Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Tái khởi động dự án điện hạt nhân giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn

 Các chuyên gia ngành điện cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi để tái triển khai. Như với một nhà máy điện than, nếu tích trữ 2 tuần than để hoạt động cần diện tích kho chứa bằng một sân bóng. Nhưng với điện hạt nhân, có thể tích trữ nhiên liệu 2 năm cho nhà máy chỉ trong một cái vali.

Cùng với việc đào tạo nhân lực, việc chọn công nghệ nào cho dự án điện hạt nhân của Việt Nam và các vấn đề liên quan là việc cần tính toán kỹ càng. Việt Nam không nên vì mức chào giá rẻ của nước nào đó mà thay đổi quyết định với đối tác đã chọn.

Tính toán cẩn trọng quy mô lò phản ứng hạt nhân

Chia sẻ với PV Tiền Phong, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, nếu so với các nguồn năng lượng như điện than, ngoài việc lo ngại tâm lý về vấn đề an toàn, điện hạt nhân có những lợi thế ưu việt hơn.

Trong bối cảnh không còn các nguồn thủy điện lớn để phát triển, việc nhập khẩu than, khí chịu tác động của biến động thế giới, Việt Nam đang rất cần nguồn điện ổn định để chạy nền, đồng thời đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi và cam kết Net Zero vào năm 2050.

​Phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn

“Chúng ta tiếp tục tăng trưởng kinh tế thì làm điện hạt nhân là việc không thể không thực hiện. Các nước trên thế giới đã lựa chọn điện hạt nhân là nguồn giảm phát thải trong phát triển năng lượng”, ông Đình nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, việc chọn công nghệ nào cho điện hạt nhân và quy mô triển khai ra sao sẽ là những vấn đề cần ưu tiên trong quá trình tái khởi động lại dự án cùng với việc tăng cường đào tạo và chuẩn bị các nguồn lực để đầu tư.

“Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc chọn lò công suất nhỏ hay quy mô lớn. Tôi cho rằng, không nên chọn các lò điện hạt nhân quy mô 100 MW. Công suất này không giải quyết được nhu cầu thực tế trong khi quy trình vận hành, đảm bảo an toàn của các lò nhỏ hay to đều thực hiện như nhau. Chưa kể các lò công suất nhỏ chưa chứng minh được tính hiệu quả”, ông Đình nói.

“Quan điểm của tôi khi làm điện hạt nhân là không chọn lò nhỏ, phải chọn sử dụng công nghệ mới nhất, lò quy mô lớn phù hợp hơn với nhu cầu của Việt Nam hiện nay. Không thể đánh cược làm điện với những dạng hình lò hạt nhân cỡ nhỏ, chưa được kiểm chứng”.Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh

Cũng theo ông Đình, việc chọn lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 (lò III+) đã được nêu trong phương án triển khai điện hạt nhân của Việt Nam trước đây cho dự án Ninh Thuận. Bản thân Nhật Bản đang sử dụng lò thế hệ này với nhiều cải tiến và được chứng minh ngày càng an toàn hơn. Những lo ngại về chất thải phóng xạ và thanh nhiên liệu sau khi đốt không phải vấn đề không thể giải quyết.

Theo các quy định và cam kết thực hiện về chống phổ biến vũ khí hạt nhân, các thanh nhiên liệu sau khi sử dụng sẽ được thu lại theo nguyên tắc nước nào cấp lò thì sẽ phải thu lại thanh nhiên liệu. Còn các vật liệu khác sẽ được xử lý theo quy định chung về xử lý chất thải điện hạt nhân.

“Vấn đề quan trọng nhất lúc này là quyết tâm thực hiện dự án điện hạt nhân. Việc đào tạo nhân sự cũng phải quan tâm do những nhân sự đào tạo trước đó hiện đã dời đi, chuyển làm công tác khác hoặc đứt quãng đào tạo trong 10 năm qua.

Thực tế số nhân sự đào tạo chuyên sâu về hạt nhân không nhiều nên có thể thực hiện đào tạo lại. Đây không phải vấn đề quá khó để giải quyết. Vấn đề chính nữa là phải tìm được đối tác đồng hành lâu dài với Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân và cung cấp vốn.

Khi chọn đối tác thì cũng không nên vì mức giá chào của đơn vị mà thay đổi quyết định của mình. Nhiều dự án lớn của các nước đã bị thay đổi khi có nước nhảy vào chào thầu với mức giá rẻ hơn hẳn”, ông Đình nhận định.

Nhiều thuận lợi

Các chuyên gia ngành điện cho rằng, việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đang trong giai đoạn thuận lợi để tái triển khai. Như với một nhà máy điện than, nếu tích trữ 2 tuần than để hoạt động cần diện tích kho chứa bằng một sân bóng. Nhưng với điện hạt nhân, có thể tích trữ nhiên liệu 2 năm cho nhà máy chỉ trong một cái vali.

Về tính hiệu quả, các nghiên cứu thực tế cho thấy, điện hạt nhân có công suất khả dụng cao nhất trong các nguồn điện. Cụ thể, với một nhà máy điện hạt nhân công suất 1.000 MW, sẽ phát điện tới 92% công suất thiết kế trong khi một nhà máy điện khí tương đồng về công suất chỉ có thể phát được 56% công suất thiết kế.

Còn với nhà máy điện gió và mặt trời sẽ thấp hơn nhiều, chỉ lần lượt đạt 35,4% và 24,9%. Điều này cho thấy, cùng với một công suất lắp đặt, một nhà máy điện hạt nhân hiệu quả tương đương 2 nhà máy điện khí hoặc 3 nhà máy điện gió, hoặc bằng 4 nhà máy điện mặt trời.

Với công suất khả dụng cao như vậy và hoạt động ổn định, không phụ thuộc thời tiết như các loại hình thủy điện, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong chuyển dịch năng lượng của Việt Nam nếu xét ở vai trò điện chạy nền ổn định để phát triển năng lượng tái tạo.

Về phát triển điện hạt nhân, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Vương Hữu Tấn, nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam là nước đi sau về điện hạt nhân, dĩ nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhưng không phải là không có thuận lợi.

Việt Nam đã có thời gian dài chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây, và đã có những chuyên gia hiểu biết tốt về dự án điện hạt nhân để tư vấn cho Chính phủ.

Cụ thể, Việt Nam đã đào tạo hơn 300 nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thông qua các chương trình hợp tác với Nga và Nhật Bản trong khuôn khổ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Cùng với đó, Việt Nam đã đào tạo khá nhiều cán bộ cho cơ quan pháp quy hạt nhân và các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật thông qua hợp tác với IAEA, liên minh châu Âu và các nước công nghiệp điện hạt nhân.

Cũng theo ông Tấn, Việt Nam đã xây dựng, ban hành Luật Năng lượng nguyên tử vào năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành về nhà máy điện hạt nhân. Trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vừa qua, các cơ quan liên quan đã rút ra được những khiếm khuyết của hệ thống văn bản để chỉnh sửa trong thời gian tới.

Công nghệ lò SMR nhiều triển vọng hơn

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Đại Diễn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho rằng, để tái triển khai dự án điện hạt nhân sau nhiều năm tạm dừng, Việt Nam cần ưu tiên trước mắt liên quan đến cơ chế, huy động vốn hay đào tạo nhân lực, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn phóng xạ để có thể rút ngắn việc triển khai cũng như có bước chuẩn bị tốt nhất cho dự án quan trọng này của đất nước

Theo ông Diễn, điều kiện tiên quyết và cần có là một Ban chỉ đạo Nhà nước như từng có trước đây. Ban chỉ đạo cần thể hiện được “quyết tâm chiến lược”, để thực thi cần có lãnh đạo cấp cao (Thủ tướng Chính phủ chẳng hạn) và cần có cơ chế để Ban chỉ đạo hoạt động với việc điều phối các nhà tư vấn thích hợp. Về chính sách, cần có các nhà quản lý như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh… Về chuyên môn cần chuyên gia có chuyên môn.

Về huy động vốn cần các nhà hoạch định chính sách, ngân hàng…. Cùng với đó, để làm việc với đối tác, cần dựa trên cơ sở pháp luật, văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Việt Nam cũng như quốc tế (nếu ta còn thiếu). Do đó, Luật Năng lượng nguyên tử đã có hiệu lực từ 2009, cần được xem xét sửa đổi cho phù hợp với xu thế mới.

Để đào tạo nguồn lực có chất lượng cho dự án điện hạt nhân, theo ông Diễn, cần nắm bắt và từng bước làm chủ công nghệ trong các khâu quan trọng như: Điều khiển lò phản ứng, xử lý hoặc tái xử lý nhiên liệu đã cháy, sản xuất nhiên liệu. Việc đào tạo cần tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực và tài chính.

Liên quan đến việc Việt Nam nên chọn công nghệ nào khi triển khai dự án đầu tiên ở Việt Nam, theo ông Diễn, các công nghệ lò SMR có nhiều triển vọng hơn với Việt Nam do nhân lực vận hành không nhiều. Loại công nghệ lò này an toàn, tránh được nhiều sự cố khởi phát như các lò thế hệ II, III. Cùng đó, chu kỳ thay đảo nhiên liệu dài (5-10 năm một lần), diện tích lò nhỏ, thuận lợi trong việc chọn địa điểm và kèm đó là chi phí thấp, thời gian xây dựng ngắn.

Cũng theo vị chuyên gia này, thực tế hiện nay, những ưu điểm nêu trên mới chỉ là “triển vọng”. Theo IAEA, năm 2024 có 68 thiết kế lò điện hạt nhân SMR đang được nghiên cứu phát triển ở mức độ rất khác nhau, từ thiết kế ý tưởng đến hoàn chỉnh thiết kế, xin cấp phép, thậm chí là đang xây dựng.

“Về ý kiến cho rằng, nên thử nghiệm ở quy mô lò công suất nhỏ cho dự án đầu tiên của Việt Nam là chưa thực tế. Lưu ý, lò công suất nhỏ không có nghĩa là công nghệ đơn giản.

Theo ý cá nhân tôi, lò VVER-1200 (AES2006) cho dự án Ninh Thuận 1 ở Phước Dinh nên được xem xét ưu tiên vì đang xây dựng và vận hành ở Nga, Belarus, Bangladesh…Việc này sẽ giúp tránh lãng phí thời gian tìm hiểu từ đầu, sử dụng các kết quả hợp tác với họ trong đánh giá địa điểm, các đánh giá của phía Việt Nam trước đây”, ông Diễn nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia năng lượng, các dự án SMR đầu tiên sẽ có chi phí rất cao (do lần đầu tiên được triển khai), tương lai còn khá bất định. Dự báo, SMR sẽ có chi phí hợp lý thậm chí là rẻ trong tương lai xa (dự án SMR thương mại hóa đầu tiên sẽ xuất hiện vào 2030). Nửa cuối thế kỷ 21 các SMR mới có thể triển khai (khi minh chứng được an toàn, kinh tế), ví dụ Indonesia đặt SMR trong tầm ngắm từ 2050 – 2060.