Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

Đường Hồ Chí Minh trong trái tim

Bên cạnh đường Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn hay đường mòn Hồ Chí Minh), đường Hồ Chí Minh trên biển vốn rất nổi tiếng, mỗi người Việt Nam chúng ta còn có một con đường Hồ Chí Minh huyền thoại khác. Đó là đường Hồ Chí Minh trong trái tim mình. Con đường đó là khát vọng độc lập, tự do, thống nhất, rộng hơn là chân lý, chính nghĩa. Những người đã đi qua con đường này có thể có chính kiến khác nhau, phương pháp đấu tranh khác nhau nhưng họ đều mong muốn đi đến khát vọng đó. Thậm chí, có những người không có lý tưởng cách mạng nhưng vì có một con đường Hồ Chí Minh trong lòng mình, trong tim mình đã sống tốt hơn, mạnh mẽ hơn và có ích hơn.
 

Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 25.8.1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, quy tụ nhiều trí thức không phân biệt thành phần, đảng phái.

Nếu không có con đường Hồ Chí Minh liệu có những trí thức lỗi lạc như Tôn Thất Tùng (1912 – 1982), Trần Đại Nghĩa (1913 – 1997), Trần Hữu Tước (1913 – 1983), Lương Định Của (1920 – 1975)… kẻ trước người sau đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, kể cả ở nước ngoài, để về nước phục vụ kháng chiến, phụng sự Tổ quốc? Nếu không có con đường Hồ Chí Minh liệu có những đại thần của chế độ phong kiến như Phan Kế Toại (1892 – 1992), Phạm Khắc Hòe (1901 – 1995)… không màng quyền quý đã tham gia chính quyền mới để cống hiến cho một đất nước tự do, độc lập? Nếu không có con đường Hồ Chí Minh liệu có những trí thức Nho học như Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947), Nguyễn Văn Tố (1889 – 1947), Bùi Bằng Đoàn (1889 – 1955)… trở nên cách mạng mà cùng chung vai gắng sức với chế độ mới? Nếu không có con đường Hồ Chí Minh liệu có những nhà tư sản, điền chủ lớn như Cao Triều Phát (1889 – 1959), Đỗ Đức Thiện (1904 – 1972), Trịnh Văn Bô (1914 – 1988)… đã gần như hiến cả gia tài của mình cho cách mạng, cho kháng chiến? Nếu không có con đường Hồ Chí Minh liệu có những trí thức Tây học, vốn từng tham gia chế độ cũ như Trịnh Đình Thảo (1901 – 1986), Phan Anh (1912 – 1990)… đã vội “rẽ ngang” sang một lối đi hoàn toàn mới để đứng về phía nhân dân? Nếu không có con đường Hồ Chí Minh thì liệu có những người tu hành như Trương Bá Cần (1930 – 2009), Thích Minh Châu (1918 – 2012)… đã làm đẹp thêm hình ảnh tôn giáo và dân tộc, tôn giáo và cách mạng?

Như trường hợp của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ, dù năm ấy đã 70 tuổi, từng đậu Giải nguyên kỳ thi hương năm Canh Tý (1900) và được xưng tụng là một trong Tứ tuyệt của đất Quảng Nam xưa, một con người mà chức vụ không thể lung lay, uy dũng không thể khuất phục, tiền bạc không thể mua chuộc, ra làm việc cho Chính phủ. Sau hai lần được mời, cụ Huỳnh đã nhận lời ra Hà Nội nhưng ra “để xem Hồ Chí Minh làm như thế nào rồi sẽ trở về”. Nhưng khi ra đến Hà Nội, trước sức hút của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh đã ở lại nhận lời làm Bộ trưởng Nội vụ. Trong buổi trình diện các thành viên Chính phủ trước Quốc hội ngày 2-3-1946, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã dành những lời lẽ tốt đẹp nhất để giới thiệu về cụ Huỳnh trước Quốc hội. Khi lên đường thăm Pháp (tháng 5-1946), dù có rất nhiều những người thân tín, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định trao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh. Khi trao cho cụ Huỳnh làm quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không dặn gì, vì vậy, khi tiễn Người ở sân bay Gia Lâm sang Pháp, cụ Huỳnh đã hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cụ đi dài ngày như vậy, việc nước bộn bề giao cho tôi mà cụ không dặn lại điều gì tôi cũng thấy lo lo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời cụ Huỳnh: Xin Cụ ở nhà hãy “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” và Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp dài ngày như vậy, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (từ ngày 31-5 đến 21-9-1946) đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng và giao phó[1].

Một trường hợp khác cũng hết sức đặc biệt đó là cụ Phan Kế Toại. Cụ sinh năm 1889 trong một gia đình quan lại ở tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Năm 1914, cụ làm các chức quan từ tri huyện đến tổng đốc của các tỉnh Hà Tây, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Năm 1945, cụ được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức Khâm sai đại thần Bắc bộ. Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người mang thư mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ. Nhận được thư, Cụ vô cùng cảm kích, nói với con trai mình: “Cụ Hồ quả đúng là con người đức độ trước sau như một” và cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc. Tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 9-11-1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng đã nhất trí cử ông Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay cụ Tôn Đức Thắng đi nhận công tác khác. Ngày 20-9-1955, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ, cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 11-1947 đến tháng 4-1963, cụ Phan Kế Toại đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ, ngành nội vụ ngày một vững mạnh, xứng đáng là một bộ trụ cột trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng có tính chất nội trị của quốc gia. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục hai nhiệm kỳ phụ trách các lĩnh vực công tác nội vụ nội chính, Cụ đã tích cực tham gia trong các hoạt động của Chính phủ. Với kiến thức được đào tạo bài bản, hệ thống, trí tuệ uyên thâm, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, với đức độ và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Cụ đã tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ xây dựng nền hành chính và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tích cực vào việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử Đảng và nhân dân giao phó[2]

Con đường Hồ Chí Minh có thể là con đường cụ thể, rõ ràng để một lý tưởng về một thể chế mới, một hình mẫu chế độ mới hoặc đơn giản hơn là một quốc gia – dân tộc mới, mà cũng có thể là con đường trừu tượng, khái quát về một lối đi tốt đẹp, chính nghĩa trong quan hệ giữa con người với nhau, trong ứng xử với thời cuộc. Tóm lại, con đường Hồ Chí Minh – bằng nhân cách của cá nhân Hồ Chí Minh, bằng sự hi sinh trong suốt mấy mươi năm tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh, bằng sự thuyết phục của một hình mẫu thể chế mới tiến bộ, bằng những cá nhân cụ thể đã giác ngộ con đường đó, những chiến sĩ cách mạng – là một con đường mới, tốt đẹp và cao cả. Con đường đó mở ra một chân trời mới xán lạn và tươi đẹp.

Bởi vậy, ngoài những người giác ngộ và dấn thân theo con đường này để tham gia đấu tranh trực diện với kẻ thù, còn có không ít người khác đã đi theo con đường Hồ Chí Minh bằng cách riêng của mình, cũng hết sức oanh liệt.

Đó là đại đức Thích Hành Tuệ, tên thật là Nguyễn Thới, người Quảng Nam, tu học ở Huế từ năm 19 tuổi. Năm 1966, ông bị bắt khi đang vận động hòa bình cho đất nước, 2 năm sau bị đày ra Côn Đảo mà không bị kết bất kỳ án tiết nào. Trong tù, ông bị bọn cai ngục tra tấn dã man vì không chịu “đả đảo cộng sản Hồ Chí Minh”, vì “lịch sử đã khẳng định Cụ Hồ là người anh hùng dân tộc”. Bọn chúng quát: “Mày không chống cộng sản vô thần à?”, ông đáp: “Cộng sản là những người yêu nước, kháng chiến chống thực dân, đế quốc thì tại sao lại chống?”. Bọn chúng mỉa mai: “Mày đúng là chân tu vì chỉ tu cái chân thôi còn cái đầu mày theo cộng sản…”, kèm theo đó lại là những màn tra tấn. Tháng 7-1970, một số nghị sĩ Mỹ và các nhà hoạt động nhân quyền đã đến tìm hiểu tình hình tại nhà tù Côn Đảo. Thích Hành Tuệ dũng cảm đứng lên tố cáo sự đàn áp của bọn cai ngục, của chính quyền Sài Gòn. Thế là sau đó, những đòn trả thù đã trút xuống nhà sư yêu nước, yêu hòa bình, khiến sức khỏe ông ngày càng suy kiệt. Ngày 8-1-1973, ông trút hơi thở cuối cùng.

Đó là Nguyễn Hiền, gốc là Bí thư Thành ủy Đảng Đại Việt tỉnh Sơn Tây di cư vào Nam, bị chính quyền Ngô Đình Diệm đày ra Côn Đảo. Trong đợt gạn lọc tháng 4-1957, khi hầu hết đảng viên Đảng Đại Việt và Quốc dân đảng chọn đứng về phía Ngô Đình Diệm thì Nguyễn Hiền lại đứng về phía Hồ Chí Minh và chịu ở nhà lao chật hẹp, ẩm thấp với những người cộng sản. Ông nói: “Tôi không cùng quan điểm với các anh nhưng tôi kính yêu Hồ Chủ tịch. Còn Ngô Đình Diệm là tên tàn bạo, tôi cương quyết chống đến cùng”. Được những người tù cộng sản chia sẻ từng lon nước, chỗ nằm, ông xúc động nói: “Tôi không phải là đảng viên cộng sản, quan điểm lập trường của tôi khác với các anh. Tôi có ly khai cũng không tội lỗi gì, nhưng ngặt một nỗi là ly khai thì chúng bắt hô đả đảo Bác, đó là điều tôi không thể nào làm được”. Khi bị bệnh, ông cương quyết không vào bệnh xá. Cuối năm 1957, ông mất trong vòng tay những người cộng sản, còn kịp hô: “Hồ Chí Minh muôn năm!”[3]

Những người đã tìm thấy con đường Hồ Chí Minh của riêng mình tương tự như thế không ít. Điều đó cho thấy sức lan tỏa và hấp dẫn của phẩm cách, tư tưởng Hồ Chí Minh, con người đã hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, cho dân tộc. Chính con đường Hồ Chí Minh đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi sau cùng của cuộc kháng chiến để đi đến độc lập, tự do hoàn toàn và thống nhất đất nước.

Từ cảm phục Hồ Chí Minh, nguyện đi theo con đường Hồ Chí Minh, nếu có thêm những điều kiện cần thiết (thông tin đầy đủ hơn, được giác ngộ bởi những học trò trung thành với Hồ Chí Minh, được thử thách dài lâu hơn…), có lẽ có rất nhiều người sẵn sàng đi hết con đường Hồ Chí Minh – độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bởi vậy có thể thấy, đến bây giờ, con đường Hồ Chí Minh vẫn là con đường sáng, con đường đẹp để cho tất cả chúng ta đi theo, bằng cả trí lực và sức lực của mình.

TRÚC GIANG

spot_img
spot_img
spot_img

TIN CÙNG MỤC

TIN MỚI NHẤT