Nhận lời dạy bơi khi nghe tin có nhiều trẻ đuối nước
Những ngày này, bà Trần Thị Kim Thia (thường được gọi là bà Sáu Thia, ngụ xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đang chuẩn bị cho lớp dạy bơi miễn phí dành cho trẻ em trên địa bàn sẽ được khai giảng vào cuối tuần tới. “Đến thời điểm này đã có hơn 200 cháu đăng ký học bơi rồi”, bà Sáu Thia vui mừng nói và cho hay khi mùa hè đến cũng là thời điểm bà bắt đầu ngụp lặn trong nước để dạy bơi cho trẻ.
Nói về cơ duyên đến với công việc đặc biệt này, bà Sáu Thia kể, bà sống một mình, không lập gia đình nên thường xuyên tham gia công tác xã hội, là Chi hội phó Chi hội phụ nữ ấp 4, xã Hưng Thạnh. Cách đây hơn 20 năm, khi địa phương cần người dạy bơi để phòng chống tình trạng đuối nước ở trẻ em, bà đã được Hội LHPN, chính quyền địa phương “chọn mặt gửi vàng”.
“Lúc đó, tôi nhớ, chị Chủ tịch Hội LHPN xã nói là, dòm hết khắp xã thì thấy không có ai có giò cẳng như tôi cả, rồi động viên tôi dạy bơi cho các cháu. Khi nghe vậy thì tôi không suy nghĩ nhiều mà đồng ý liền vì thấy thông tin trên báo đài có nhiều trường hợp các bé bị đuối nước, rất đau lòng”, bà Sáu Thia nhớ lại.
Vậy là ngay ngày hôm sau, bà Sáu Thia cùng với mọi người bắt tay vào công việc. Ban đầu, bà cùng các ban ngành xã cắm cây, vây lưới ở những khúc sông thích hợp để làm nơi cho trẻ em tập bơi. Khi chỗ tập bơi cho trẻ được chuẩn bị xong, bà lại đến từng nhà vận động để trẻ tham gia học.
Lúc đầu, số lượng trẻ tham gia học bơi còn ít do nhiều bậc phụ huynh nghi ngờ về khả năng dạy bơi của bà. Nhưng khi đến trực tiếp xem bà dùng tay ôm nâng để từng em đạp nước tiến về phía trước và ân cần hướng dẫn cụ thể cách ngụp lặn sao cho an toàn thì ai cũng yên tâm. Đặc biệt, cách dạy của bà rất thực tế, gần gũi, từng lỗi của các em được bà chỉ ra để tự khắc phục nên các em học hỏi, tiến bộ rất nhanh. Có những trẻ do nhà xa, bà lại chạy xe máy trực tiếp đón trẻ đến lớp học bơi. Có nhiều trẻ, buổi trưa ở lại luôn nhà bà, ăn cơm bà nấu để buổi chiều lại học tiếp.
Ngày qua ngày, năm qua năm, số trẻ em biết bơi từ sự chỉ dạy của người phụ nữ bình dị này cứ thế tăng lên (tính đến nay đã có hơn 5.000 trẻ). “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ những đứa trẻ trên địa bàn xã mà ở các xã lân cận cũng tìm đến bà Sáu Thia để học bơi. “Có nhiều cháu ở nhà được cha mẹ dạy cho học bơi thời gian dài nhưng chưa thể bơi được, đến tôi dạy có mấy hôm là cháu bơi thành thục, mọi người cứ khen hoài. Tôi vui lắm!”, bà Sáu Thia tâm sự.
Thêm một đứa trẻ biết bơi là thêm niềm vui
Khi được hỏi về những vất vả trong công việc này, bà Sáu Thia cười hiền chia sẻ, trong thời gian đầu mới dạy bơi, tối về là cả hai tay, hai chân mỏi nhừ, toàn thân rã rời. Rồi nhiều khi bị sốt, hơn nữa bản thân là phụ nữ, việc phải ngâm dưới nước nhiều nên rất khổ. Thậm chí, cũng đã có không ít lần bà bị té ngã phải vào bệnh viện để thăm khám. Vất vả, khó khăn là vậy nhưng bà đều âm thầm chịu đựng vượt qua với mong muốn duy nhất là được tiếp tục dạy bơi cho trẻ nhỏ trên địa bàn.
Sau một thời gian bà cắm cây, vây lưới dưới sông để dạy bơi cho trẻ, năm 2016, có nhà hảo tâm tài trợ cho bà Sáu Thia hồ bơi bằng nhựa đặt tại Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã, góp phần giúp việc dạy bơi của bà an toàn và đỡ vất vả hơn.
Suốt thời gian dài miệt mài dạy bơi, mỗi tháng bà Sáu Thia được xã hỗ trợ “chút đỉnh” tiền xăng xe chứ bà không lấy một đồng tiền học phí nào của phụ huynh, vì bà biết người dân ở đây ai cũng khó và quan trọng tụi nhỏ cần học bơi để tự bảo vệ mình. Thành ra, ngoài thời gian dạy bơi cho trẻ, bà Sáu Thia cũng miệt mài mưu sinh với đủ thứ nghề như giăng lưới, bán vé số… để có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, những vất vả mưu sinh chẳng là gì so với niềm vui, hạnh phúc là có thêm một đứa trẻ biết bơi, biết tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy của dòng kênh, con nước.
Không chỉ dạy trẻ biết bơi, trong nhiều năm qua, bà Sáu Thia còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện trên địa bàn. Bà chia sẻ, là Chi hội phó Chi hội phụ nữ ấp, bà luôn thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Hội theo phân công, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Dù phải đi bán vé số và làm mướn để mưu sinh nhưng bà vẫn thực hiện mô hình “heo đất nghĩa tình” với số tiền 500.000 đồng mỗi năm để chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bà còn dùng tiền dành dụm được hoặc đôi khi là chút tiền nhỏ từ các danh hiệu, phần thưởng có được để mua quần áo tặng các em học sinh trên địa bàn.
“Tuy đã lớn tuổi nhưng tôi sẽ cố gắng, quyết tâm, bằng tấm lòng của mình để dạy bơi cho trẻ. Còn sức khỏe thì thì tôi sẽ còn làm, thêm mỗi bé biết bơi thì tôi càng mừng. Đó cũng chính là niềm tin, động lực để tôi tiếp tục với công việc này”, bà Sáu Thia tâm sự.
Nguồn: phunuvietnam.vn