Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, những năm qua các cấp bộ Đoàn – Hội trong tỉnh luôn quan tâm, đồng hành với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP…
Có thể nói, từ khi triển khai đến nay, chương trình OCOP đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần làm thay đổi nhận thức của đoàn viên, thanh niên, người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn theo các quy định của pháp luật… Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giúp nâng giá trị, đa dạng hơn các loại hàng hoá nông sản, dịch vụ ở nông thôn. Phát triển Chương trình OCOP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hoá của Việt Nam, góp phần to lớn vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”.
Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chọn hỗ trợ 03 xã triển khai Chương trình OCOP (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành; xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè; xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải), cụ thể đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ như: Hướng dẫn, giới thiệu đến các bạn đoàn viên, thanh niên và người dân về Chương trình OCOP; sản phẩm và tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm. Ngoài ra, các vấn đề về liên kết chuỗi giá trị trong chương trình OCOP, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, việc xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc sản phẩm; các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”; giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên trong đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh.
Lớp tập huấn về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)
Kết quả: Sản phẩm của các xã được hỗ trợ đạt chuẩn OCOP xếp hạng đạt 3 sao được công nhận vào năm 2024, cụ thể: thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành với sản phẩm Mứt mãng cầu Thúy Nguyễn; xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè với sản phẩm Giò thủ; xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải với thương hiệu sản phẩm Nước màu dừa Cô Vui.
Sản phẩm “Mứt mãng cầu Thúy Nguyễn”, sản phẩm ocop 3 sao
Sản phẩm “Giò thủ”, đạt Ocop 3 sao
Sản phẩm “Nước màu dừa Cô Vui” đạt OCOP 3 sao
Bên cạnh đó, các huyện, thị, thành đoàn cũng chọn 01 xã để hỗ trợ triển khai chương trình OCOP, kết quả có 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Từ đây đến cuối năm 2024, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hoàn thiện hồ sơ để đề nghị về Ủy ban nhân tỉnh tiếp tục đánh giá và công nhận các sản phẩm OCOP của thanh niên, người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
Chương trình OCOP đã tạo động lực, giúp người sản xuất đổi mới tư duy, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, sản xuất theo đúng các quy định của nhà nước, từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển. Các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh những hiệu quả và sự lan tỏa, việc triển khai chương trình OCOP cũng đã huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Qua đó, tạo cơ hội cho cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tìm kiếm thông tin thị trường, khách hàng và ký các hợp đồng đại lý tiêu thụ và hợp tác phát triển sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.
QUỐC DƯƠNG – BPT