Thanh niên công nhân không được đào tạo chuyên môn bài bản, cơ hội tiếp cận với internet tốc độ cao ở một số địa bàn còn hạn chế. Để thanh niên có thể tiên phong ứng dụng chuyển đổi số trong lao động, sản xuất, rất cần sự đồng hành hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hội.
Nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị như vậy tại tọa đàm “Thanh niên công nhân tiên phong chuyển đổi số (CĐS) để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất kinh doanh”, do T.Ư Đoàn tổ chức ngày 9.5. Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2023 và trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XIV.
Còn nhiều rào cản
Anh Phạm Thế Nghĩa, Bí thư Đoàn Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, cho biết thanh niên thường có nhiều ý kiến, ý tưởng sáng tạo gắn với công tác vị trí, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong quá trình đưa các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo áp dụng vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên. Trong đó, quy trình, thủ tục đề xuất, xét công nhận, cho áp dụng tại một số đơn vị còn chặt chẽ, đòi hỏi có quá trình nghiên cứu, soạn thảo, thuyết minh… đảm bảo tính khoa học, hồ sơ mang tính hành chính cao. Trong khi đó, một bộ phận thanh niên, nhất là công nhân – lực lượng trực tiếp sản xuất, còn có tâm lý e ngại đề xuất ý tưởng của mình”, anh Nghĩa bày tỏ.
Theo anh Đậu Hồng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Công ty TNHH MTV Chư Păh (Gia Lai), hiện việc CĐS đối với đoàn viên, thanh niên, đặc biệt trong các doanh nghiệp sản xuất, vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực lao động chiếm số lượng lớn là thanh niên không được đào tạo chuyên môn bài bản…
“Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phổ cập, nâng cao trình độ công nghệ chưa được tổ chức bài bản, thường xuyên. Việc thanh niên biết và ứng dụng nền tảng số trong kết nối cung – cầu còn hạn chế, số lượng mô hình thanh niên ứng dụng CĐS chưa nhiều, chưa phát huy được tối đa giá trị kết nối sử dụng số hóa phục vụ phát triển kinh tế trong thanh niên”, anh Quang góp ý.
Chia sẻ kinh nghiệm CĐS, anh Nguyễn Hữu Dũng, Phó trưởng ban Thanh niên quân đội, cho hay: “Chúng tôi tổ chức triển khai đăng ký các công trình phần việc thanh niên qua phần mềm, điện thoại di động. Ứng dụng CĐS thuận tiện trong việc đăng ký thi đua, lưu trữ, báo cáo kết quả nhanh, rõ ràng, minh mạch. Theo dõi đánh giá chính xác thông tin, các đơn vị có thể nhìn thấy thông số thi đua. Số lượng và chất lượng được nâng lên rõ rệt”.
Theo anh Dũng, trước đây chỉ có 4.826 công trình, phần việc được đăng ký. Sau khi ứng dụng CĐS, có 6.282 công trình, phần việc đăng ký. Để thực hiện tốt nội dung CĐS, anh Dũng cho rằng, vai trò tổ chức Đoàn rất quan trọng, phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên về vấn đề này. Trong đó, thủ lĩnh Đoàn phải là người kiên định, đi đầu.
“Thanh niên công nhân làm việc cả ngày vất vả, tối về xung quanh chỉ có 4 bức tường và chiếc điện thoại di động. Các cấp, đặc biệt là tổ chức Đoàn, cần quan tâm, chăm lo để thanh niên công nhân trở thành “công nhân số”, xây dựng môi trường văn hóa số, xây dựng điểm mô hình mũi nhọn CĐS để lan tỏa, nhân rộng trong từng ngành, từng lĩnh vực…”, anh Dũng chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến cần phải xây dựng mô hình điểm trong CĐS, anh Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thiên Nam (Bình Dương), cho rằng việc lựa chọn phạm vi xây dựng mô hình điểm phù hợp từng giai đoạn, trong phạm vi nhỏ, dễ trước, khó làm sau. Mới đầu có thể là một phòng, ban, một khu vực làm việc; sau đó mở rộng ra một công đoạn sản xuất…
Anh Hiếu kiến nghị: “Cơ sở Đoàn phải thực sự là cầu nối giữa thanh niên công nhân với lãnh đạo công ty, quản lý nhà máy…, tham vấn, đăng ký thực hiện chương trình nâng cao năng suất của doanh nghiệp; phải làm cho mọi người hiểu được mục đích của việc tăng năng suất lao động thực chất chứ không hình thức, đem lợi cho doanh nghiệp và thanh niên công nhân”.
Người lao động cũng phải hòa mình vào chuyển đổi số
Nhấn mạnh vai trò của CĐS trong bối cảnh hiện nay, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương khẳng định, CĐS đang dần trở thành xu thế không thể đảo ngược và là bước đi quan trọng để thực hiện nền kinh tế số và xã hội số, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế và mỗi tổ chức, cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, cũng là những thách thức, yêu cầu mới. Đảng và Nhà nước ta đề ra mục tiêu tới năm 2045 “Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh”.
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó, theo anh Cương, một trong những lực lượng quan trọng là 15 triệu công nhân VN. Những công nhân, kỹ sư, những người thợ lành nghề, những người trực tiếp sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước, cần phải thích nghi tốt nhất với quá trình CĐS. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được CĐS. Người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hòa mình vào dòng chảy CĐS.
Không chỉ quá trình tự thân của người lao động, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương nêu rõ: “Cần có vai trò của doanh nghiệp, của các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là tổ chức Đoàn trong đồng hành, tạo lập môi trường để thanh niên công nhân, người lao động trẻ trong các doanh nghiệp được tăng cường nâng cao tay nghề, tiếp cận khoa học – công nghệ và ứng dụng CĐS vào công việc hằng ngày”.
Nguồn: thanhnien.vn