Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Chùa Giác Linh (Chùa Dơi) – Di tích lịch sử và văn hóa tại Trà Vinh

Chùa Giác Linh, còn được gọi là Chùa Dơi, tọa lạc tại ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 30 km về hướng Đông Nam và cách thị trấn Cầu Ngang hơn 5 km về hướng Đông Bắc, ngôi chùa này được xây dựng trên một động cát cao, tạo nên không gian yên bình và thanh tịnh.

Lịch sử hình thành

Chùa Giác Linh được ông Dương Quang Sơn, một người Hoa gốc Triều Châu, xây dựng vào năm Tân Mùi 1871. Ban đầu, chùa chỉ là một miếu thờ nhỏ mang tên Linh Sơn Điện. Đến năm 1937, nhân dân địa phương xây dựng lại và lấy tên là Giác Linh Tự. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Linh Sơn Điện đã là tụ điểm hội họp, sinh hoạt của những nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp trong tổ chức Thiên Địa Hội. Năm 1922, tổ chức Thanh Niên Đỏ của tỉnh được thành lập nơi đây, trong đó có đồng chí Dương Quang Đông. Mùa xuân năm 1930, Chi bộ Mỹ Long, một trong ba chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trà Vinh được thành lập tại Linh Sơn Điện và chọn nơi này hội họp thường xuyên trong những năm đầu ra đời. Giai đoạn năm 1934 – 1935, Linh Sơn Điện được chọn làm trụ sở của cơ quan liên tỉnh uỷ Vĩnh – Trà – Bến. Những ngày cận Cách mạng Tháng 8 năm 1945, để nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, tại chùa Giác Linh diễn ra cuộc họp trù bị nhằm củng cố lại Xứ uỷ do đồng chí Dương Quang Đông triệu tập. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ni cô Phụng, một bậc chân tu của chùa đã dùng tiếng mõ làm tín hiệu triệu tập hoặc giải tán cán bộ cách mạng khi hội họp hay lẫn tránh lúc có động. Sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ni cô Phụng trở thành ni sư trụ trì chùa. Dưới sắc áo nhà tu ni cô Phụng che được mắt bọn địch, bằng những chuyến hành hương đã vận chuyển vũ khí cho tổ chức cách mạng. Những năm 1966-1967, chiến tranh ác liệt, mặt phía Tây Nam trong khuôn viên chùa một hệ thống chiến hào dài hơn 300m được đào nhằm chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Cũng trong giai đoạn này, dựa vào sự tĩnh mịch của chốn tu hành, sự um tùm của cây cối, hàng chục hầm bí mật được đào trong khuôn viên chùa để cán bộ lẫn tránh. Đặc biệt, cả đại hồng chung của chùa cũng hiến cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc. Năm 1970, địch đến đóng đồn sát rào chùa, nhằm khống chế cách mạng vùng Mỹ Long và cũng để theo dõi các nhà tu hành. Dù vậy, ni sư Phụng vẫn một lòng, một dạ bám trụ chùa để tiếp tục hoạt động.

Kiến trúc và không gian

Chùa Giác Linh nổi bật với kiến trúc truyền thống, mái ngói vút cong và các hoa văn chạm trổ tinh xảo. Khuôn viên chùa rộng rãi, được bao phủ bởi cây xanh và nhiều cây cổ thụ. Trước đây, khu vực này là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, đặc biệt là dơi quạ, nên người dân địa phương gọi chùa là “Chùa Dơi”.

Hình 1: Đoàn viên thanh niên chụp ảnh lưu niệm trước Cổng chùa Giác Linh

Hình 2: Hướng lên Linh Sơn điệnnơi hội họp thường xuyên của Chi bộ Mỹ Long trong những năm đầu thành lập

Hình 3: ĐVTN, học sinh tham quan, nghe thuyết trình, giới thiệu về di tích Chùa Giác Linh

Giá trị văn hóa và tâm linh

Chùa Giác Linh là một trung tâm tôn giáo quan trọng của cộng đồng Khmer tại Trà Vinh, thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Chùa không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi tổ chức các lễ hội, nghi thức tôn giáo, góp phần duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, tâm linh của cộng đồng.

Di tích cấp quốc gia

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt, Chùa Giác Linh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết Định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/01/1998.

Chùa Giác Linh không chỉ là một điểm đến tâm linh mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa quý báu của vùng đất Trà Vinh.

Huyện đoàn Cầu Ngang