Tiếp nối chuyên đề tuần 39, chủ đề “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số” tiếp tục cập nhật số liệu triển khai Đề án tại Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 tại bộ, ngành, địa phương để các đơn vị nhìn nhận, hoàn thiện các nhiệm vụ tại quyết định này.
Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án).
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Đề án, các bộ, ngành và địa phương đã rất nỗ lực và tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước không ngừng được nâng cao ở các cấp chính quyền thông qua nhiều hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng. Nhân lực chuyên trách CNTT/chuyển đổi số trong các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng về chuyển đổi số. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã trong toàn quốc, là cấp chính quyền gần và sát với người dân nhất, đã được ưu tiên bồi dưỡng về chuyển đổi số theo Chương trình bồi dưỡng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhằm thống nhất nhận thức để cùng hành động triển khai chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã:
– Xây dựng Cổng thông tin điện tử về Chuyển đổi số quốc gia với 09 Cổng thành phần đăng tải các nội dung chuyên đề về chuyển đổi số.
– Phát động và tổ chức Cuộc thi sáng tác Biểu trưng (Logo) về chuyển đổi số, Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia – Viet Solutions” năm 2022.
– Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Ngày Chuyển đổi số quốc gia và đã tổ chức thành công Chương trình Chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia đầu tiên vào ngày 10/10/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.
– Khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ (Nền tảng One Touch) và tổ chức khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đơn vị chuyên trách CNTT các bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã và phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân tại các địa phương trên Nền tảng One Touch. Đến nay, đã có gần 13 triệu lượt truy cập vào Nền tảng One Touch.
Báo cáo đã đưa ra cụ thể số liệu thống kê từ việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án, số liệu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như tổ chức cá nhân tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đã có đến 196.340 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số. Có hơn 188.738 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn “Phổ cập kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng” trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
Bên cạnh đó báo cáo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm triển khai của Thanh Hóa, Bình Phước để từ đó Bộ Thông tin và Truyền thông kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung liên quan đến hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 146 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 5 nội dung cụ thể.
Kết quả triển khai Đề án trong thời gian vừa qua là đáng ghi nhận, nhưng chặng đường chuyển đổi số phía trước còn dài. Để chuyển đổi số thành công đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân. Do vậy, các nhiệm vụ và giải pháp của Đề án cần được các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm thúc đẩy triển khai. Trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm vấn đề phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số. Trong đó tập trung vào các nội dung bao gồm:
(1) Tổ chức triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số.
(2) Tổ chức triển khai Chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, liên kết các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp.
(3) Hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở liên kết 1.000 cán bộ từ các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ số để gắn kết sức mạnh tri thức, thúc đẩy chuyển đổi số.
Nguồn: tainangtre.vn