Di tích lịch sử cấp tỉnh – Biểu tượng đoàn kết và đấu tranh cách mạng của đồng bào Khmer Trà Vinh
Chùa Vel Lac, còn gọi là chùa Lạc Hòa, tọa lạc tại ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính và có giá trị lịch sử đặc biệt của đồng bào Khmer Nam Bộ. Với những đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 1128/QĐ-UBND ngày 13/6/2013.
Hình 1. Ngôi chánh điện chùa Vel Lac (Lạc Hòa)
Lịch sử hình thành và kiến trúc
Chùa Vel Lac được xây dựng vào năm 2194 Phật lịch, tức năm 1650 dương lịch, trên khuôn viên rộng 66.650 m². Trải qua thời gian, ngôi chùa đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ, với các hạng mục như chính điện, tăng xá, sa la và hệ thống đá Sây Ma (đá kiết giới) xung quanh nền chánh điện.
Vai trò trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chùa Vel Lac là nơi Chi bộ xã Ngũ Lạc được thành lập năm 1937, với sự tham gia của đồng chí Lâm Văn U – Bí thư Chi bộ và sư cả Thạch Hiên. Chùa trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, nơi tuyên truyền, vận động quần chúng giữ gìn khối đoàn kết dân tộc và đấu tranh chống lại âm mưu chia rẽ của thực dân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng. Các vị sư như sư cả Canh, sư cả Kheạn, Acha Panh (Tư Nhân) đã tích cực tham gia đấu tranh, in ấn truyền đơn, nuôi chứa cán bộ và tổ chức các cuộc biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Đặc biệt, trong phong trào Đồng khởi đêm 14/9/1960, các vị sư và phật tử chùa Vel Lac đã tham gia xuống đường, góp phần giải phóng xã nhà vào ngày 17/9/1960.
Những đóng góp và hy sinh
Chùa Vel Lac không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động cách mạng mà còn là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng, sau này trở thành lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước như ông Nguyễn Trường Thọ – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; Dương Chí Hòa – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cửu Long; Trần Lái – nguyên Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận tỉnh Trà Vinh.
Trong cuộc hành quân càn quét ngày 05/3/1966, địch đã đổ bộ 2 tiểu đoàn chủ lực cùng 12 xe bọc thép M.113 xuống ấp Lạc Hòa. Một đại đội địa phương quân của ta đã kiên cường chiến đấu và hy sinh 33 chiến sĩ. Các vị sư chùa Vel Lac đã phối hợp với các chùa khác thu gom thi thể, hiến hàng chục cây dầu để đóng hòm phục vụ việc mai táng.
Đầu năm 1972, Tiểu đoàn 509 do đồng chí Đỗ Phú Hải chỉ huy đã tổ chức lực lượng đánh tiêu diệt đồn phòng vệ của địch ở Lạc Hòa. Trong các trận đánh này, bộ phận chỉ huy được đặt tại chùa. Ngày 27/4/1972, địch sử dụng 6 chiếc phi cơ F5 cùng pháo 155 ly dội bom, làm ngôi chính điện bị sụp đổ một phần, tăng xá và sa la bị thiêu rụi hoàn toàn.
Hình ảnh đá Sây Ma (đá kiết giới) xung quanh nền chánh điện
Giá trị lịch sử và văn hóa
Chùa Vel Lac là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và ý chí đấu tranh kiên cường của đồng bào Khmer Nam Bộ. Những đóng góp to lớn của chùa trong các cuộc kháng chiến đã được ghi nhận và trở thành niềm tự hào của nhân dân Trà Vinh. Ngày nay, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Huyện đoàn Cầu Ngang