Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Đấu tranh phản bác quan điểm đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin

Ảnh minh họa

NHẬN DIỆN ÂM MƯU VÀ THỦ ĐOẠN

Trong thời gian qua, bên cạnh những luận điệu xuyên tạc, cố tình bôi nhọ, hạ bệ uy tín và phủ nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam còn có những chiêu bài tinh vi với vẻ bề ngoài là “đề cao” vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng thực chất là cố tình đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin.

Các thế lực thù địch lập luận rằng chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ phù hợp với phương Tây còn tư tưởng Hồ Chí Minh mới phù hợp với Việt Nam. Điển hình là việc Hồ Chí Minh không bao giờ “bê nguyên xi” chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam mà đều có sự thay đổi. Do đó, các thế lực thù địch ra sức kêu gọi “chỉ cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bỏ qua chủ nghĩa Mác – Lênin” hay “chỉ cần chủ nghĩa Mác – Lênin là đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam”(1).

Nhận thấy vị trí vững chắc không dễ gì lay chuyển được của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trái tim và khối óc nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch cũng đã ra sức ngụy biện rằng “bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của lịch sử, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, là phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành “chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác – Lênin!”(2). Thực chất của quan điểm này là sự đối lập, chia rẽ chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm phá vỡ từng mảng trong nền tảng tư tưởng của Đảng, gây ra sự xáo trộn trong ý thức hệ của nhân dân.

Ngoài ra, các thế lực thù địch tung ra luận điệu: “Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là chủ nghĩa chia rẽ và cực đoan, thiên về đấu tranh giai cấp, đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng đề cao đoàn kết và thống nhất; Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc chứ không theo chủ nghĩa cộng sản, chỉ nhấn mạnh đến đoàn kết chứ không nhấn mạnh đến đấu tranh”(4). Thực chất của luận điệu này chính là muốn hướng lái dư luận hoài nghi về bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gây ra tâm lý hoang mang, dao động, chia rẽ sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức trong Đảng, làm giảm sút niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Sâu xa hơn nữa muốn phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Có thể nhận thấy, luận điệu đối lập hay đòi tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch đi ngược lại lập trường, quan điểm, lợi ích của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam. Mưu đồ thâm hiểm mà chúng nhằm tới là xuyên tạc, phủ nhận và hạ bệ cả chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, “xem xét dưới góc độ phương pháp, việc tách rời chủ nghĩa Mác – Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh là sự nhận thức phiến diện, siêu hình, phi lôgic – lịch sử và không khoa học”(4).

SỰ KẾ THỪA, PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN TRONG ĐIỀU KIỆN CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam vì chính Người đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc ta từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một đất nước độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(5).

Ngay từ khi mới 20 tuổi, do nhận thấy những bế tắc về đường lối và phương pháp cách mạng của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ, Nguyễn Ái Quốc đã rời Tổ quốc để ra đi tìm đường cứu nước. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn – con đường cách mạng vô sản. Việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam tự nó chưa nói lên sự trường tồn của chủ nghĩa Mác – Lênin với cách mạng nước ta. Vấn đề cốt lõi nhất là ở khả năng dẫn đường, hấp dẫn, lôi cuốn của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với cả một đất nước đang vươn lên để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Sức sống chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ thực sự được tỏa sáng ở Việt Nam khi Hồ Chí Minh đã vận dụng nó để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên những thắng lợi vẻ vang ở thế kỷ XX mà không chỉ bạn bè quốc tế ghi nhận mà ngay cả kẻ thù cũng phải nể phục. Do đó, chỉ những kẻ cố tình “nhắm mắt làm ngơ”, “có mặt như mù” mới có thể phủ nhận được công lao to lớn của Người với cách mạng Việt Nam. Vì vậy, “không ai có quyền phỉ báng vào hiện thực lịch sử, quy cho Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là có tội với lịch sử dân tộc bởi chính Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên tiếp nhận và phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản”(6).

Không chỉ truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, Người còn trực tiếp lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, khai sinh và xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Điều quan trọng hơn cả là khi vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, Người đã không bê nguyên xi lý luận của các bậc tiền bối mà đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người đã biến hệ thống lý luận với những nguyên lý, quy luật, phạm trù mang tính phổ quát của chủ nghĩa Mác – Lênin thành những triết lý giản đơn, dễ hiểu để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân làm theo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là nguồn gốc lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Về logic, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển, làm phong phú, sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin; vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam. Vì thế, trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (viết năm 1927), ngay ở trang đầu tiên, Hồ Chí Minh đã trích lời của Lênin: Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động,… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong để nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin đối với Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(7). Điều này đã được Người nhấn mạnh lại trong bài trả lời phỏng vấn nhà báo Sác-lơ Phuốc-ni-ô, phóng viên Báo L’humanité (Pháp) ngày 15/7/1969: “…chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết. Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là Chủ nghĩa Mác – Lênin”(8).

Có thể nhận thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin ở bản chất khoa học và cách mạng, ở lý tưởng và mục tiêu nhân văn vì con người, vì giải phóng giai cấp, dân tộc và nhân loại. Chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa học về những quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống mọi sự áp bức, bất công; về xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời trên mảnh đất hiện thực là thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân – lực lượng xã hội đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất của lịch sử phát triển nền sản xuất vật chất của nhân loại. Đồng thời, là sự tổng hòa từ nhiều nguồn tri thức của loài người, thu nhận tinh túy từ các tư tưởng tiến bộ và không ngừng được bổ sung bằng những kinh nghiệm từ thực tiễn lịch sử được khái quát lên tầm lý luận. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời vì mục tiêu cải tạo thế giới, hướng đến giá trị nhân văn cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Như vậy, về bản chất, tư tưởng Hồ Chí Minh thống nhất với chủ nghĩa Mác – Lênin chứ không hề có sự khác biệt, đối trọng nhau như các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Có được điều đó là do chính Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác – Lênin, nghiên cứu, kế tục, phát triển nó lên tầm cao mới, vận dụng sát đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin nằm trong sự thống nhất hữu cơ; cả hai đều là cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Chúng ta không thể lấy chủ nghĩa Mác – Lênin thay cho tư tưởng Hồ Chí Minh và ngược lại, cũng như không thể hiểu và quán triệt, vận dụng sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nếu không nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin.

KIÊN ĐỊNH, BỔ SUNG, PHÁT TRIỂN CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạt động dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính nền tảng đó là “kim chỉ nam” cho Đảng hoạch định cương lĩnh, đường lối đúng đắn và hiện thực hóa thành công những mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính trị, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Do đó, cùng với quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta đã luôn kiên trì, kiên định với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã khẳng định: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(9).

Tại Đại hội XIII (tháng 1/2021), trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng”, Đảng ta đã chỉ rõ hiện nay: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(10).

Có thể nhận thấy, so với các kỳ Đại hội trước, ở Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ hơn, nhấn mạnh hơn đến những biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, dao động về lập trường cách mạng. Ở Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2016, Đảng ta chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”(11). Đảng ta khẳng định biểu hiện này “là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn” nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đến Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh thêm những biểu hiện nguy hại của tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên gây cản trở đến công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Đó là do có những cán bộ, đảng viên đã công khai “phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Đây là một nhận định khách quan, xác đáng về tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị ngày càng trầm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay.

Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, Đảng ta đã dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tiếp theo tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt, “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”(12), “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”(13). Đây được nhận định là một trong những nguy cơ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.

Trên cơ sở nhận định, dự báo về tình hình trong nước và quốc tế trong thời gian tới, tại Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(14). Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(15). Có thể nhận thấy, quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII có sự kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ Đại hội trước, gần nhất là Đại hội XII về nguyên tắc tiên quyết trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Nếu như Đại hội XII chỉ nhấn mạnh đến việc “vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin” thì Đại hội XIII lại nhấn mạnh thêm sự “kiên định”, coi đây là yếu tố trước tiên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay. Sự kiên định liên quan quan đến lập trường tư tưởng nên để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không có lập trường tư tưởng vững vàng. Hơn nữa, Đảng ra còn nhấn mạnh thêm: “không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” để khẳng định đây là nguyên tắc sống còn trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – cấu phần quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Hơn nữa, ở Đại hội XIII, tính biện chứng trong quan điểm chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn tiếp tục được khẳng định. Đó là vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn. Nếu vận dụng là việc làm theo, đi theo những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì phát triển là làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được bổ sung, được phong phú và sinh động hơn bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa, quán triệt những chỉ dẫn có tính phương pháp luận của V.I.Lênin trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(16).

Như vậy, việc tách rời hay đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin thực chất là nhằm mục đích phá vỡ từng bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm bẻ lái mục tiêu và con đường cách mạng của Việt Nam. Do vậy, một mặt cần tỉnh táo nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đồng thời phải luôn kiên định, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là cách thức hữu hiệu để chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay./.

TS. Lê Thị Chiên

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(Nguồn: Tạp chí Tuyên Giáo)

——————–

(1) Võ Văn Hải: “Những luận điệu lạc lõng của RSF”, trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019 tr.100.

(2) (3) Cục Tuyên huấn (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr.27, tr.58.

(4) Lê Hữu Nghĩa: “Sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5, năm 2019, tr.6-7.

(5) Chu Đức Tính (chủ biên), Hồ Chí Minh – con người thời đại, Nxb. Văn hóa – Thông tin, H, 2010, tr.16.

(6) Nguyễn Đắc Độ: “Cần hiểu đúng công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam” trong sách Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Cục Tuyên huấn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H,2019, tr.58.

(7) (8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 28, tr.374.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.7-8.

(10) (13) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.168, tr.164.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Sđd, tr.61.

(12) (14) (15) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.108, tr.33, tr.33.

(16) V.I.Lênin: Toàn tập, tập 4, Nxb. Tiến bộ, M, 1974, tr.232.