Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

GIỚI THIỆU DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA BOTUMPROCHHOUMNATI (CHÙA Ô CHHUC)

Chùa Botumprochhoumnati (chùa Ô Chhuc) tọa lạc tại ấp Ngãi Hòa, xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Chùa được tạo lập vào năm 1676 dương lịch, tức năm 2220 Phật lịch, đất xây dựng chùa do ông Chane và bà Som cúng dường có diện tích trên 06 ha. Đến nay, chùa đã trãi qua 19 đời sư cả trụ trì. Trong đó có 02 vị sư cả tích cực tham gia cách mạng là: Hoà thượng Sơn Prụm, hoạt động 28 năm (từ năm 1940 đến năm 1968); Đại đức Kim On, hoạt động 02 năm (1968-1969); Hiện tại trụ trì chùa Ô Chhuc là thượng tọa Thạch Út.

Khu chánh điện và cổng vào chùa Ô Chhuc đã được trùng tu.

Trong những năm kháng chiến, chư tăng, phật tử chùa Ô Chhuc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ ngôi chùa này, những vị chư tăng yêu nước đã hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh cách mạng. Chùa Ô Chhuc đã nuôi chứa, bảo vệ an toàn nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng, mặc cho những lời tuyên truyền, dụ dỗ nhưng các vị chư tăng và Ban Quản trị chùa Ô Chhuc vẫn một lòng đi theo Đảng, đi theo cách mạng. Chùa Ô Chhuc cũng là nơi đào tạo ra nhiều cán bộ, chiến sĩ, góp phần tạo nguồn lực cách mạng trong phong trào cách mạng của huyện Tiểu Cần.

Khu chánh điện chùa Ô Chhuc cũ với nhiều vết tích chiến tranh.

Vào năm 1940, phong trào cách mạng ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tháng 6/1940, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành Hội nghị đại biểu quán triệt chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ và chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa. Nhiều cuộc mitting, biểu tình diễn ra ngày một sôi nổi thu hút hàng ngàn người tham gia, trong đó nhiều vị chư tăng và đồng bào dân tộc Khmer xã Tập Ngãi. Đặc biệt là chùa Ô Chhuc, hoà thượng Sơn Prụm (sư cả chùa) đã vận động chư tăng, Ban Quản trị cùng phật tử tích cực tham gia vào các cuộc mitting, biểu tình với cờ búa liềm, truyền đơn, biểu ngữ, nội dung đấu tranh chủ yếu là chống đàn áp, chống bắt lính,…

Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong tỉnh Trà Vinh ra đời. Đầu tháng 6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong xã Tập Ngãi được thành lập do đồng chí Huỳnh Văn Phước (Giáo Phước) trực tiếp làm Thôn bộ trưởng… Ngay sau khi thành lập, đoàn Thanh niên Tiền phong xã đã thu hút mạnh mẽ quần chúng nhân dân tham gia, tập hợp thanh niên nam nữ mọi lứa tuổi trong ấp, xã trong đó có một số thanh niên phật tử chùa Ô Chhuc hàng ngày tập dợt đội hình, đội ngũ, đêm đến thì luyện võ nghệ bằng gậy gộc, tầm vông vạt nhọn, dây thừng sẵn sàng đứng lên giành lại chính quyền.

Ngày 25/8/1945, dưới sự chỉ huy của Thôn bộ trưởng Huỳnh Văn Phước (Giáo Phước), lực lượng khởi nghĩa gồm một bộ phận Thanh niên Tiền phong xã Tập Ngãi, các vị chư tăng, Ban Quản trị và phật tử chùa Ô Chhuc cùng hàng trăm quần chúng xã Tập Ngãi tiến về Dinh thự của Hội đồng Mỹ ở ấp Ngãi Trung đấu tranh, trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng nhân dân xã Tập Ngãi, tên Hội đồng Mỹ buông súng đầu hàng và giao chính quyền lại cho nhân dân. Để hưởng ứng thắng lợi, sư cả Sơn Prụm cùng Ban Quản trị chùa Ô Chhuc còn đóng góp lúa gạo để ủng hộ tinh thần kháng chiến cho các tổ chức cách mạng trong vùng.

Ngày 03/12/1945, thực dân Pháp chiếm được thị xã Trà Vinh và Châu Thành. Ngày 04/12/1945, chúng đánh chiếm Tiểu Cần, đến tháng 02/1946, chúng đánh chiếm xã Tập Ngãi. Sau khi chiếm được xã Tập Ngãi, thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng, đàn áp nhân dân, chúng tăng cường bố ráp, cho lính thường xuyên tuần tra trên các tuyến lộ, bắn giết những người bị tình nghi, dùng những tên tay sai để lập Ban Hội tề. Phong trào cách mạng xã Tập Ngãi rơi vào khó khăn, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần kiên cường quyết không khuất phục trước quân thù, sư cả Sơn Prụm cùng Ban Quản trị chùa Ô Chhuc tìm mọi cách che chở, bảo vệ an toàn những cán bộ cách mạng và những trí thức yêu nước đang bám trụ tại địa phương trong chánh điện và trai đường của chùa như ông Hà Văn Sảo (Chủ Sảo), ông Maha Sơn Thông, ông Sơn Song, ông Sơn Wênh (Hai Wênh), ông Sơn Kiêu…

