Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú, thành lập năm 2018, là mô hình hợp tác xã kiểu mới với 72 thành viên và vốn điều lệ 2,7 tỷ đồng (năm 2024). Chuyên sản xuất gạo “Hạt ngọc rồng”, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao theo quy trình hữu cơ, được tỉnh Trà Vinh công nhận và đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là bước đệm để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Trà Vinh, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Năm 2024, hợp tác xã đạt năng suất 5,8 tấn/ha, thu lợi nhuận 412 triệu đồng. Đặc biệt, Hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất và kinh doanh dưới sự hỗ trợ quan trọng của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Trà Vinh, cụ thể: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp triển khai các phần mềm hỗ trợ quản lý sản xuất, kế toán, lưu trữ dữ liệu, quản lý kho bãi, và đơn đặt hàng, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử. Hợp tác xã cũng áp dụng hệ thống quản lý sản xuất tự động, giúp theo dõi quy trình từ gieo trồng đến chế biến, giảm sai sót và lãng phí. Đồng thời, Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên hợp tác xã về thiết bị thông minh như máy đo đạc, máy cảm biến, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, Tỉnh đoàn kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để đầu tư công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Hợp tác xã Long Hiệp còn xây dựng chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất lúa, liên kết bao tiêu sản phẩm, và hướng tới chuỗi giá trị chất lượng cao. Sản phẩm đóng gói 5kg/bao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Hiện nay, sản phẩm gạo “Hạt ngọc rồng” sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, cung cấp thông tin minh bạch về quy trình sản xuất, xuất xứ và chất lượng, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.
Hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử
Những hỗ trợ từ Tỉnh đoàn Trà Vinh đã giúp Hợp tác xã Nông nghiệp Long Hiệp từng bước hiện đại hóa sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Ngoài hỗ trợ Hợp tác xã Long Hiệp, Tỉnh đoàn chỉ đạo Huyện đoàn Cầu Kè phối hợp với Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) triển khai mô hình “Tiêu thụ sản phẩm trên sàn điện tử Vicosap”. Trong năm 2024, các cộng tác viên đã quảng bá hơn 2.000 tin bài, giúp tăng doanh thu hơn 23 triệu đồng và cải thiện cuộc sống cho đoàn viên, thanh niên.
Sàn giao dịch điện tử VICOSAP (https://vicosap.vn/)
Với sự hỗ trợ từ Tỉnh đoàn Trà Vinh, mô hình kinh tế tập thể do thanh niên làm chủ không chỉ góp phần phát triển bền vững mà còn đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Qua đó, này khẳng định vai trò tiên phong của Đoàn thanh niên trong thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững tại địa phương, đóng góp thiết thực vào xây dựng nông thôn mới.
BPT