Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu TTXVN).
Chiều 31 tháng 8 năm 1858, những tiếng súng chát chúa của quân xâm lược Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Ngày 10 tháng 02 năm 1859, quân xâm lược Pháp tiến vào cửa biển Cần Giờ để rồi từ đó triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã đi hết thỏa hiệp này đến thỏa hiệp khác, cắt đất cầu hòa và cuối cùng là chịu lệ thuộc hoàn toàn vào sự cai trị của thực dân Pháp. Đất nước Việt Nam đứng trước những thử thách ngặt nghèo và rất cần sự đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc để vượt qua bão tố ấy. Thế nhưng, triều đình, văn võ bá quan đã không đưa ra được kế sách gì khả dĩ vẹn toàn để chống lại sự xâm lăng và ngày càng hung hăng của người Pháp.
Ngày 09 tháng 5 năm 1862, tại Gia Định, đại diện của triều đình Huế và nước Pháp do thiếu tướng Hải quân Bonard đại diện đã kí hòa ước, sau này lịch sử gọi đó là hòa ước Nhâm Tuất. Bản hòa ước có 12 khoản, trong đó có điều khoản là “Nước Nam phải nhường đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hòa, tỉnh Gia Định và tỉnh Định Tường”. Đây thực chất là một bản hòa ước đầu hàng nhục nhã của triều đình nhà Nguyễn, mở đường cho thực dân Pháp dần chiếm trọn nước ta. Ngày 15 tháng 3 năm 1874, đại diện triều đình nhà Nguyễn đã ký với người Pháp Hiệp ước Giáp Tuất công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ, lệ thuộc về chủ quyền ngoại giao, mở cửa cho Pháp tự do buôn bán tại các cảng biển và trên sông Hồng cùng tự do truyền đạo. Bằng hiệp ước nhục nhã này, lục tỉnh Nam Kỳ hoàn toàn rơi vào tay thực dân Pháp.
Trước tình cảnh ấy của đất nước, Nhân dân Việt Nam đã đứng dậy chống lại quân xâm lược dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước. Ở miền Nam là các cuộc nổi dậy của nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Thủ Khoa Huân…Ở miền Trung là các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng…Ở miền Bắc là các cuộc khởi nghĩa Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Ngọc Bích; Hoàng Hoa Thám…Các phong trào nhân dân chống Pháp diễn ra ở nhiều nơi với nhiều phương pháp, cách thức khác nhau và cuối cùng đều thất bại trước sự đàn áp của thực dân Pháp. Những năm đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước chuyển hướng theo xu hướng khác. Nhiều sỹ phu yêu nước đã trăn trở ra đi để tìm con đường cứu nước cho dân tộc nhưng cuối cùng cũng đều thất baih. Trường Đông Kinh nghĩa thục bị đóng cửa (1907), vụ Hà thành đầu độc bị thất bại và tàn sát (1908), cuộc biều tình chống thuế ở miền Trung bị đàn áp (1908), khởi nghĩa Yên Thế – khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần Vương cuối cùng – bị bao vây và đánh phá (1909); phong trào Đông Du tan rã, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông bị trục xuất khỏi nước Nhật (1909), các lãnh tụ của phong trào Duy Tân ở Trung Kì cũng bị tàn sát; vua Thành Thái – một nhà vua có tư tưởng thương dân, chống Pháp bị buộc phải thoái vị năm 1907 và năm 1916 cùng với vua con là Duy Tân đã bị người pháp đưa đi đày ở châu Phi.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba đã ra đi tìm cường cứu nước cho dân tộc Việt Nam trên con tàu buôn mang tên Đô đốc Latouche Tréville. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Pháp. Ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng và mục tiêu là giải phóng dân tộc, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhận thấy cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của riêng một, hai người. Cách mạng cần phải có tổ chức bền vững mới giành được thắng lợi và sức mạnh cách mạng phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng. Mùa thu năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp). Ngày 25 đến 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (Tours) với tư cách là đại biểu Đông Dương. Ngày 30 tháng 12 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc cùng những người chủ trương gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Từ phút ấy Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp đồng thời Nguyễn Ái Quốc cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước nhảy vọt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản.
Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ 9 thành viên của Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giác ngộ (Tâm Tâm xã là một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước theo chủ nghĩa dân tộc được thành lập ở Trung Quốc vào năm 1923). Như vậy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bao gồm các thành viên lớp đầu tiên: Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lâm Đức Thụ. Năm 1929, trong nội bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hình thành 2 tổ chức cộng sản là: Đông Dương Cộng sản đảng (tháng 6-1929). Đây là tổ chức của những đảng viên tiên tiến ở Bắc Kỳ. An Nam Cộng sản đảng (8-1929), tổ chức của các đảng viên còn lại của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ. Cũng trong thời gian ấy, một bộ phận tiên tiến của Tân Việt Cách mạng đảng từ lâu đã chịu ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên) đã thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9-1929).