Năm 1948, hưởng ứng các phong trào của Huyện ủy, Chi bộ xã Tập Ngãi phát động như phong trào “Thi đua kháng chiến, kiến quốc” như thi đua giết giặc cứu nước, tăng gia sản xuất, tòng quân diệt giặc, tiếp tục diệt giặc dốt… sư cả Sơn Prụm, Ban Quản trị và chư tăng chùa Ô Chhuc cùng phật tử tích cực tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất các mặt hàng nông sản, tạo nguồn lương thực cung cấp cho cách mạng phục vụ kháng chiến, những kênh kháng chiến, thông hào, mô,… cũng được các vị chư tăng và bà con phật tử chùa Ô Chhuc đào, đắp ngăn chặn những hoạt động của địch, bảo vệ cho giao thông liên lạc được an toàn, hoạt động hiệu quả. Sang năm 1949 trước sự hành quân bố ráp của bọn địch vào các xã Tập Ngãi, Hùng Hòa… nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang và kìm hãm đời sống sản xuất, tin thần chiến đấu của ta, Sư cả Sơn Prụm và Ban Quản trị chùa đã vận động phật tử vững tin vào cách mạng, tiếp tục hăng hái tham gia sản xuất.

Những năm 1952 – 1953, thực dân Pháp tìm cách giết hại dân quân du kích xã Tập Ngãi bằng nhiều hình thức man rợ, chúng dùng bọn lính Commandos hành quân càn quét và khủng bố dã man cán bộ cách mạng. Trước tình hình đó, sư cả Sơn Prụm cùng Ban Quản trị chùa Ô Chhuc đã cho tiến hành đào các hầm bí mật ngay tại chùa, ngoài ra sư cả còn vận động các phật tử đào hầm bí mật, làm vách đôi để che giấu, nuôi chứa cán bộ cách mạng tại nhà. Ban ngày các vị sư chùa Ô Chhuc vừa đi khất thực vừa quan sát tình hình của địch để cung cấp tin tức cho du kích xã và cán bộ cách mạng.

Phong trào Đồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng tại tỉnh Trà Vinh. Ngày 15/9/1960, quân, dân xã Tập Ngãi đồng loạt đứng lên tự giải phóng, bất chấp sự khủng bố của địch kéo về bao vây bọn tề xã và bọn dân vệ ấp Nhà Thờ. Sư cả Sơn Prụm cùng Ban Quản trị chùa Ô Chhuc kêu gọi phật tử nấu cơm, gói bánh phục vụ cuộc khởi nghĩa, vận động binh lính trở về với gia đình. Bên cạnh đó, để củng cố lực lượng chiến đấu cũng như trang bị vũ khí phục vụ kháng chiến, Huyện ủy Cầu Kè chỉ đạo xã Tập Ngãi thành lập tiểu đội du kích xã và xây dựng lò rèn phục vụ nhu cầu đánh giặc tại chỗ, sư cả Sơn Prụm kêu gọi phật tử tích cực tham gia xây dựng lò rèn tại nhà, nhặt các loại vỏ đạn, thuốc nổ để chế tạo vũ khí như lôi, lựu đạn tự tạo, đạn súng.

Cuối năm 1961 đến năm 1963, địch ráo riết tiến hành “chiến tranh đặc biệt”, thực hiện mưu đồ chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Kinh – Khmer, chúng đẩy mạnh hành quân càn quét gom dân lập ấp chiến lược nhằm tách ly quần chúng với cán bộ cách mạng. Trước tình hình đó, sư cả Sơn Prụm đã cho Ban Quản trị chùa tiến hành xây dựng hàng rào bằng thép và kẽm gai xung quanh chùa tạo ra khu vực cách biệt với xung quanh để bảo vệ cán bộ đang trú ẩn tại chùa, cũng trong thời gian này, cơ sở cách mạng tại chùa Ô Chhuc là ông Sơn Thanh và ông Sơn Phú cùng phật tử trong vùng tham gia đắp mô chặn các chuyến xe càn quét của bọn lính.

Từ giữa năm 1965, Mỹ – ngụy chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, xã Tập Ngãi là nơi ngụy quyền sử dụng nhiều trận pháo, máy bay ném bom bắn phá ngày đêm nhiều nhất tại huyện Tiểu Cần để thực hiện ý đồ càn quét tiêu diệt các lực lượng vũ trang cách mạng. Để đảm bảo an toàn cho cán bộ hoạt động cách mạng tại chùa Ô Chhuc, cán bộ nằm vùng tại xã Tập Ngãi cho tiến hành đào hầm bí mật ngay dưới bệ tượng Phật trong chánh điện chùa.

Về công tác đấu tranh chính trị, tháng 10/1967, Huyện ủy Cầu Kè chỉ đạo các xã thuộc khu vực Tiểu Cần cũ vận động quần chúng tổ chức cuộc mitting biểu tình trên 10.000 người vào nội ô huyện lỵ. Đồng chí Sơn Song Sơn được Chi bộ phân công vận động lực lượng quần chúng tham gia, chùa Ô Chhuc là địa điểm, nơi tập hợp lực lượng quần chúng biểu tình chống Mỹ – ngụy kéo về huyện lỵ Tiểu Cần đòi địch không được bắn phá bừa bãi, không được bắt bớ, bắn giết người vô tội khi hành quân càn quét, chống lấy chùa chiền làm đồn bót, chống bắt lính… Địch cho 01 đại đội bảo an chặn đoàn biểu tình và bắt một số quần chúng nồng cốt. Đoàn biểu tình tiếp tục đấu tranh đòi thả người, trước sự đấu tranh quyết liệt của đoàn biểu tình cuối cùng chúng buộc phải thả hết những người bị bắt.

Năm 1968, Đại đức Kim On thay hòa thượng Sơn Prụm lên làm sư cả và tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng tại chùa Ô Chhuc. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch tiến hành các cuộc hành quân vào huyện lỵ Tiểu Cần, khi hành quân ngang chùa Ô Chhuc, chúng tiến hành vào chùa bắt gà, chửi bới, các vị chư tăng trong chùa ra chống đối thì chúng cho lính bắn phá vào chùa làm cháy một phần nóc chánh điện và sala, sư Kim Biên và sư Kim Thươne bị bắn chết, sư Kim Ưng bị thương. Sư cả Kim On tổ chức chư tăng của chùa lên huyện lỵ đấu tranh nhưng không được giải quyết.

Tháng 3/1969, địch thể hiện ý định lấn chiếm Tập Ngãi, dùng các tiểu đoàn chủ lực với tiểu đoàn bảo an về đóng tại ấp Nhà Thờ, tại đây, chúng tiến đánh từ các ấp trên tuyến hương lộ từ Tập Ngãi đi Tiểu Cần và từ Tập Ngãi đi Thanh Mỹ. Cũng trong thời gian này, bọn địch ấp Nhà Thờ nhận được tin sư cả Kim On cùng 04 vị sư khác trong chùa Ô Chhuc đi tụng kinh lễ an vị Phật tại nhà ông Cai, địch cho cài lựu đạn giết chết sư cả Kim On cùng 02 vị sư. Và cho người tung tin tuyên truyền rằng cách mạng đã giết chết 03 vị sư chùa Ô Chhuc, nhưng hầu hết các vị sư, bà con phật tử đều biết đây là hành động gây chia rẽ cán bộ cách mạng với người dân nên không tin vào lời tuyên truyền của địch.

Năm 1970, ông Kim Sưa vào tu tại chùa Ô Chhuc, ông cùng sư Sơn Ưng tiếp tục hoạt động cách mạng tại chùa. Trong thời gian này, sư Sơn Ưng và sư Trương Minh Nhựt được cán bộ cách mạng trong vùng giao nhiệm vụ đi mua máy in chữ và một số thuốc uống, thuốc chích phục vụ việc điều trị người bị thương tại chùa, trong một lần đi Tiểu Cần để mua thuốc, sư Sơn Ưng bị bắt và đưa về tạm giam tại Cần Thơ. Sau đó, sư Sơn Ưng được thả về, ông cùng sư Kim Sưa hoàn tục và thoát ly theo cách mạng.

Trong 02 cuộc kháng chiến chư tăng và phật tử chùa Ô Chhuc đã nêu cao tinh thần ý chí tự lực tự cường, phát huy truyền thống đoàn kết, kiên quyết đi theo Đảng và bảo vệ Đảng, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do cho dân tộc. Dưới sự chỉ đạo dẫn dắt của Hoà thượng Sơn Prụm, Đại đức Kim On (sư cả chùa Ô Chhuc), chùa Ô Chhuc được xem là cơ sở cách mạng quan trọng, cái nôi của cách mạng, nơi nuôi chứa nhiều thế hệ cán bộ, trí thức người Khmer dũng cảm, kiên cường tiêu biểu như đồng chí Hà Văn Sảo (Chủ Sảo) – nguyên Bí thư Chi bộ Tập Ngãi; đồng chí Sơn Wênh (Hai Wênh) – nguyên Tỉnh ủy viên, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh; đồng chí Maha Sơn Thông – nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khoá VII; đồng chí Sơn Song Sơn – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; đồng chí Sơn Vương (Ba Long) – nguyên Bí thư Chi bộ xã Tập Ngãi; đồng chí Mạch Long Thơi (Sáu Cò) – nguyên Huyện đội trưởng Tiểu Cần, sư cả Kim Sưa (Ba Thành) – nguyên Công an tỉnh, ông Trương Minh Nhựt – nguyên cán bộ quân y…

Chùa Ô Chhuc, nơi bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Khmer.

Chùa Ô Chhuc là ngôi chùa có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, là nơi minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước. Việc xếp hạng, bảo tồn và phát huy sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị nhân hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.