Đến ấp Hai Thủ, xã Long Hòa, huyện Châu Thành hỏi thăm gia đình anh Phạm Ngân Giang thì ai cũng biết. Bởi đây là thanh niên trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả và có tính ổn định lâu dài trong sản xuất. Đó là mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Phạm Ngân Giang ở ấp Hai Thủ, xã Long Hòa, mô hình đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho xã cù lao Long Hòa.
Anh Phạm Ngân Giang bên vườn ươm dưa lưới cây con 10 ngày tuổi chuẩn bị xuống bầu
Sau thời gian làm công, học hỏi những mô hình nhà màng ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, đầu năm 2021 anh Giang về quê Long Hòa mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng nguồn vốn cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, giá thể, bầu, hạt giống… trên diện tích 500 mét vuông với khoảng 1.200 dây dưa lưới. Sau khi hạt dưa lưới được gieo từ 7 – 10 ngày, đã dần xuất hiện lá thứ 2 thì bắt đầu xuống bầu và tiến hành tập trung chăm sóc. Anh Giang cho biết, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì ngưng khoảng 2 tuần để vệ sinh và có thể sản xuất liên tục 4 “vụ” mỗi năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết.
Trong năm 2023, nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của anh Giang phát triển tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trên từ 1,5 – 1,7 tấn trái, trọng lượng từ 1,6 – 2 ký mỗi trái, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg, giá ký hợp đồng với công ty thu mua. Sau khi trừ chi phí, 500 mét vuông nhà màng cho lãi khoảng 25 triệu đồng/vụ, tính tổng số vụ gieo trồng trong năm thì lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng,
Ảnh: Khách tham quan và chụp hình tại vườn dưa lưới
Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của anh Giang có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, anh luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Anh Giang chia sẻ: “Đối với tôi, trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nếu kiên trì, bền bỉ, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tôi còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học – kỹ thuật”. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.
Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trồng dưa lưới của anh Giang luôn tuân thủ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, chăm sóc cây con, thụ phấn, cắt chèo, theo dõi quá trình sinh trưởng, phân nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Khanh, Bí thư xã Đoàn Long Hòa cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Phạm Ngân Giang đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đoàn Thanh niên xã cũng vận động các đoàn viên học hỏi mô hình của anh Giang để có thể phát triển kinh tế và sẽ sẵn sàng làm cầu nối với ngân hàng chính sách để tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi giúp đỡ cho các đoàn viên muốn khởi nghiệp”.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chúng ta đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp kết hợp với tham quan du lịch và đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, như vườn nho, vườn táo… và dưa lưới chắc chắn cũng sẽ thực hiện được. Nếu có sự đầu tư bài bản, giao thông thuận lợi, phục vụ chu đáo, truyền thông tốt thì giá trị kinh tế sẽ tăng cao cho những nhà vườn muốn khai thác mô nông nghiệ kết hợp với tham quan du lịch
HUYỆN ĐOÀN CHÂU THÀNH