Coi trọng kinh tế tư nhân là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta và dần dần được hoàn thiện qua các kỳ đại hội.
Ảnh: ANTV
Quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” được ra đời trên cơ sở kế thừa, phát triển sáng tạo tư duy, nhận thức của Đảng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân như là một trong những giải pháp đột phá, tạo cú huých cho kỷ nguyên vươn mình, phát triển thịnh vượng của dân tộc.
Ngay sau khi đăng tải, bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một quan điểm sáng suốt của Đảng ta-nhất là trong giai đoạn cần những giải pháp đột phá tạo cú huých cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, với dã tâm chống phá Việt Nam, các đối tượng chống phá thù địch, thiếu thiện chí đã lập tức đưa ra những luận điệu phủ nhận, bóp méo, xuyên tạc vấn đề này.
Trên nhiều diễn đàn mạng, các thế lực thù địch ra sức rêu rao Đảng ta đưa ra quan điểm này là “bất nhất”, mâu thuẫn với quan điểm của các thời kỳ trước; công kích Việt Nam có dấu hiệu “đổi mầu” trong chính sách phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa (TBCN); Việt Nam sắp “tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”…
Có thể thấy, đây vẫn chỉ là chiêu bài “bình mới, rượu cũ” của các đối tượng chống phá. Mỗi khi đất nước có sự kiện quan trọng, có những chính sách mới, hay tư tưởng đột phá thì chúng lại dùng luận điệu xuyên tạc, bóp méo để phủ nhận giá trị của những tư tưởng, quan điểm hay chính sách đó, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng tiêu cực. Mục đích chúng hướng tới là nhằm phủ nhận vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta và tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Điều nực cười là khi kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa có nhiều khởi sắc, các thế lực thù địch đổ lỗi do sự “trói buộc”, “rào cản” về thể chế, chính sách… Nhưng khi Đảng ta đưa ra quan điểm coi “kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế” thì chúng cho rằng đó là nhận thức quá chậm chạp và Việt Nam phải mất tới “50 năm mới nhận ra điều đó”.
Còn hiện nay, khi đất nước ta tập trung ưu tiên mũi nhọn vào phát triển kinh tế tư nhân với tư cách là “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” thì chúng lại rêu rao là Việt Nam “bất nhất”, có dấu hiệu “đổi mầu”, “chệch hướng” theo hướng TBCN!
Cần khẳng định rằng quan điểm coi “Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” ra đời dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững vàng. Trên phương diện lý luận, quan điểm này được dựa trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vị trí, vai trò của kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, của kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Từ thực tiễn xây dựng CNXH ở Liên Xô, V.I.Lênin đã chỉ rõ, để xây dựng CNXH tất yếu phải kế thừa những thành quả của nhân loại trong đó có kinh tế thị trường; tất yếu phải thực hiện sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; phải có nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu cùng tồn tại lâu dài trong thời kỳ quá độ. Cho nên, ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân với tư cách là một khu vực kinh tế có nhiều thế mạnh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ trương đúng đắn, hợp quy luật, vận dụng sâu sắc quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ.
Phát triển kinh tế tư nhân không phải là “tư nhân hóa nền kinh tế quốc dân”, mà là “khơi thông mọi nguồn lực”, phát huy tối đa nguồn lực lớn nhất của đất nước, bởi nguồn lực của kinh tế tư nhân không phải chỉ ở các doanh nghiệp, mà còn nằm ở chính trong nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực kinh tế nhà nước hay kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, và nền kinh tế quốc gia chỉ thật sự cường thịnh khi toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, một xã hội mà người người, nhà nhà, ai cũng hăng say lao động.
Quan điểm này thấm đượm tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp nội lực với ngoại lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng thành phần kinh tế, dựa vào sức mạnh của nhân dân để làm cuộc cách mạng đột phá đưa đất nước phát triển thịnh vượng.
Mặt khác, quan điểm “Phát triển kinh tế tư nhân – đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” cũng chính là sự kế thừa và phát triển sáng tạo tư duy, nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế thị trường của Đảng ta trong suốt chặng đường đổi mới. Đây không phải là luận điệu “bất nhất” như các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc, cũng không hề mâu thuẫn với nhận thức của Đảng trong các giai đoạn trước, mà hoàn toàn thống nhất với đường lối phát triển đất nước theo con đường XHCN do dân tộc ta đã lựa chọn.
Phải thẳng thắn thừa nhận, đã có thời kỳ chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân. Nhưng trải qua các giai đoạn cách mạng với các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, Đảng ta đã có sự phát triển và hoàn thiện nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường trong đó có kinh tế tư nhân. Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có chủ trương nhất quán là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng của nền kinh tế.
Ngay từ Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong các thành phần kinh tế. Đến Đại hội VII (1991), Đảng ta có quan điểm rõ ràng hơn, coi kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế độc lập, có tiềm năng phát triển và đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Đại hội VIII (1996) của Đảng tiếp tục khẳng định việc kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước, cần đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế, tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài.
Đại hội IX (2001) của Đảng có bước phát triển nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư bản tư nhân, khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài. Đại hội X (2006) Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế. Hội nghị Trung ương 3 khóa X đã thông qua quy định về đảng viên làm kinh tế tư nhân, thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng nhằm huy động, phát huy tiềm năng trong nhân dân, trong đó có đội ngũ đảng viên để phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp đến Đại hội XI, XII, XIII, nhận thức của Đảng về kinh tế tư nhân được phát triển lên một bước, từ chỗ coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế” đến chỗ coi kinh tế tư nhân “một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế” và tiến tới coi kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” trong Dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân được hiện thực hóa thông qua hàng loạt các nghị quyết (tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN); hay trong Hiến pháp 2013, trong các bộ luật như Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Những căn cứ pháp lý này đã làm cho nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn; đồng thời tạo ra khung khổ pháp lý cho kinh tế tư nhân được tự do cạnh tranh, được pháp luật bảo hộ và bình đẳng với kinh tế nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; nhiều rào cản, thủ tục pháp lý cũng dần được tháo gỡ.
Thực tiễn cho thấy, những kết quả mà kinh tế tư nhân đạt được đã chứng minh vai trò, vị trí “đòn bẩy” quan trọng của nền kinh tế. Chính trên cơ sở sự thay đổi, phát triển nhận thức đúng đắn, kịp thời về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân với những cơ chế, chính sách kinh tế nhiều thành phần, kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo những điều kiện, tiền đề để kinh tế tư nhân phát triển, không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những nhân tố quan trọng cho sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
Trong hai thập kỷ trở lại đây, khu vực kinh tế tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, với gần một triệu doanh nghiệp, năm triệu hộ kinh doanh cá thể, đóng góp 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Với tiềm năng và thực lực đó, kinh tế tư nhân được đánh giá là khu vực kinh tế năng động nhất của nền kinh tế đất nước hiện nay. Tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân cũng là tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển bứt phá của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.