Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

Chuyện về chiếc áo Bác Hồ mặc ngày 2 tháng 9 năm 1945

Trong cuốn “Nhớ mãi những phút giây đầu tiên” của ông Vũ Kỳ- thư ký giúp việc Bác Hồ từ năm 1945 đến 1969, nguyên là giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã viết: “Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy màu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Đêm ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang ngồi giữa lòng Hà Nội soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do. Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó…”.


<

Đã 69 năm trôi qua kể từ những thời khắc lịch sử ấy, có nhiều câu chuyện cảm động về Bác Hồ – vị lãnh tụ thiên tài cuả dân tộc Việt Nam vẫn được kể lại trong sự ngạc nhiên, trong niềm xúc động và biết ơn vô hạn của các thế hệ người Việt, trong đó có câu chuyện về bộ quần áo Bác Hồ mặc trong ngày lễ khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 23 tháng 8 năm 1945 Hồ Chủ Tịch về đến thôn Gạ (Phú Thượng – Hà Nội), nghỉ ở đây một ngày. Hôm sau Người được Trung ương và Thành uỷ bố trí đến ở tại gác 2 số nhà 48 Hàng Ngang (nhà của ông Trịnh Văn Bô – một thương gia yêu nước, cơ sở tin cậy của cách mạng).
Về đến Hà Nội, sau những trận ốm và phải đi xa, Bác rất gầy yếu. Bà Trịnh Văn Bô, nữ chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử xúc động kể lại: Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Ông Cụ mới tắt; nhưng 5 giờ sáng đã thấy Ông Cụ tập thể dục ngoài ban công.
Hàng ngày lúc 7 giờ sáng ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc đến chiều mới về 48 Hàng Ngang. Buổi tối Bác thường xuyên bận vì phải hội kiến, làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt…Sau này bà Trịnh Văn Bô mới biết rằng tiếng đánh máy chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là lúc Bác Hồ đang thảo bản hùng văn vô giá – Tuyên ngôn lịch sử khai sinh cho Tổ quốc.
Thời gian này Hà Nội đang chuẩn bị cờ hoa và cả vũ khí cho ngày trọng đại sắp tới. Nay tuy đã 91 tuổi nhưng bà Trịnh Văn Bô vẫn còn nhớ rõ những ngày tháng hào hùng ấy. Vào khoảng những ngày 26,27 tháng 8, tức là khi đã ấn định Lễ tuyên ngôn vào 2/9/1945, anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá. Bà Trịnh Văn Bô bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi có rất nhiều vải (vì là nhà buôn vải vóc), tôi lấy ra mấy súc ka ki để may cho anh em. Ngoài ra trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho các anh mặc tạm trước. Ai mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy… nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả…”.
Gần sát ngày đại lễ, ông bà Trịnh Văn Bô đã chọn riêng loại vải kaki của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh – nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác. Bác nói: –  Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…
Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Xtalin nên ướm thử với Bác may theo kiểu áo đó, cũng không có cà vạt mà oai vệ. Bác mỉm cười nói: “Nhưng mình có phải là Xtalin đâu”. Cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh mời ông Phú Thịnh- chủ hiệu may có tiếng ở Phố Hàng Quạt tới và trình bày:
– Tôi có người nhà là cụ lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ lý nhà tôi.
Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc dè dặt nói: “Tôi đã mường tượng ra kiểu áo ấy rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù?”. Ông Phú Thịnh ngắm nghía tấm ảnh Xtalin rồi nói: “Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ người nhà mình. Thôi được tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với cụ”. Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến, cười ý nhị nói: “Tôi trộm nghĩ cụ lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một cụ lý… khác thường”- Ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại tình cảm tinh tế của ông thợ may.
Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm buổi sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”. Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa, ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng và ngạc nhiên vinh dự khi “cụ lý” mà mình may quần áo cho lại chính là chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đọc Tuyên ngôn Độc Lập tại Vườn hoa Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới – Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Đã 69 năm kể từ giây phút trọng đại ấy, chúng ta vẫn bồi hồi xúc động trước những câu chuyện giản dị mà ấm áp về Người, về một biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng. Bộ quần áo ka ki Bác mặc đến khi bạc màu, sờn cổ áo, những người giúp việc xin Bác thay bộ quần áo mới thì Bác bảo: “Bác mặc như thế phù hợp với hoàn cảnh của dân, của nước, không cần phải thay”. Cuộc sống của Bác tuy rất giản dị, đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn toát lên cái vẻ thanh thoát, lịch lãm của một con người đã trọn đời sống vì dân vì nước./.

Theo Báo Đất Việt

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT