Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước.
Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. (Nguồn: UNICEF)
Việt Nam ghi nhận quyền con người, quyền công dân tại Hiến pháp năm 1946 ngay sau khi giành được độc lập năm 1945. Sau đó, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được khẳng định và mở rộng tại các bản Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013.
Trong cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định lấy “dân là gốc”, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, quyền con người được phát huy và bảo đảm bởi các thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã gia nhập và ký kết 7/9 công ước cơ bản và các điều ước quốc tế liên quan đến quyền con người, là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025 với nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế đánh giá cao; đóng góp vào nỗ lực bảo đảm quyền con người trên tất cả các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.Con người và quyền con người tiếp tục đóng vai trò tiên quyết để Việt Nam kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Theo PGS, TS. Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không chỉ xác định con người là trung tâm, mà còn xác định quyền con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi quyền con người, quyền công dân phải được công nhận, được tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ hiệu quả, mà theo quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế-xã hội”.
Có thể thấy, xuyên suốt từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo để mỗi con người, mỗi người dân Việt Nam đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, nhất là quyền của người dân được tham gia đầy đủ, hiệu quả, thực chất vào các công việc của nhà nước và xã hội; thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ bản thân, được tham gia đóng góp xây dựng, phát triển đất nước và quyền được thụ hưởng thành quả của sự phát triển, thành quả của công cuộc đổi mới.