Yêu cầu ấy đặt ra một nhiệm vụ cấp thiết là phải có một chính đảng của giai cấp vô sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Theo Chỉ thị của Đông Phương Bộ (là một bộ phận của Quốc tế III) đã yêu cầu Nguyễn Ái Quốc triệu tập các đại biểu cộng sản Việt Nam để thành lập một chính đảng thống nhất. Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham dự hội nghị có 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh; 2 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Nguyễn Thiệu và Châu Văn Liên; 3 đại biểu ở nước ngoài đại diện cho Quốc tế Cộng sản là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không có đại biểu tại hội nghị vì không kịp có mặt. Hội nghị quyết định thành lập một tổ chức cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua một số văn kiện quan trọng như: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Lời kêu gọi. Ngày 24 thàn 2 năm 1930, Đông Dương Cộng sản Liên chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3 tháng 2 năm 1930 là một dấu mốc, một sự kiện lịch sử đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ giờ phút lịch sử trọng đại ấy, Nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng chân chính cách mạng dẫn đường. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt hoàn toàn đường lối khủng hoảng cứu nước trước đó.
Sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin, đã tìm thấy ở đây lời giải đáp cho những câu hỏi lớn về vận mệnh dân tộc Việt Nam. Đại hội Tua tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III của Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp để rồi bắt đầu từ đây, Người đã xúc tiến chuẩn bị những điều kiện cho sự ra đời một chính đảng kiểu mới của Việt Nam.
2. Những thành tựu vẻ vang của đất nước 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng
Bằng đường lối đúng đắn và phương pháp cách mạng khoa học, ngay khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hòa mình vào các tầng lớp Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào cách mạng đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước từ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, cuộc vận động dân chủ 1936-1939, cao trào cách mạng 1941-1945. Năm 1945, chỉ có hơn 5 nghìn đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí vẫn đang bị thực dân đế quốc giam cầm, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” và sau đó là chiến thắng 30-4-1975 thúc cuộc hành trình dài 30 năm đầy gian khổ, hi sinh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, Đảng đã khởi xướng và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Sau 33 năm lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, vị thế và uy tín của Đảng ngày càng cao trong lòng dân và trên trường quốc quốc tế. Uy tín và vị thế của đất nước Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.
Về vị thế và uy tín của Đảng: Từ một đảng bị thực dân Pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật; các đảng viên của Đảng bị truy lùng, đàn áp khốc liệt đã trở thành đảng cầm quyền từ năm 1945. Từ một đảng khi làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mới chỉ có 5 nghìn đảng viên, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có gần 5 triệu đảng viên, bằng với dân số của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Từ một đảng sau năm 1945 đã có lúc phải thực hiện sách lược tự tuyên bố giải tán, đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là một chính đảng lãnh đạo toàn diện đất nước gần 100 triệu người. Từ một đảng ở một nước thuộc địa nhỏ bé, năm 2015, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được lời mời trân trọng từ chính phủ Mỹ. Tổng thống Mỹ đã đón tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với nghi thức cao nhất giành cho nguyên thủ quốc gia, một việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử mấy trăm năm của nước Mỹ. Từ một đảng bị loại ra ngoài vòng pháp luật, đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ ở các mức độ khác nhau với 228 chính đảng tại 112 nước trên thế giới, trong đó có 59 đảng cầm quyền và 38 đảng tham chính. Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự quan tâm của Nhân dân trong nước mà còn nhận được rất nhiều sự quan tâm, chúc mừng của quốc tế. Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 2016, Đảng đã nhận được 248 điện, thư chúc mừng của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục. Đại hội XII của Đảng cũng là đại hội mà Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được nhiều nhất điện, thư chúc mừng so với các kỳ đại hội trước đó. Điều này không chỉ cho thấy tình cảm sâu sắc của bạn bè quốc tế đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mà còn khẳng định vai trò, vị thế, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Về các mặt kinh tế – xã hội của đất nước: Từ một nền kinh tế bên bờ vực thẳm với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, là nước nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm; sau gần 35 thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng cao nhiều năm liền. Từ một đất nước thiếu lương thực triền miên trước đổi mới thì suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạp lớn nhất, nhì thế giới. Từ một đất nước với hơn 90% người dân mù chữ trước cách mạng tháng Tám thì đến nay, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến cuối năm 2018, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,65% và dự kiến cuối năm 2020 đạt 98%. Từ đất nước với gần 60% dân số đói nghèo trước đổi mới thì nay đã giảm xuống dưới 4% (cuối năm 2019). Tuổi thọ trung bình của người dân hiện đạt gần 73,6 tuổi (cuối năm 2019).
