Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

Đoàn viên tiêu biểu Mai Trường Giang xã An Trường nâng cao thu nhập cho gia đình nhờ trồng nấm bào ngư

    Anh Mai Trường Giang, đoàn viên Chi đoàn ấp 6, xã An Trường, huyện Càng Long chia sẻ: “Với 220m2 diện tích mặt đất, trồng 33.000 bao phôi nấm bào ngư, gia đình tôi thu hoạch từ 70-100kg nấm thương phẩm, thu nhập trên 2,5 triệu đồng mỗi ngày”.

    Cách đây khoảng 05 năm, do không có việc làm ổn định anh Giang phải trải qua nhiều công việc vất vả để mưu sinh. Có một thời gian, anh học nghề và mở tiệm sửa xe hon-da tại nhà, có lúc đi mua bán, làm thuê… Năm 2014, nhờ học hỏi từ bạn bè, các phương tiện thông tin truyền thông anh Mai Trường Giang biết đến nghề trồng nấm bào ngư (loại nấm xám) và thấy đây là nghề có triển vọng. Vậy là anh chuyển sang thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư. Ban đầu, anh trồng thử nghiệm 500 bao phôi nấm mua từ Sở Khoa học công nghệ tỉnh Vĩnh Long về trồng với giá 5.000 đồng/bao phôi. Sau hơn 1,5 tháng bỏ công chăm sóc, nấm phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất cao. Thành công bước đầu, anh Giang mạnh dạn mở rộng đầu tư mô hình trồng nấm bào ngư dần dần. Để giảm chi phí, anh bắt đầu tham gia nhiều chuyến tham quan mô hình trồng nấm hiệu quả ở các tỉnh lân cận và tìm được nhà cung ứng phôi nấm với giá thấp hơn (3.000 đồng/bao phôi). Hiện tại, anh Giang đang trồng 33.000 bao phôi nấm trên diện tích 220m2 (chia thành 02 trại) cho thu hoạch xoay vòng. Anh Giang cho biết: “Mỗi ngày gia đình cung ứng ra thị trường từ 70-100kg nấm thương phẩm, bán với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thu nhập trên 2,5 triệu đồng/ngày”.

IMG_5724 IMG_5743

Anh Mai Trường Giang đang kiểm tra sự phát triển của nấm bào ngư và thu hoạch nấm

    Nấm bào ngư xám là loại nấm ngon, màu xám nâu, cuống trắng, thịt chắc, ăn giòn, ngọt, hơi dai. Đây là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khá cao, cung cấp một lượng đáng kể chất đạm, đường, bột, vitamin và khoáng chất. Hiện nay, nấm bào ngư xám được thị trường ưa chuộng rất nhiều. Do đó, mô hình nấm bào ngư đã giúp gia đình anh Giang nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Tất Vinh, Phó Bí thư Xã Đoàn xã An Trường cho biết: “Không chỉ là đoàn viên đi đầu trong thực hiện các mô hình lập thân, lập nghiệp ở địa phương, anh Giang còn truyền đạt những kinh nghiệm cho nhiều thanh niên trong và ngoài xã có ý muốn học nghề”. Đến nay, sau anh Giang đã có 05 ĐVTN của xã An Trường thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư và đạt hiệu quả khá cao.

    Theo anh Giang, trồng nấm bào ngư tuy dễ nhưng khó từ khâu chọn phôi đến kỹ thuật chăm sóc… Đặc biệt, nấm bào ngư là loại cây ưa mát nên phải thường xuyên tưới nước (tưới phun sương) để phôi nấm phát triển tốt. Theo kinh nghiệm của anh Giang, thời tiết mát mẽ nấm sẽ nhanh cho thu hoạch, ngược lại nắng nóng, oi bức sẽ làm cho phôi nấm phát triển chậm, ảnh hưởng đến năng suất. Trung bình mỗi ngày người trồng nấm phải tưới nước từ 02 – 04 lần cho phôi nấm (mỗi lần tưới khoảng 05 phút). Để thuận tiện việc cung cấp nước cho phôi nấm, anh Giang đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động.

    Đưa chúng tôi đi thăm trại nấm, anh Giang cho biết: “Thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay là lựa chọn các sản phẩm sạch để dùng. Nắm bắt được nhu cầu này, gia đình tôi sản xuất nấm hoàn toàn theo phương thức hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Vì thế, thu hái và bán ngay ra thị trường mà không cần qua công đoạn sơ chế nào. Nhu cầu thực tế của thị trường về loại nấm này rất lớn”. Ông Mai Văn Lặt (cha của anh Mai Trường Giang) nói: “Trồng nấm bào ngư thu nhập cao hơn nhiều so với làm ruộng hoặc các mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác lại nhẹ công chăm sóc. Tôi thấy đây là mô hình thích hợp để thanh niên khởi nghiệp”. Không chỉ thành công từ việc trồng nấm bào ngư, anh Giang còn nghiên cứu, tận dụng những phế thải sau thu hoạch để trồng nấm rơm và đạt hiệu quả đáng kể.

    Ngoài bán nấm thương phẩm, anh Giang còn là nhà cung cấp phôi nấm bán ra thị trường hàng ngàn bịch phôi nấm với giá từ 3.500 – 4.500 đồng/bịch phôi. Anh Giang chia sẻ: Nấm bào ngư thường mắc bệnh mốc xanh, gây hại phôi, tiêu diệt phôi khiến phôi nấm không thể ra tai. Bệnh này không lây nhiễm và chỉ cần xử lý tốt phần phôi giống thì có thể phòng bệnh hiệu quả. Để tránh các loại bệnh cho nấm, người trồng cần tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu xử lý bột gỗ, tưới bằng nước sạch, vệ sinh trại sạch sẽ hằng ngày. Bên cạnh đó, bố trí khu vực sản xuất xa khu chăn nuôi gia súc, gia cầm…

    Nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà anh Mai Trường Giang đã thành công trong nghề trồng nấm bào ngư, từ đó đã mở ra hướng làm ăn mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Đồng thời, góp phần trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng an toàn.

Tin ảnh- Huyện đoàn Càng Long

 

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT