Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

‘Bữa cơm yêu thương’ mang sắc xanh tuổi trẻ xứ Nghệ

Cứ đến cuối tuần, thấy màu áo xanh thanh niên đi chợ mua thực phẩm, người dân xã Liên Thành, huyện Yên Thành lại cho gạo, cho trứng, cho rau… Bởi đã 5 năm nay, các bạn trẻ đã đều đặn làm một việc là nấu “Bữa cơm yêu thương” tặng người già cả, neo đơn.

“Những đứa con khoác áo đoàn viên”

Sáng thứ Bảy, nghe tiếng “tinh tinh” của điện thoại thông báo “sáng nay nấu cơm tặng mẹ Tuyết ở xóm 3 và bố Lưu ở xóm Chùa Thàng nhé”, những thành viên nhóm soạn sửa đến nơi “tập kết”. Đã 5 năm nay, nấu cơm tặng người già cả, neo đơn đã trở thành hoạt động thường xuyên của đoàn viên, thanh niên xã Liên Thành (Yên Thành). Mỗi lần nấu cơm, nhóm trưởng sẽ thông báo thông qua nhóm chat trên điện thoại.

Từ sáng sớm, trước mảnh vườn nhỏ của “mẹ Tuyết”, những “đứa con” khoác màu áo xanh tình nguyện đã ríu rít, vừa trò chuyện, vừa quét dọn, vừa chuẩn bị sơ chế thực phẩm. Căn nhà bếp được xây dựng hơn 50 năm phủ một màu rêu mốc, cũ kỹ, người ra, vào phải cúi lom khom để không bị đụng chắn cửa.

133245543375307581_1 (93)

Đoàn viên, thanh niên xã Liên Thành chuẩn bị “Bữa cơm yêu thương” tại căn bếp của “mẹ Tuyết”

“Mẹ Tuyết” đã 76 tuổi, đứng ở cửa, miệng cười tươi rói nheo nheo mắt nhìn “các con” nấu cơm, dọn nhà, móm mém cười nói: “Mẹ sống một thân một mình hơn nửa đời người, chăm lo thờ cúng anh trai là liệt sĩ. Mẹ không có con cái, lại bị bệnh thoát vị đĩa đệm, bị bệnh huyết áp nên đi lại khó khăn lắm. Thường ngày mẹ nấu cơm một bữa để ăn cả ngày. Nhiều hôm mệt nhọc thì nằm nghỉ không muốn ăn uống. May nhờ các con đoàn viên, thanh niên thường ghé thăm nên mẹ đỡ hiu quạnh”.

Nói rồi, “mẹ Tuyết” ngồi ở bậc cửa nhìn đàn con áo xanh vui vẻ cười đùa râm ran một góc sân, ánh mắt mẹ ánh lên niềm vui lấp lánh. Trong góc bếp nhỏ hẹp, thấp lè tè, các bạn đoàn viên vừa xào nấu, vừa rổn rảng trò chuyện. Việc nấu một mâm cơm gia đình đã trở nên quen thuộc nên bạn nào cũng nhanh thoăn thoắt. Người rửa rau, người nấu thịt, rán nem… Cô bạn Hằng Nguyệt khéo tay thì bày biện trang trí hoa cà chua, rau xà lách cho đĩa nem rán thơm lừng. “Hôm nay chú Thống góp trứng gà nhà, anh Vựng thì góp rau trong vườn. Em ra chợ mua thịt thì được các chị ở chợ giảm giá hẳn một nửa. Mỗi bữa cơm tặng các mẹ có đủ món ăn mặn, rau, thịt hoặc cá trị giá khoảng 150 ngàn đồng” – Hằng Nguyệt – Phó Bí thư Đoàn xã Liên Thành vừa dọn mâm cơm vừa nói.

133245544248958389_2 (73)

“Mẹ Tuyết” hạnh phúc vì được các con quan tâm, chăm sóc

Chúng tôi băn khoăn hỏi Hằng Nguyệt tại sao lại gọi thành viên đoàn mình là chú? Cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn liền nói, mô hình “Bữa cơm yêu thương” do Đoàn xã Liên Thành duy trì đã 5 năm, tổ chức mỗi tháng 2 lần vào ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đều tham gia. Có những hôm đông người tham gia quá, chúng em phải “chia lịch”. Ở xã Liên Thành, nhiều anh chị đã có gia đình, con cái đã lớn, đã quá tuổi Đoàn nhưng vẫn tham gia làm bí thư chi đoàn như chú Nguyễn Bá Thống, sinh năm 1978, Bí thư Chi đoàn xóm 3. Hoặc như chú Thái Văn Vựng, sinh năm 1987, Bí thư Chi đoàn xóm 10… “Con của chú Thống vừa học xong lớp cảm tình Đoàn, chuẩn bị đứng vào hàng ngũ Đoàn và hai cha con lại cùng nhau tham gia nấu cơm cho các bố, các mẹ…” – Hằng Nguyệt nói thêm.

Nói rồi, Hằng Nguyệt bưng mâm cơm với đầy đủ dinh dưỡng còn nóng hổi đặt ở chiếc bàn nhỏ ở gian nhà chính của “mẹ Tuyết”, là ngôi nhà tình nghĩa các nhà hảo tâm và chính quyền kêu gọi xây tặng mẹ đã 3 năm. Giữa nhà đặt trang trọng bàn thờ anh trai “mẹ Tuyết”, là liệt sĩ chống Mỹ cứu nước. Những đứa con mang màu áo xanh ríu rít đứng vây quanh, anh Nguyễn Bá Thống vừa xới cơm trao tận tay mẹ Tuyết vừa nói “mời mẹ”. Ngồi bên mâm cơm, bà Tuyết lau vội dòng nước mắt chớm rưng rưng, chực chảy xuống đôi gò má lốm đốm dấu vết của thời gian với những đồi mồi, chân chim. Không khí có chút chùng xuống bởi sự xúc động của mẹ.

133245547234092648_3 (72)

 Niềm vui của “mẹ Tuyết”

Người cháu của bà Tuyết đứng ở sau vội cất lời xua tan sự trầm lắng: “Biết hôm nay các con đến nấu cơm, “mẹ Tuyết” đã mua bia để “nhắm”, để cháu mang lên nhé? Mọi cười cười xòa vui vẻ, ngôi nhà nhỏ lại rộn rã tiếng nói, tiếng chào… Tạm biệt “mẹ Tuyết”, những đứa con khoác màu áo đoàn viên lại đến xóm Chùa Thàng tiếp tục nấu mâm cơm tặng ông Nguyễn Đăng Lưu. “Để kịp nấu 2 mâm cơm cho 2 hoàn cảnh kịp dùng bữa trưa, từ đầu ngày nhóm đã phân công 2 đội chia nhau ra để thực hiện song song” – Nguyễn Hằng Nguyệt vừa đi vừa giải thích. Tại xóm Chùa Thàng, trong ngôi nhà cũ kỹ, tường vôi rêu mốc, nhiều góc mạng nhện đã bắt đầu giăng tơ. Ông Nguyễn Đăng Lưu năm nay đã hơn 50 tuổi, không có vợ con, không nghề nghiệp và có dấu hiệu của thiểu năng trí tuệ nên không thể tự kiếm sống nuôi bản thân. Trước đây, ông Lưu sống chung với người mẹ già bị mù lòa. Song hiện nay mẹ của ông mới mất chưa đầy 1 tuần. Họ hàng, bà con chòm xóm đã gom góp giúp làm đám tang cho mẹ của ông. Công việc thờ tự cho mẹ ông Lưu được gửi nhờ ngôi chùa ở địa phương.

“Từ khi mẹ mất, ông Lưu thường đi lang thang, tối về thui thủi một mình trong căn nhà đã xây dựng cách đây hơn 40 năm. Bà con chòm xóm ai thương thì cho ít đồ ăn, thức uống. Ông cũng không thạo nấu cơm nên có hôm đi lang thang, rồi nhịn đói, họ hàng phải đi tìm về” – một bạn đoàn viên Chi đoàn xóm Chùa Thàng cho biết.

133245547610455488_4 (43)

Ông Nguyễn Đăng Lưu chờ mong được “các con” nấu bữa cơm gia đình

Bà Trương Thị Tương, người họ hàng gọi ông Lưu bằng cháu, có nhà ngay cạnh nhà của ông chia sẻ, thường ngày bà đến nhà con trai để trông cháu. Đến bữa cơm thì con dâu của bà lại mang thức ăn đến cho ông Lưu. “Bà năm nay 84 tuổi, con cái đi làm ăn xa nhà. Bà cũng không tự nấu nướng được vì căn bệnh xương khớp, phải nhờ vào con dâu. Thương cháu Lưu một thân một mình nên các con của bà thường mang thức ăn lên cho. Nhưng cũng có hôm các con quá bận, không mang lên được, may nhờ các cháu đoàn viên, thanh niên quan tâm nên cháu tôi mới có được những bữa cơm vui vẻ, nóng hổi như thế này” – bà Trương Thị Tương bày tỏ.

Ngồi trên chiếc chõng tre sát góc sân, trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông khẽ xuất hiện nụ cười khi nhìn các bạn đoàn viên, thanh niên chặt cành cây, phát quang các bụi cây, cỏ dại mọc choán cả một góc vườn nhà. Rồi ông đi đi lại lại ngắm nhìn “các con” vui vẻ vừa nấu cơm, vừa quét dọn nhà cửa.

Lan tỏa nghĩa cử nhân ái

Đúng vào ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), các bạn đoàn viên, thanh niên xã Liên Thành lại tiếp tục nấu những “Bữa cơm yêu thương” tặng các mẹ Nguyễn Thị Thắm ở xóm 3 và mẹ Phan Thị Bình ở xóm 2. Ngày lễ kỷ niệm của tuổi trẻ, lại đúng vào dịp nghỉ cuối tuần nên số lượng các đoàn viên, thanh niên tham gia “tăng đột biến”, trong đó, rất nhiều bạn là học sinh các chi đoàn trường học” – Phó Bí thư Đoàn xã Liên Thành Nguyễn Hằng Nguyệt “khoe”.

Cùng đồng hành với các bạn trẻ nhiệt huyết, ông Nguyễn Bá Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Thành cho biết: “Hoạt động nấu cơm tặng các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, neo đơn vào ngày cuối tuần được đoàn viên, thanh niên duy trì bền bỉ đã 5 năm. Ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì mỗi tháng 2 lần hoạt động này chưa có khi nào bị gián đoạn. Đây là hoạt động có sức lan tỏa lớn, được cộng đồng ghi nhận. Vì vậy, bà con xã nhà luôn ủng hộ việc làm của các bạn trẻ…”.

Có nhà ở gần khu chợ của xã Liên Thành, chị Phan Thị Loan cho hay, cứ mỗi buổi sáng vào ngày nghỉ cuối tuần, bà con buôn bán cứ thấy các cháu mặc áo đoàn viên đi ra chợ là ai cũng biết đã đến ngày các hộ gia đình neo đơn, khó khăn lại được các cháu tặng bữa cơm ngon. Bởi vậy mà các bà, các chị bán cá, bán thịt, các đồ gia vị, mắm muối “vừa bán vừa cho” và dành những suất thực phẩm tươi ngon nhất ủng hộ hoạt động ý nghĩa của các cháu.

“Chúng tôi cũng dùng “phây – búc”, nên mỗi cuối tuần có hoạt động của đoàn thanh niên nấu cơm là bà con đều biết. Lại còn được xem nhiều ảnh, nhiều đoạn “cờ – líp” các cháu quay khi nấu cơm, vui nhộn lắm. Mọi khoản ủng hộ đều được các cháu công khai, cập nhật đầy đủ. Các bà, các chị có con, cháu tham gia nấu cơm cũng phấn khởi, còn ủng hộ thêm tiền vì thấy việc làm của các cháu thực sự ý nghĩa, ấm áp tình người. Tuổi còn trẻ mà các cháu kiên nhẫn, bền bỉ làm được một việc suốt nhiều năm, người dân chúng tôi rất tự hào” – chị Loan bày tỏ. Nguyễn Hằng Nguyệt chia sẻ, tuy kinh phí nấu mỗi bữa cơm không nhiều, chỉ khoảng 150.000 – 200.000 đồng, nhưng đó là cả sự nỗ lực, nhiệt tâm của mỗi thành viên. Những lúc tham gia nấu cơm, bản thân mỗi bạn đoàn viên, thanh niên ai có rau thì góp rau, có trứng thì góp trứng. Có bạn thì góp dăm gói muối ăn, chai nước mắm… Có anh chị có khả năng kinh tế khá hơn thì ủng hộ tiền mua nồi, mua chảo giúp nhóm có “công cụ” nấu cơm ngon hơn.

Những “đứa con áo xanh” cũng chia sẻ rằng, “lâu dần thành quen, nếu không được tham gia nấu cơm chúng em lại thấy thiếu thiếu, lại thấy nhớ nhớ các ông, các bà đang cô đơn mong ngóng…”. Còn chúng tôi, tuy chỉ đồng hành cùng các bạn một khoảng thời gian ngắn trong chuỗi những năm tháng mà các bạn đã bền bỉ thực hiện việc làm này, song cũng đã cảm nhận được tinh thần của tuổi trẻ “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, góp thêm cho mỗi cuộc đời kém may mắn những nụ cười hạnh phúc, nhân lên trong cộng đồng những việc làm nhân ái, sẻ chia tốt đẹp./.

Nguồn: doanthanhnien.vn