Sau gần 35 năm đổi mới đất nước, quy mô GDP đạt 266.5 tỷ USD, tăng gần 20 lần so với trước đổi mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao. Nếu như năm 1987, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 2.5% thì năm 2019 là 7.02%. Năm 2019, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh, từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, từ bất ổn của nền chính trị nhiều khu vực trên thế giới thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng cao và thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao nhất thế giới. GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thì đến năm 2019 đã là 2.800 USD. Dự trữ quốc gia đến hết năm 2019 là gần 80 tỷ USD, một con số kỷ lục từ trước tới nay của Việt Nam.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Việt Nam hiện đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tham gia nhiều tổ chức quốc tế, nhiều hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc. Kể từ Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước. Nếu như trước năm 1975, Việt Nam vẫn chưa là thành viên của Liên hợp quốc thì đến nay, sau hơn 30 năm (kể từ 20/9/1977) được kết nạp là thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã 2 lần được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, việc Việt Nam được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ 192/193 nước thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam được chọn tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn lớn của quốc tế, trong đó có cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Hội năm 2019…Tất cả những thành tựu ấy ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Về công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị: Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực đem lại hiệu quả và hiệu ứng xã hội sâu sắc. Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019 cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017) toàn hệ thống chính trị đã giảm 4 đầu mối trực thuộc trung ương, 100 đầu mối thuộc cấp tỉnh, 496 đầu mối trực thuộc cấp huyện, hơn 2.600 phòng và tương đương, hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập…, giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. So với thời điểm tháng 4-2015 đã giảm 6,58% số biên chế, với số lượng cụ thể là 236.000 người. “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần giảm được khoảng 10.000 tỉ đồng khi bố trí ngân sách nhà nước năm 2019 cho hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiết kiệm chi thường xuyên”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường. Nhiều vụ án lớn đã được đem ra xét xử, nhiều cán bộ có chức vụ đã bị xử lý kỷ luật và truy tố…
3. Những thách thức đặt ra với đất nước và dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng
Trong một trả lời phỏng vấn gần đây nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Dù rằng, trên con đường đi lên cùng dân tộc và đất nước, nói một cách công bằng và thẳng thắn, không phải không có lúc chúng ta mắc sai lầm, khuyết điểm. Nhưng với tinh thần tự phê bình và phê bình, Đảng đã sớm nhận ra những sai lầm, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa, dù có đau đớn hay phải đối diện với muôn vàn khó khăn, rào cản”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Một chính đảng ngày hôm qua là vĩ đại, ngày hôm nay và mai sau chưa chắc đã là vĩ đại khi chính đảng ấy xa rời tôn chỉ mục đích của mình, xa rời nhân dân, quan liêu, tham nhũng. Những biểu hiện ấy gần đây đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ và khẳng định những hạn chế, khuyết điểm “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Ở Việt Nam hiện nay, hầu như tất cả các vị trí chủ chốt trong chính quyền đều do người của Đảng nắm giữ. Quyền lực có xu hướng tha hóa. Bởi vậy, có một số đảng viên khi giữ các trọng trách cao đã tha hóa, lợi dụng quyền lực mà về danh nghĩa do Nhân dân trao cho để trục lợi, tham ô, tham nhũng, bòn rút của công. Những con sâu mọt này đã gặm nhấm và tàn phá khủng khiếp đất nước. Thế nhưng, những hậu quả khủng khiếp mà nó gây ra không thể cân đong, đo đếm nổi đó chính là nó đã gặm nhấm và tàn phá khủng khiếp niềm tin của Nhân Dân đối với Đảng và bộ máy công quyền. Rất may và kịp thời, trong bối cảnh đó, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được đặt lên hàng đầu và được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay, trong đó có nhiệm vụ cấp bách của cấp bách là phòng, chống tham nhũng, xử lý các cán bộ, đảng viên sai phạm để làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của Nhân dân. Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã có hàng chục nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có hàng trăm cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và một số Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiều sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật, truy tố, hạ cấp hàm…
Điều 4, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; 2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là tổ chức lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Vậy nên, những hay, dở, tốt xấu của xã hội đều gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đảng Cộng sản Việt Nam được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm chính trị toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội; chịu trách nhiệm trước nhân dân về toàn bộ mọi mặt đời sống xã hội, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Một đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, mọi việc to nhỏ, lớn bé, tốt xấu hay không đều ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội, và có quan hệ trọng đại với vai trò trách nhiệm trọng đại của Đảng. Một Đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cán bộ Nhà nước do mình lãnh đạo. Quyền lực lãnh đạo và quản lý giao cho đảng viên càng cao thì trách nhiệm phục vụ nhân dân càng nặng nề. Những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân chính là thước đo uy tín của Đảng trước nhân dân. Tình cảm của nhân dân đối với Đảng thể hiện tập trung và sâu sắc nhất ở sự cảm nhận trực tiếp về chủ trương, chính sách và các hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân và cảm nhận trực tiếp về tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đất nước. Do đó, nếu Đảng lãnh đạo tốt, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, nhân dân sẽ tin tưởng, tôn vinh Đảng, uy tín của Đảng sẽ được nâng cao và ngược lại.
Năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra. Đại hội chắc chắn sẽ đề ra những quyết sách phát triển để đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đặc biệt là đến năm 2045 khi nước Việt Nam tròn 100 tuổi, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước phát triển với thu nhập cao. Những thành tựu mà đất nước và dân tộc đạt được trong 75 năm qua chắc chắn được kết tinh từ thành quả của sự lãnh đạo của Đảng.
TS. VŨ TRUNG KIÊN
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh