Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Chuyển đổi số: Hỗ trợ người dân dùng smartphone

Nhiều nội dung thiết thực dành cho người dân được đề cập tại hội thảo ‘Chuyển đổi số, Dữ liệu số: Thách thức và định hướng’ do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức hồi cuối tháng 5, trong đó có đề xuất hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh (smartphone).

Theo Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, một trong những rào cản trên chặng đường chuyển đổi số (CĐS) là nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan thành phố mỏng, chưa đảm bảo năng lực tham mưu, triển khai, vận hành các hệ thống ứng dụng thông minh. Tình trạng cán bộ CNTT tại cơ quan thành phố thôi việc có xu hướng tăng cao. Trong khi đó, việc thu hút, tuyển dụng nhân lực CNTT vào khu vực công ngày càng khó khăn do cạnh tranh với khu vực tư nhân, dù thành phố đã có chính sách thu hút nhân lực như làm theo dự án, chương trình. Do đó, Sở TT-TT đề xuất giải pháp đẩy mạnh triển khai văn phòng CĐS, phát triển các Tổ công nghệ số cộng đồng và thuê ngoài một số dịch vụ CNTT nhằm đáp ứng công cuộc, khối lượng công việc CĐS hiện nay.

Chuyển đổi số: Hỗ trợ người dân dùng smartphone - Ảnh 1.

Tổ công nghệ số cộng đồng P.Tân Chính (Q.Thanh Khê) hỗ trợ người dân chuyển đổi số trong thủ tục hành chính

NGUYỄN TÚ

Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng, cho biết hiện nay thành phố có khoảng 100.000 người dân sử dụng điện thoại 2G, chiếm khoảng 9% dân số. Để đạt mục tiêu CĐS, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số của thành phố, hình thành xã hội số, TP.Đà Nẵng đã có nhiều hỗ trợ người dân, như thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Các Tổ công nghệ số cộng đồng này do Đoàn thanh niên xã phường, khu dân cư làm nòng cốt, kết hợp các hội đoàn thể khác, hướng dẫn người dân (chủ yếu là người lớn tuổi, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn) tiếp cận công nghệ.

Đặc biệt, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã có công văn 2594 ngày 14.5.2022 gửi Bộ TT-TT đề xuất hỗ trợ chọn TP.Đà Nẵng thí điểm hoàn thành 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh. Trong đó, nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn… nhằm trang bị phương tiện cho người dân tiếp cận CĐS.

“Thành phố chuyển đổi số điển hình”

Thực tế, cùng với những thuận lợi, kết quả đạt được qua gần 2 năm triển khai, công cuộc CĐS của thành phố vẫn còn gặp nhiều rào cản, vướng mắc liên quan đến chính sách, khung pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, nguồn nhân lực… Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, dữ liệu số của thành phố hiện vẫn còn rời rạc, chưa đảm bảo độ tin cậy, chất lượng chưa cao, tính khả dụng thấp, chia sẻ dữ liệu còn hạn chế.

Năm 2023, Ủy ban Quốc gia CĐS chọn là Năm dữ liệu số và trong kế hoạch hành động có giao nhiệm vụ trọng tâm cho TP.Đà Nẵng tổ chức triển khai mô hình thành phố CĐS điển hình. TP.Đà Nẵng lựa chọn chủ đề CĐS năm 2023 là “Khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới” và ban hành kế hoạch hành động với 40 chỉ tiêu, 35 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết chia sẻ mục tiêu của CĐS TP.Đà Nẵng là có các giải pháp để toàn dân tiếp cận công nghệ số, triển khai mô hình thành phố CĐS điển hình, giải pháp khơi thông nguồn dữ liệu để tạo ra giá trị mới, giải pháp triển khai Trung tâm tài chính số phục vụ kinh tế số… “CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức, nếu vẫn tiếp cận theo cách cũ là nhiệm vụ này của một hoặc vài ngành thì khó có những thay đổi đột phá, cơ hội sẽ đi qua. Do đó, TP.Đà Nẵng đang tập trung nhận diện cụ thể các rào cản, vướng mắc; lắng nghe các ý tưởng, tư vấn, hiến kế và đề ra các định hướng, giải pháp để tháo gỡ vướng mắc và triển khai CĐS hiệu quả”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.

Nguồn: thanhnien.vn