Nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) được xác định là then chốt để Việt Nam có thể cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư cũng như đáp ứng nhu cầu đang thiếu hụt hiện nay.
Việt Nam đang trên tiến trình thúc đẩy chuyển đổi số và làm chủ công nghệ cao, tuy nhiên nhân lực số lại thiếu hụt trầm trọng. Theo số liệu do Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố vào tháng 8.2022, tỷ lệ nhân lực CNTT ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động tại Việt Nam. Một báo cáo khác cũng cho thấy chỉ 40% doanh nghiệp có đủ kỹ năng CNTT và truyền thông để duy trì, khai thác hệ thống công nghệ số. Dự báo đến năm 2023, toàn ngành sẽ thiếu hụt khoảng một triệu lao động.
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, hiện nay Việt Nam mất dần sức hấp dẫn nhờ các yếu tố như đất rẻ, nhân lực rẻ, ưu đãi thuế. “Có những quốc gia trên thế giới đang làm rẻ hơn nhiều. Vì vậy bây giờ là thời điểm để tạo ra sức hút mới. Nhân lực làm phần mềm giờ có nhiều nhưng càng thiếu nhiều và các nước đang phát triển thậm chí còn thiếu nhiều hơn”, ông Bình chia sẻ. Vì lý do đó, lãnh đạo FPT cho rằng thực tế trên lại là cơ hội để Việt Nam đầu tư vào giáo dục.
Trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) sáng 14.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao vai trò của giáo dục, đào tạo nhân lực công nghệ cao trong bối cảnh phát triển và toàn cầu hóa hiện nay. Thủ tướng nhận định việc tập trung đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực là bước đi đúng đắn, mang lại những kết quả đáng ghi nhận của các doanh nghiệp Việt nói chung.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và nên phát triển mục tiêu này. “Chính phủ đã giao việc nghiên cứu, thành lập các trường đại học số. Chúng ta từng có khoa Công nghệ thông tin rồi các trường liên quan đến công nghệ thông tin, giờ phải phát triển đại học số, các khoa số thuộc các trường để góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, Thủ tướng trao đổi tại buổi làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm, qua những thăng trầm trong quá khứ, việc FPT chọn con đường phát triển CNTT, công nghệ số và thiết kế sản xuất phần mềm, sản xuất chip là con đường đi đúng đắn nhất, phù hợp với doanh nghiệp và xu hướng của thời đại.
“Cách làm này cũng phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Cần chú trọng đào tạo nhân lực để kêu gọi thu hút đầu tư, hội nhập quốc tế, phục vụ nhu cầu phát triển của từng ngành nghề, từng thời điểm”, Thủ tướng nói.
Nguồn: tuoitre.vn