Là người đã đồng hành với hội vận động hiến tạng nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Kim Tiến – chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế – mong mỏi: “Thay vì vùi nguồn sống vào lòng đất hay thiêu cháy thì chúng ta dùng nó để cứu người. Nguồn tạng hiến là niềm hy vọng cho sự sống hồi sinh”.
Trong một buổi lễ phát động hiến mô tạng từ người chết/chết não mới đây, bà Tiến kể câu chuyện của một doanh nhân người Brazil nổi tiếng khi ông thông báo sẽ chôn một chiếc xe triệu đô xuống lòng đất. Thời điểm đó, nhiều người đặt câu hỏi về hành động kỳ quặc này, tại sao lại chôn một vật có giá trị như vậy xuống lòng đất và lên án ông.
“Tuy nhiên khi chuẩn bị chôn chiếc xe, ông đã yêu cầu dừng lại. Sau đó, ông nói rằng: Mọi người lên án việc tôi muốn chôn một chiếc xe triệu đô. Nhưng trên thực tế, hầu hết chúng ta đều chôn những thứ có giá trị hơn nhiều so với chiếc xe của tôi. Họ đã chôn những quả tim, gan, phổi, mắt và thận.
Rất nhiều người ngoài kia đang chờ được cấy ghép trong khi bạn chôn những cơ quan còn khỏe mạnh có thể cứu sống họ. Đây là sự lãng phí lớn nhất. Không có tài sản nào giá trị hơn cơ quan cơ thể còn hoạt động, bởi không có gì giá trị hơn sự sống. Câu chuyện ấy đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ và nhân văn trong cộng đồng về ý nghĩa của việc hiến tạng”, bà Tiến chia sẻ.
Tại những lễ phát động hiến mô tạng, bà Tiến luôn nhắc đến tình hình hiến mô tạng từ người chết não ở Việt Nam đang nằm “đáy” trên bảng xếp hạng của thế giới.
Trong khi đó, đối với người bệnh suy tim, suy gan, suy thận giai đoạn cuối, khi những phương pháp điều trị duy trì không còn hiệu quả, ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng. Hiện nay, ước tính có khoảng 5.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó chủ yếu là ghép gan và thận.
Luôn trăn trở với người bệnh chờ ghép tạng, ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chỉ mong cộng đồng hiểu hơn về nghĩa cử cao đẹp ấy để có thể hồi sinh những người bệnh đang ngày ngày chờ đợi cái chết.
Ông Hùng chia sẻ dù đã có rất nhiều người hiểu hơn về hiến tạng, thế nhưng rào cản còn rất lớn bởi quan niệm “chết toàn thây”. Thực tế, không ít người chết não đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, thế nhưng không phải gia đình nào cũng làm theo di nguyện của người đã khuất.
“Có những trường hợp cha mẹ người chết não hiến tạng đã đồng ý, nhưng sau đó lại đổi ý. Như vậy, chúng tôi cũng không thể thực hiện lấy – ghép tạng để cứu người”, ông Hùng trăn trở.
Không khỏi trăn trở khi nói về thực trạng ấy, bà Kim Tiến mong cộng đồng sẽ hiểu hơn giá trị nhân văn “cho đi là còn mãi” của việc hiến tạng. Để mỗi người khi không may mắn phải ra đi thì sự sống vẫn có thể được tiếp nối trong hình hài người ở lại.