Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

CHÙA CAN SNOM (CĂN NOM) – BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA VÀ CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG BÀO KHMER TRÀ VINH

Chùa Can Snom (Căn Nom) tọa lạc tại ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Được xây dựng từ năm 1747 (Phật lịch 2291), chùa là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa lâu đời của cộng đồng người Khmer trong vùng. Với khuôn viên rộng trên 74.000 m², nơi đây không chỉ mang đậm giá trị kiến trúc, nghệ thuật mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.

Hình 1. Chùa Can Snom (Căn Nôm)

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm Nam Bộ, chùa Can Snom đã sớm trở thành một cơ sở cách mạng quan trọng.

Tháng 2/1946, thực dân Pháp huy động một tiểu đội lính do hai sĩ quan Pháp chỉ huy tiến đánh vùng Nhị Trường. Tuy nhiên, lực lượng cách mạng phối hợp cùng nhân dân địa phương đã tổ chức kháng cự quyết liệt. Một trong những điểm tập kết, truyền thông tin và hậu cần quan trọng lúc bấy giờ chính là khuôn viên chùa Can Snom.

Thời kỳ 1946 – 1950, sư sãi trong chùa phối hợp với các cán bộ địa phương tổ chức các lớp bình dân học vụ, bí mật phổ biến chủ trương kháng chiến, dạy chữ cho đồng bào Khmer nhằm nâng cao dân trí và khơi dậy lòng yêu nước.

Chùa là nơi liên lạc, nuôi giấu cán bộ, đồng thời cung cấp lương thực, vật dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng kháng chiến hoạt động trên địa bàn xã Trường Thọ và các vùng phụ cận như Nhị Trường, Nguyệt Hóa.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, chùa Can Snom tiếp tục phát huy vai trò là điểm tựa tinh thần và vật chất của phong trào cách mạng địa phươnG.

Cuối năm 1957, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, phong trào đàn áp Phật giáo và cách mạng ở miền Nam diễn ra khốc liệt. Chùa Can Snom là nơi in ấn, phát truyền đơn, kêu gọi đấu tranh phản đối chính sách đàn áp sư sãi, bắt lính, lập ấp chiến lược.

Giai đoạn 1959 – 1960, khi phong trào Đồng Khởi lan rộng khắp miền Nam, sư sãi chùa Can Snom cùng phật tử tích cực tham gia tổ chức các cuộc biểu tình, phản đối chính quyền tay sai. Một số nhà sư đã đào hầm bí mật ngay trong chùa để nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Nhiều vị sư sau khi hoàn tục đã thoát ly tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ nòng cốt của địa phương. Tiêu biểu như các vị sư Canl, Sơi, Phách, Dương… những người không chỉ tuyên truyền tinh thần yêu nước trong cộng đồng Phật tử Khmer mà còn trực tiếp cầm súng, tham gia chiến đấu.

Giai đoạn 1965 – 1968, khi chiến tranh leo thang, quân đội Mỹ và Sài Gòn liên tục tổ chức càn quét vùng căn cứ kháng chiến, chùa Can Snom bị đưa vào tầm ngắm. Tuy nhiên, nhờ sự che chở của đồng bào và sư sãi, nhiều cán bộ vẫn an toàn thoát khỏi các đợt càn lớn.

Ngày nay, chùa Can Snom không chỉ là một di tích lịch sử ghi dấu những chiến công thầm lặng mà còn là trung tâm văn hóa – tín ngưỡng của đồng bào Khmer huyện Cầu Ngang.

Hình 2. Lễ công bố và đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia

Ngày 13/6/2013, chùa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh, nhằm ghi nhận vai trò to lớn của chùa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Hình 3. ĐVTN, học sinh tham quan, tìm hiểu địa chỉ đỏ – di tích chùa Can Snom

Đây là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng nhân ái, vị tha cho thế hệ trẻ, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Chùa cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội truyền thống của người Khmer như Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok… góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Di tích chùa Can Snom là minh chứng sống động cho sự gắn bó keo sơn giữa đạo và đời, giữa Phật giáo Nam Tông Khmer với công cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Với vai trò đặc biệt trong lịch sử dân tộc, chùa Can Snom xứng đáng là địa chỉ đỏ, là niềm tự hào của nhân dân Trà Vinh nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.

Huyện đoàn Cầu Ngang