Lợi dụng bối cảnh lịch sử mới và cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã “lỗi thời”, “không còn phù hợp”.
Song, lý luận, thực tiễn đều đã chứng minh, bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin là vấn đề có tính khách quan và vẫn còn nguyên giá trị đối với phong trào cách mạng thế giới.
Trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa Mác – Lênin là một học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất với những giá trị bền vững, không thể phủ nhận. Giá trị này được quy định bởi những đóng góp to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Thứ nhất, quan niệm duy vật về lịch sử: C.Mác là người đầu tiên phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội loài người, đó là: lịch sử xã hội loài người vận động trên cơ sở những động cơ vật chất, nhất là là động cơ lợi ích kinh tế – điều mà sau này V.I.Lênin đã nhận xét rằng, đó là “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”. Quan niệm duy vật về lịch sử xem xét xã hội một cách toàn diện, chỉnh thể, trên nền của sự phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế – xã hội. Mặc dù con người không thể tùy tiện thay đổi hay xóa bỏ các quy luật của xã hội, nhưng thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người có thể tác động để các quy luật xã hội diễn ra nhanh hơn hay chậm đi. Nói chung, quan niệm duy vật về lịch sử là cơ sở phương pháp luận giúp con người nhận thức xã hội, thực tiễn một cách đúng đắn và cho đến nay còn nguyên giá trị, không thể lỗi thời cho dù trong điều kiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.
Thứ hai, lý luận về hình thái kinh tế – xã hội. Với góc độ tiếp cận khoa học, hình thái kinh tế – xã hội làm sáng tỏ quy luật phát triển của xã hội loài người. Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ ra rằng, quy luật phát triển của xã hội loài người không phải là cái gì khó hiểu và phức tạp, đó chính là sự thay thế các hình thái kinh tế – xã hội bởi các cuộc cách mạng xã hội. Mỗi hình thái kinh tế – xã hội là một cơ cấu xã hội hoàn chỉnh, phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Lịch sử xã hội loại người cho thấy, sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng sẽ tồn tại trong khoảng thời gian dài nhất định, cho tới khi mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất không còn phù hợp nữa. Đó là do lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, còn quan hệ sản xuất phát triển chậm hơn nên nó ngày càng không phù hợp với lực lượng sản xuất nữa, lúc đó xã hội đòi hỏi một quan hệ sản xuất mới phù hợp với lực lượng sản xuất, và để đáp ứng sự phù hợp này thường là các cuộc cách mạng xã hội. Đó là cơ sở để chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ ra những mâu thuẫn cũng như khuyết tật cố hữu của chủ nghĩa tư bản, đồng thời cung cấp căn cứ lý luận xác đáng để đi đến khẳng định: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau” (1).
Không thể phủ nhận giá trị khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin. (Ảnh: TL). |
Thứ ba, lý luận về giá trị thặng dư: Thông qua việc đi sâu phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã vén lên “bức màn bí mật” của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nguyên nhân và cơ chế vận hành của sự bóc lột đối với công nhân, người làm thuê. Đặc biệt hiện nay, chính sự phát triển vũ bão của khoa học – công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã không làm cho lý luận về giá trị thặng dư, về mối quan hệ sở hữu, trở nên lỗi thời, mà ngược lại, đã và đang minh chứng rõ nét hơn, cụ thể hơn cho tính đúng đắn của lý luận về giá trị thặng dư.
Chính những vấn đề cơ bản nói trên đã quy định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng thời, là cơ sở tạo lên sức sống và sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hiện nay, cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã đưa đến bước phát triển như vũ bão của lực lượng sản xuất, giúp con người có thêm những cơ hội phát triển, lợi ích, giá trị cao quý, tích cực; song cũng mang lại nhiều thách thức, tiêu cực, nhiều giá trị truyền thống bị đảo lộn. Lợi dụng bối cảnh đó, các thế lực thù định đã tìm mọi cách lợi dụng để chống phá, xuyên tạc, bóp méo các lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin với những luận điệu cho rằng chủ nghĩa Mác – Lênin đã “lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thế kỷ XXI. Nhiều ý kiến cố tình đồng nhất lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, từ đó cho rằng Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là “sai lầm”, “cần phải thay đổi”,…
Song trên thực tế, ở một số quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, các đảng cộng sản vẫn trung thành với lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin. Đặc biệt, tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được lấy làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Và trên nền tảng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước ta từ đói nghèo, lạc hậu vươn lên trở thành một nước có uy tín trên trường quốc tế. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (2). Việt Nam đã trở thành quốc gia tiệm cận phát triển, chính trị – xã hội ổn định, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày càng được hiện thực hóa rõ rệt. Mọi học thuyết chỉ có giá trị khi thực sự thâm nhập vào thực tiễn, định hướng hành động thực tiễn của quần chúng nhân dân, góp phần cải tạo thực tiễn. Do đó, những thành quả các mạng, nhất là kết quả sự nghiệp đổi mới trong gần 40 năm qua chính là minh chứng rõ ràng nhất cho giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Dù các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, song thực tiễn lịch sử nhân loại trong hơn 170 năm qua đã khẳng định, chủ nghĩa Mác – Lênin thực sự là một lý thuyết xã hội tiến bộ, khoa học và cách mạng. Bằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin đã luận giải một cách khoa học về những vấn đề cơ bản nhất của xã hội loài người, đặc biệt là sự vận động, phát triển, thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế – xã hội, và tính tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản tất yếu cũng như tính tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản của xã hội loài người.
Chủ nghĩa Mác – Lênin với tính cách là học thuyết mở, cách mạng, khoa học, phát triển không ngừng là cơ sở quan trọng để chúng ta bồi dưỡng niềm tin, tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới hiện nay./.
Tài liệu tham khảo:
(1). C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.CTQG, H. 1999, Tập 4, tr. 613.
(2). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 322.