xuất phát từ cái gốc là nội dung…
Mời bạn đọc tìm đọc toàn văn bài phỏng vấn trên Nhà Báo và Công Luận ấn phẩm Xuân 2023.
Trước khi “chuyển đổi số” được đưa vào các văn kiện của các cơ quan quản lý nhà nước như một khẩu hiệu hành động và tiêu chí đánh giá, chúng tôi (và các đồng nghiệp) đã đi vào chuyển đổi số một cách tự nhiên như thế. Kim chỉ nam cho mọi quyết định của Thanh Niên, bao giờ cũng hướng về đối tượng mà mình phục vụ. Câu chuyện của Thanh Niên khi phát triển các sản phẩm video tin tức và giải trí trên nhiều nền tảng có thể minh chứng cho nhận định này.
Năm 2016, tổ truyền hình được thành lập, nằm trong tòa soạn báo điện tử, hoạt động giống như một trung tâm biên tập video – clip do phóng viên quay, gửi về kèm các bản tin chữ. Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra số lượt xem thể loại video trên website Báo Thanh Niên chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ so với lượng xem trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube. Vấn đề là người xem YouTube có nhu cầu, thị hiếu không giống bạn đọc truyền thống: họ trẻ hơn về độ tuổi, khác về cơ cấu giới, phân bố địa lý trải rộng hơn, cách họ chọn xem bản tin này hay bản tin khác (được gợi ý “đến tận mắt” trên màn hình đầu tiên thông qua thuật toán lựa chọn được phát triển trên số lượng mẫu là hàng tỉ người xem toàn cầu) phụ thuộc vào những yếu tố tâm lý khó lường do “trends” (xu hướng tin trên mạng) quyết định… Nếu lúc đó, chúng tôi cho rằng các nhóm công chúng đó là “quá khó nắm bắt”, hoặc giữa sản phẩm báo chí truyền thống của chúng tôi với nhu cầu của họ có sự “không tương thích”, hoặc “rủi ro cao do phụ thuộc nền tảng khác”… thì đã không có thành công của ngày hôm nay.
Thay vì vậy, dựa vào những số liệu thống kê khoa học, các đồng nghiệp của chúng tôi tại tổ truyền hình (rồi Ban Truyền hình, và nay là Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số) đã nhìn ra những hạn chế, bất cập trong cơ cấu đối tượng bạn đọc của Thanh Niên, để mạnh dạn mở ra hướng đột phá vào “đại dương xanh” là hàng triệu người xem còn chưa xác định. Những con số “khủng” về tổng thời lượng xem các kênh video của Thanh Niên hiện nay không chỉ đem lại nguồn thu đáng kể còn cho thấy một điều quan trọng hơn: người làm báo Thanh Niên muốn, và có thể, tiếp cận công chúng của mình ở bất kỳ nơi đâu trên không gian mạng.
Bằng tri thức về xu hướng báo chí mới, bằng những công cụ do công nghệ đem lại, và với sự thật là xác tín cao nhất, chuyển đổi số ở Báo Thanh Niên đã bắt đầu bằng nhận diện công chúng, đi tới bằng ý chí quyết tâm và triển khai trên thực tế bằng những sản phẩm báo chí đúng nghĩa.
Nhờ chuyển đổi số hiệu quả, trong hai năm 2020, 2021 và giai đoạn đầu năm 2022, mặc dù ngành báo chí cả nước, đặc biệt là loại hình báo giấy, đứng trước những thử thách lớn chưa từng có, nhiều tòa soạn truyền thống đứng trước tình cảnh “không bạn đọc, không doanh thu” trong thời gian rất dài, công chúng nói chung và bạn đọc Thanh Niên không hề bị thiếu thông tin. Trong 3 năm từ 2020 – 2022, các kênh trong hệ thống đa nền tảng của Báo Thanh Niên đã thu hút được hàng tỉ lượt độc giả, khán giả. Trên các nền tảng số khác, bình quân mỗi năm, Báo Thanh Niên thu hút hơn 2 tỉ lượt xem video. Đến thời điểm hiện tại, Báo Thanh Niên đã có hơn 18 triệu lượt theo dõi trên các nền tảng số (YouTube, TikTok, Zalo, Facebook) và là đơn vị báo chí có lượt theo dõi, lượt xem cao nhất Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Chuyển đổi số không phải là việc dễ dàng. Nhưng nhìn lại những gì đã thành công hoặc chưa, chúng tôi tự tin rằng đây sẽ là thử thách xứng đáng để Thanh Niên “vượt vũ môn”, trở thành một cơ quan báo chí đa phương tiện hàng đầu, đồng hành cùng thế hệ trẻ trên con đường tiếp thu tri thức và hoàn thiện bản thân.
Nguồn: thanhnien.vn