Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử của Tỉnh đoàn Trà Vinh
spot_img
spot_img
spot_img

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày 5/8 vừa qua, Costa Rica là quốc gia thứ 73 chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Trước đó, các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand… cũng lần lượt công nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Đây là minh chứng cho đường lối đúng đắn mà Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn và kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986) Đảng ta quyết định tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế – xã hội. Đảng ta xác định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ; trong khi lấy kế hoạch làm trung tâm, phải đồng thời sử dụng đúng đắn các quan hệ hàng hóa tiền tệ, dứt khoát xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Đại hội lần thứ IX (năm 2001) Đảng ta xác định mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”.

Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, trong đó lĩnh vực kinh tế được đánh giá là một điểm sáng ấn tượng. Xuất phát điểm là một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP chỉ đạt mức 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, đến nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Năm 2023, GDP đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, tăng gấp 58 lần so với những năm đầu đổi mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%.

Từ năm 2008 Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Việt Nam thật sự trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 thế giới, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 23 tỷ USD – mức cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Cần nhấn mạnh rằng, kết quả này đạt được trong bối cảnh các thị trường lớn bị thu hẹp và chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện nhiều đứt gãy do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN, thứ 35 trong 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận hiện tại Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Đánh giá thành tựu trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta thời gian qua, các chuyên gia chỉ ra những kết quả nổi bật, đó là: kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các thành tố cơ bản của thị trường tài chính như thị trường tín dụng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm cùng nhiều loại công cụ tài chính, giấy tờ có giá đã được hình thành tương đối hoàn chỉnh và đang được đưa vào vận hành, góp phần tạo điều kiện thu hút, tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hiệu lực quản lý nhà nước đối với phát triển các yếu tố thị trường, các loại thị trường ngày càng được nâng cao, thủ tục hành chính từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển các loại thị trường. Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức; kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Đáng tiếc là ngày 2/8 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Đây là phán quyết gây thất vọng bởi như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng giá trị thay thế của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng, Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như hơn 70 nền kinh tế khác đã công nhận. Ngày 3/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”.

Việt Nam thật sự đã thiết lập một nền kinh tế thị trường năng động, hiệu quả là đánh giá của nhiều chuyên gia. Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS – một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ) trong bài viết “High Time for the United States to Graduate Vietnam from Its Nonmarket Economy Status” (tạm dịch: Đã đến lúc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế phi thị trường) đăng tải trên website của CSIS phân tích rõ: Việt Nam đã tiến hành cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980 bằng cách mở cửa đất nước cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, cắt giảm mạnh vai trò trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước, từ bỏ nông nghiệp tập thể và kiểm soát giá cả.

Ngày nay, Việt Nam là một thỏi nam châm lớn thu hút đầu tư nước ngoài. Ông thẳng thắn chỉ ra rằng: “Nhiều nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, Australia, Anh và Canada, đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nên việc Hoa Kỳ xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường có vẻ độc đoán và phản tác dụng đối với một quốc gia mà Hoa Kỳ có quan hệ kinh tế sâu sắc và hợp tác an ninh ngày càng mạnh mẽ”.

Ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) bày tỏ: “Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường! Nền kinh tế đó đã đáp ứng được những tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được chỉ định chính xác”. Trước phán quyết của phía Hoa Kỳ, Bộ Công thương cho biết sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ để bổ sung, hoàn thiện lập luận, gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Thời gian qua, lợi dụng sự việc nêu trên, các thế lực phản động, cơ hội chính trị đã ra sức công kích Việt Nam, đồng thời đưa ra những luận điệu sai trái phủ định thành tựu của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Các đối tượng cố tình xuyên tạc, hướng lái nguyên nhân của thất bại này là do Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, nền kinh tế không thể phát triển theo đúng tiêu chí thị trường, trong khi đó lại phớt lờ việc đã có hơn 70 quốc gia công nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Từ đây, các đối tượng kêu gọi phải đa nguyên đa đảng, thay đổi thể chế thì đất nước mới có thể phát triển. Nhân cơ hội này, những hội nhóm phản động lưu vong tranh thủ “khoe thành tích” là những cuộc vận động hành lang kêu gọi các tổ chức, cá nhân có tiếng nói gây sức ép lên chính quyền Hoa Kỳ từ chối công nhận quy chế nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Tiếp tục “kịch bản” quen thuộc, tổ chức khủng bố Việt Tân lập tức tổ chức livestream dưới dạng hội luận với sự tham gia của những nhân vật cực đoan, thiếu thiện chí với Việt Nam nhằm mục đích bôi đen, xuyên tạc những thành tựu kinh tế mà đất nước ta đã đạt được trong nhiều năm qua, tiếp tục cổ xúy việc Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đối tượng chống phá ra sức rêu rao rằng không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì kinh tế thị trường vốn là của chủ nghĩa tư bản. Chỉ khi Việt Nam phát triển theo con đường tư bản thì mới có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Tuy nhiên, thực tế chứng minh kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, không phải là sản phẩm độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Mỗi quốc gia với những yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, thể chế chính trị sẽ hình thành những mô hình kinh tế thị trường khác nhau như kinh tế thị trường tự do ở Hoa Kỳ; kinh tế thị trường xã hội ở Đức, Áo; kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi ở Thụy Điển và các nước Bắc Âu; kinh tế thị trường phối hợp ở Nhật Bản,…

Dù là những cách làm khác nhau nhưng mục tiêu mà các quốc gia đều hướng đến đó là thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống người dân. Do đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tiêu chí mà các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.

Những thành tựu của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới được các quốc gia, tổ chức, chuyên gia quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là minh chứng thuyết phục cho sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã lựa chọn, trong đó có đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta hoàn toàn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục cống hiến công sức cho sự phát triển của đất nước, đồng thời không ngừng đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, thù địch về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước hòng làm chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

Theo nhandan