Dẫu cung đường còn lắm gập ghềnh, nhưng ở miền biên viễn có những người thầy cô giáo đã tình nguyện dành cả thanh xuân cho những đứa trẻ vùng cao, đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Ngày dạy thể dục, tối đến thầy Sùng A Trừ đảm nhận việc dạy chữ cho các em nhỏ người Mông ở Chế Tạo – Ảnh: HÀ THANH
Khắp bốn bề toàn là rừng núi, những con đường dốc, những đứa trẻ thân hình nhỏ bé, làn da đen nhẻm, mái tóc cháy nắng. Dẫu biết rằng khó khăn vất vả nhưng không chỉ riêng tôi mà tất cả đồng nghiệp của tôi luôn xác định việc gieo chữ ở vùng cao thì phải biết chấp nhận hy sinh.
Thầy giáo SÙNG A TRỪ
Người con dân tộc Mông về lại bản làng dạy chữ
Cách trung tâm thị trấn Mù Cang Chải chừng 35km, phải băng qua cung đường núi hiểm trở mới đến được điểm trường chính Chế Tạo. Nơi đây được ví von là “nơi cùng trời” của mảnh đất Yên Bái, hiện có 530 em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông đang theo học.
Là người dân tộc Mông, thầy Trừ hiểu rõ hơn ai hết con đường đến trường của học trò vất vả ra sao. Thương học trò, đôi chân rắn rỏi của người thầy lại ngược núi, băng rừng, đi vào tận bản làng sâu đưa các em đến trường, đến lớp theo đuổi con chữ.
“Khi làm trong ngành giáo dục, tôi tự nhủ với bản thân rằng phải cố gắng để con em mình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi sẽ tạo ra những gì ấn tượng nhất cho các em, để các em thích đi học, thích đến trường. Tôi sẽ cống hiến hết tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp giáo dục” – thầy Sùng A Trừ tâm niệm.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy lựa chọn quay trở về quê hương. Suốt 12 năm qua, thầy luôn nỗ lực đem con chữ đến cho những đứa trẻ vùng cao Mù Cang Chải.
Vốn là giáo viên dạy giáo dục thể chất, thầy kiêm luôn dạy chữ cho trẻ. Sau mỗi giờ tan lớp, thầy tranh thủ thời gian soạn bài giảng, tối đến tập trung giúp đỡ các em học sinh học tiếng Việt.
Thầy Trừ bảo khó khăn nhất là một số học sinh nhỏ tuổi chưa đọc được bằng tiếng phổ thông, do đó phải kiên nhẫn giảng dạy, hướng dẫn cho các em nhỏ bằng tiếng địa phương.
Thầy còn đề ra sáng kiến để các bạn học sinh lớn tuổi hơn kèm cặp các em nhỏ để nhận biết mặt chữ, giúp đỡ nhau trong học tập, cùng nhau tiến bộ.
Thầy và trò nơi miền biên viễn đang nỗ lực ngày đêm để học con chữ – Ảnh: HÀ THANH
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, thầy Mùa Thế Quỳnh – hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Chế Tạo – nói: “Thầy Trừ là người có năng lực trong công tác giảng dạy, nhiều năm được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Thầy thường xuyên quan tâm đến học sinh, giáo dục kỹ năng sống và sát sao với học sinh”.
15 năm cắm bản dạy trẻ em người Mông
“Ngày đầu lên đây, cảm giác rất hụt hẫng vì tôi không biết tiếng địa phương” – cô giáo Đỗ Thị Loan (38 tuổi, phó hiệu trưởng Trường mầm non Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải) không giấu được xúc động, nhớ lại những ngày đầu tình nguyện lên cắm bản vùng cao.
22 tuổi, cầm trên tay quyết định hợp đồng với mức lương giáo viên mầm non chỉ vỏn vẹn… 400.000 đồng/tháng, ngày đó trong cô cũng thoáng lên suy nghĩ ái ngại.
Suốt 15 năm qua, cô giáo Đỗ Thị Loan đã dành tình yêu thương, tâm huyết để dạy chữ cho trẻ em vùng cao – Ảnh: HÀ THANH
Đường sá, phương tiện đi lại khó khăn, nhưng trở ngại lớn nhất với cô giáo trẻ chính là việc bất đồng ngôn ngữ với học sinh. Cô Loan chia sẻ, ở đây 100% học sinh đều sử dụng tiếng dân tộc trong cuộc sống.
Là người Kinh, không biết nói tiếng Mông, cô Loan tự động viên bản thân học tiếng địa phương từ đồng nghiệp đi trước, từ chính phụ huynh để hiểu hơn về học trò của mình.
“Hơn một năm sau, các từ giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống cũng như mong muốn, trao đổi của các con, tôi đã hiểu được và có thể sử dụng được tiếng địa phương” – cô Loan bày tỏ.
Suốt 15 năm qua, không dừng lại ở việc gieo chữ, cô giáo Đỗ Thị Loan luôn trăn trở, ấp ủ về những sáng kiến nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng cao hay hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa cho đồng bào dân tộc Mông.
Trong quá trình giảng dạy, cô áp dụng phương pháp giảng dạy song ngữ (tiếng Việt – tiếng dân tộc Mông) để tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ.
Trong lớp học, cô giáo lên ý tưởng trang trí lớp học với những hình ảnh trang phục của đồng bào dân tộc. Trong tuần, tổ chức hoạt động múa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bố trí “góc địa phương” mở phiên chợ vùng cao ở sân trường để giúp các em nhỏ không quên được những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Các em học sinh ở Trường mầm non Kim Nọi tham gia hoạt động múa hát với làn điệu dân tộc – Ảnh: HÀ THANH
Thầy Sùng A Trừ và cô Đỗ Thị Loan là hai trong số 68 giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.
Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và đào tạo… phối hợp tổ chức trong dịp lễ 20-11, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn