Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

TRUYỀN THỐNG HỘI LHTN VIỆT NAM

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 27/9/1945, tại Đại hội Đoàn thanh niên cứu quốc thành phố Hà Nội, Bác Hồ đã chỉ thị phải hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn thanh niên cứu quốc làm nòng cốt.

Đứng trước yêu cầu đó, ngày 27/3/1946, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 38 về việc thành lập Nha Thanh niên và Thể thao. Cùng vào thời gian trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị Tổng bộ Việt Minh chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh Niên Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phục vụ sự nghiệp “Kháng chiến cứu quốc”.

Tháng 6/1946, Tổng đoàn thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn thanh niên Việt Nam, là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên Việt Nam yêu nước, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn thanh niên cứu quốc làm nòng cốt; Cuối năm 1946, Liên đoàn thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn thanh niên dân chủ thế giới.

Tháng 2/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các đại biểu từ khắp các vùng miền của Tổ quốc về dự. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự. Phát biểu tại Đại hội, Bác Hồ kính yêu đã ân cần căn dặn: Phải thực hiện đoàn kết, đại đoàn kết trong phong trào thanh niên, phải gíup đỡ nhau cùng tiến bộ. Tại Đại hội các đại biểu đã bầu anh Nguyễn Chí Thanh làm chủ tịch Liên đoàn thanh niên Việt Nam (đồng chí Nguyễn Chí Thanh nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt nam là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên cứu quốc. Sau Đại hội, Liên đoàn thanh niên Việt Nam đã động viên lớp lớp thanh niên hăng hái tham gia các phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, chống bắt lính đòi tự do dân chủ, hòa bình trong các đô thị lớn như Hà nội, Huế, Sài gòn… với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” theo tiếng gọi “Lên đàng” của non sông đất nước.

Ngày 8/10/1956, Đại hội đại biểu toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội LHTN Việt Nam. Ngày 15/10/1956, Đại hội đã vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua góp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 52 anh, chị do Bác sĩ – Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch.

Tháng 12/1961 Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đánh giá hoạt động của Hội và phong trào thanh niên Việt Nam trong nhiệm kỳ I, bàn phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ II là “Đoàn kết chặt chẽ mọi tầng lớp thanh niên, động viên và tổ chức thanh niên học tập, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu đến dự, Bác dạy rằng: Bác yêu mến thanh niên.

Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng.

Vì thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Vì thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ, đang hăng hái giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ Tổ quốc.

Vì trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên…”

Đại hội đã bầu Giáo sư Phan Huy Thông làm Chủ tịch Hội và phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ra sức ủng hộ, chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng bào và thanh niên miền Nam.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, hơn một vạn tập thể thanh niên đã phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất; 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần: “Mỗi người làm việc bằng hai ” vì miền Nam ruột thịt,15 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Hơn 5 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong” và gia nhập Quân đội nhân dân chiến đấu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và quyết tâm sắt đá “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, xứng đáng với lời khen của Bác Hồ “Các cháu là thế hệ anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, Nam Bắc xum họp một nhà, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đoàn, tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 20 và 21/9/1976, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại trong phong trào thanh niên nước ta. Lần đầu tiên tại thành phố mang tên Bác kính yêu, đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam gặp gỡ đoàn đại biểu Hội liên hiệp thanh niên Giải phóng miền Nam Việt Nam cùng nhau bàn việc thống nhất mặt trận đoàn kết thanh niên lấy tên chung là Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn thể thanh niên Việt Nam. Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội gồm 96 anh, chị do giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch Hội. Trong hai ngày 24 – 25/9/1976, Hội nghị toàn quốc của Hội LHTN Việt Nam tiếp tục họp tại TP.Hồ Chí Minh thảo luận và đề ra nội dung công tác Hội trong thời kỳ mới. Đây là hình ảnh sinh động trong khối đoàn kết, tập hợp, thống nhất của thanh niên Việt Nam, là lực lượng hùng hậu của tuổi trẻ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hội nghị đã biểu dương những chiến công của thế hệ trẻ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Hội nghị đã dành thời gian thảo luận công tác củng cố tổ chức Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới.

Tháng 9/1988, Hội nghị Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam họp tại Hà Nội đã tiến hành kiện toàn Ủy ban Trung ương Hội, Anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (khóa V) được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Hội thay Giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. 400 đại biểu chính thức đã về dự Đại hội; Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt làm Chủ tịch Hội. Đại hội quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam và đề ra các nhiệm vụ chủ yếu của Hội từ năm 1994 đến năm 1999 với 5 chương trình là: “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao”, “Bảo vệ tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi truờng”, “Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới”. 3 cuộc vận động là: “Tiết kiệm, tích luỹ”, “Chống mù chũ, chống thất học”, “Hiến maú nhân đạo”.

Tại hội nghị Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam cuối năm 1997, chị Trương Thị Mai – Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương giữ chức Chủ tịch Hội thay anh Hồ Đức Việt nhận nhiệm vụ mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong nhiệm kỳ 1994 – 1999, các cấp bộ Hội đã huy động được số vốn hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho trên 700.000 thanh niên tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế; xây dựng 3.500 câu lạc bộ khuyến nông, đảm nhận 93.500 công trình thanh niên trị giá 276 tỷ đồng thu hút gần 12 triệu lượt thanh niên tham gia, phát động chiến dịch “Ánh sáng văn hoá hè”; phong trào thanh niên tình nguyện thu hút 80.000 hội viên, thanh niên tham gia, mở học xoá mù chữ cho 500.000 lượt người, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Hội có bước phát triển tích cực.

Nhằm đánh giá kết qủa công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 1994 – 1999, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm kỳ mới, từ ngày 13 đến ngày 15/01/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, 599 đại biểu tiêu biểu cho ý chí, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, thanh niên cả nước đã về dự Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm dân tộc ta cùng cả nhân loại bước vào thời khắc lịch sử chuyển giao giữa hai thế kỷ. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra năm cuộc vận động là: “Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đaị hoá đất nước”, “Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh”, “Thanh niện tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Vì chủ quyền tổ quốc, vì cuộc sống bình yên”, “Xây dựng nếp sống văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đại hội đã hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai – Bí thư Trung ương Đoàn giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.

Tại kỳ họp Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam lần thứ 5 (khóa IV) ngày 15/2/2003 đã hiệp thương kiện toàn Ủy ban Trung ương Hội, Đoàn Chủ tịch và Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội, anh Hoàng Bình Quân – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội, nhiệm kỳ 2000 – 2005, kết qủa công tác Hội và phong trào thanh niên Việt Nam có nhiều bước phát triển, 5 cuộc vận động của Hội đã góp phần không nhỏ vào sự tạo dựng, bồi đắp những phẩm chất, đức tính cho lớp thanh niên Việt Nam trưởng thành trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gần 290.000 hội viên, thanh niên được nhận học bổng với số tiền trên 60 tỷ đồng; 361.000 hội viên, thanh niên hỗ trợ, giúp nhau lập ng

hiệp với số tiền lên tới 206 tỷ đồng; gần 500.000 hội viên, thanh niên được chuyển giao, tiếp nhận các kiến thức khoa học, kỹ thuật; chỉ tính riêng hơn 3.000 hội viên Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đạt doanh thu trên 5 tỷ USD/năm và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 600.000 lao động; 226.583 hội viên, thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo; gần 20 triệu lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia các chiến dịch thanh niên tình nguyện; đầu nhiệm kỳ chỉ có 2,5 triệu hội viên, đến hết năm 2004, tổng số hội viên trong cả nước đạt 5,6 triệu (vượt kế hoạch đề ra 600.000 hội viên)… Những thành tích trên đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ ngày 25 đến 27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, tham dự Đại hội có 798 đại biểu, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, đoàn thể của Trung ương và Hà Nội, các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội qua các thời kỳ, ngoại giao đoàn và gần 40 đoàn đại biểu quốc tế đã đến dự, chỉ đạo và chia vui với Đại hội. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và kế hoạch 5 năm (2001 – 2005). Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu quan trọng, đồng thời thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng thanh niên Việt Nam và Hội LHTN Việt Nam bức trướng mang dòng chữ: “Thanh niên Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, hăng hái tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội đã tổng kết công tác Hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ IV và đề ra phương hướng công tác Hội nhiệm kỳ V, thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Ủy ban Trung ương Hội khóa V gồm 135 anh chị; anh Nông Quốc Tuấn – Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử giữ chức Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa V. Hưởng ứng phong trào “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII phát động; với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện” và ý chí quyết tâm “Nguyện đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Đại hội Hội LHTN Việt Nam đã phát động thanh niên Việt Nam hưởng ứng tham gia 5 cuộc vận động là: “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo”, “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”, “Thanh niên sống đẹp”.

Để khẳng định những kết qủa, thành tích và sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh niên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; ngày 09/05/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 433-QĐ/CTN tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hội LHTN Việt Nam vì “Đã có nhiếu thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, vận động thanh niên tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, giữ gìn an ninh – quốc phòng… góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”

Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, nhìn lại những chặng đường đã qua của Hội LHTN Việt Nam, mỗi thanh niên Việt Nam có quyền tự hào bởi trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, với vai trò nòng ốt chính trị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, hun đúc nên truyền thống vẻ vang của Hội LHTN Việt Nam và các tầng lớp thanh niên Việt Nam, là: yêu nước nồng nàn, gắn bó với lợi ích dân tộc; xả thân vì độc lập tự do của dân tộc, tình nguyện chung sức vì sự phồn vinh của đất nước, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”